Theo Đại sứ quán Bỉ tại Việt Nam, 3 quốc gia Benelux (Bỉ - Hà Lan - Luxembourg) đã nhất trí sẽ công nhận hộ chiếu mới của Việt Nam, với điều kiện là hộ chiếu đó có đóng dấu nơi sinh. "Con dấu này do cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam hoặc đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài đóng", Đại sứ quán thông báo.
Trong khi đó, Đại sứ quán CH Séc tại Việt Nam thông báo nước này quyết định tạm thời chấp nhận hộ chiếu mẫu mới của Việt Nam, với điều kiện thông tin về nơi sinh của người mang hộ chiếu phải được ghi chú ở trang số 4 của hộ chiếu. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý xuất nhập cảnh ở Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, hoặc các cơ quan ngoại giao của Việt Nam phải là các cơ quan thực hiện bổ sung thông tin về nơi sinh này.
"Cộng hòa Séc và Việt Nam hiện đang phối hợp chặt chẽ về vấn đề chấp nhận mẫu hộ chiếu mới của Việt Nam cấp từ ngày 1 tháng 7 năm 2022. Quyết định chấp nhận mẫu hộ chiếu màu xanh tím than vào thời điểm hiện tại của Cộng hòa Séc tạm thời được áp dụng cho đến cuối năm 2022", Đại sứ quán cho biết hôm 7/9.
Như vậy, sau thời gian vấn đề thiếu thông tin nơi sinh khiến mẫu hộ chiếu mới của Việt Nam bị một số nước tạm dừng cấp visa, đến nay Pháp, Anh thông báo tiếp tục công nhận mẫu hộ chiếu mới của Việt Nam, nhưng khuyến cáo người dân thường xuyên cập nhật thông tin về các quy định cụ thể; CH Séc, Bỉ, Hà Lan, Luxembourg, Phần Lan, CHLB Đức, Tây Ban Nha thông báo công nhận hộ chiếu mới với điều kiện bổ sung thông tin nơi sinh; Đại sứ quán Mỹ ở Việt Nam thông báo chính phủ nước này vẫn đang xem xét vấn đề, và khuyến cáo người dân thêm bị chú nơi sinh vào hộ chiếu mẫu mới.
Đáp ứng nhu cầu của công dân, một số cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cũng thực hiện bổ sung bị chú "nơi sinh" vào hộ chiếu mẫu mới.
Trước đó, ngày 27/7, Đức là nước đầu tiên thông báo tạm dừng cấp visa vào mẫu hộ chiếu mới của Việt Nam do thiếu thông tin nơi sinh. Một số nước khác thuộc nhóm Schengen sau đó có động thái tương tự.
Thông tin nơi sinh (place of birth - POB) được xem là một trong những thông tin quan trọng giúp xác định danh tính của một cá nhân do không bao giờ thay đổi bất kể quá trình sinh sống. Một số quốc gia xem việc thiếu thông tin này là vấn đề an ninh và do đó có thể từ chối chấp nhận hộ chiếu hoặc từ chối cho nhập cảnh tại biên giới. Tuy nhiên theo tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO), việc ghi thông tin nơi sinh là không bắt buộc và cũng có hộ chiếu một số nước không có thông tin này do những lo ngại về quyền riêng tư.
Hộ chiếu mẫu mới được Bộ Công an cấp từ ngày 1/7, được thiết kế tỉ mỉ, trên mỗi trang là hình ảnh phong cảnh, hình tượng về chủ quyền quốc gia, di sản văn hóa nổi tiếng như vịnh Hạ Long, kinh đô Huế, đền Hùng, phố cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn, bến Nhà Rồng, cột cờ Lũng Cú...
Hộ chiếu vẫn giữ nguyên kích thước, chiều ngang 88mm, dài 125mm và dày trong khoảng 0.75mm, nhưng màu sắc ở trang bìa đổi thành xanh tím than. Những đổi mới trên góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới và thể hiện truyền thống lịch sử, văn hóa của đất nước.
Theo tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), thông tin buộc phải có trên hộ chiếu bao gồm: Loại hộ chiếu, họ và tên, số hộ chiếu, quốc tịch, ngày tháng năm sinh, giới tính và ngày hết hạn hộ chiếu. Việc ghi nơi sinh trong hộ chiếu là tùy thuộc vào từng quốc gia, không bắt buộc.
Theo quy định tại khoản 3 điều 6 luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, thông tin trên hộ chiếu không có nội dung nơi sinh.
NT (Nguoiduatin.vn)