Đột quỵ ở tuổi 18
Gia đình bệnh nhân nam 18 tuổi ở Quảng Châu, Trung Quốc chia sẻ, vào sáng sớm khi thức dậy, bệnh nhân đột nhiên cảm thấy phần chân và tay phải bị yếu liệt, ảnh hưởng tới việc di chuyển. Ngoài ra, bệnh nhân có dấu hiệu nói ngọng. Do bệnh nhân có triệu chứng bất thường nên gia đình đã đưa tới bệnh viện tỉnh để cấp cứu.
Kết quả khám kết luận bệnh nhân bị đột quỵ não. May mắn, bệnh nhân được đưa đến bệnh viện cấp cứu sớm nên bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật tái thông động mạch não trái kịp thời. Ca phẫu thuật diễn ra thành công, bệnh nhân sau đó đã hồi phục sức khỏe bình thường.
Trong quá trình thăm khám, bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị hở van tim bẩm sinh, cộng thêm bệnh nhân có thói quen thường xuyên thức khuya chơi game. Đây là hai yếu tố làm tăng nguy cơ đột quỵ ở bệnh nhân.
Thói quen nhiều người trẻ mắc "dẫn lối" cho đột quỵ
Bác sĩ Lưu Quân, Trưởng Khoa Thần kinh tại Bệnh viện Thụy Kim, Thượng Hải, Trung Quốc cho biết trong những năm gần đây, số bệnh nhân đột quỵ ở nước này có xu hướng gia tăng và ngày càng trẻ hóa. Ngoài bệnh nhân 18 tuổi kể trên, truyền thông Trung Quốc cũng từng đưa tin về rất nhiều trường hợp bệnh nhân trẻ, ở độ tuổi 22-25 nhập viện cấp cứu do đột quỵ.
Theo bác sĩ Lưu Quân, điểm chung của các bệnh nhân này là đều có thói quen kém lành mạnh, thường xuyên thức khuya đến tận 1-2 giờ sáng để làm việc hoặc giải trí.
Theo bác sĩ thức khuya gây ảnh hưởng tới đồng hồ sinh học trong cơ thể, khiến cơ thể tiết ra một lượng lớn hormone căng thẳng adrenaline, kích thích hệ thống thần kinh giao cảm. Tình trạng này có thể khiến nhịp tim tăng lên, các mạch máu bị co thắt liên tục, dẫn đến huyết áp tăng cao.
Huyết áp tăng cao trong thời gian dài không được điều trị có thể sẽ gia tăng áp lực lên thành mạch, khiến mạch máu dễ bị tổn thương, từ đó tăng nguy cơ vỡ mạch máu não và gây ra đột quỵ xuất huyết não.
“Khi cơn đột quỵ khởi phát, nhiều bệnh nhân trẻ xuất hiện dấu hiệu chóng mặt, tê liệt tay chân nhưng họ thường chủ quan, cho rằng bản thân mệt mỏi quá độ do thức khuya và không đi khám. Điều này khiến nhiều bệnh nhân trẻ bỏ lỡ thời gian ‘vàng’ để điều trị đột quỵ, từ đó gây biến chứng nặng”, bác sĩ Lưu Quân nói.
Theo bác sĩ Lưu Quân, khi cơ thể có các dấu hiệu bất thường như đau đầu, chóng mặt, nói khó, tê/liệt một bên tay chân,... mọi người cần đến cơ sở y tế gần nhất để thăm khám, phát hiện và điều trị bệnh kịp thời.
Bác sĩ Phạm Vi Nữ, Trưởng Khoa Thần kinh tại Bệnh viện số 2 Ninh Ba, Trung Quốc cho biết: “Đột quỵ có thể phòng ngừa bằng cách kiểm soát các yếu tố nguy cơ và thay đổi lối sống”.
Theo bác sĩ, lối sống có vai trò quyết định tới phần lớn sức khỏe của mạch máu. Ở bất kỳ độ tuổi nào, việc áp dụng lối sống lành mạnh như ăn uống đa dạng dinh dưỡng, tăng cường tập thể dục, hạn chế sử dụng rượu, bia, thuốc lá đều có thể ngăn chặn các tổn thương ở mạch máu từ đó giúp hạn chế nguy cơ mắc béo phì, tăng huyết áp, bệnh tiểu đường và rối loạn lipid máu. Việc ngăn chặn các bệnh lý kể trên có thể giúp chúng ta phòng ngừa đột quỵ hiệu quả.
Mộc Miên