Ocean Infinity (công ty chế tạo robot hàng hải có trụ sở tại Hoa Kỳ và Vương quốc Anh) đã khôi phục lại cuộc tìm kiếm chuyến bay 370 của Malaysia Airlines, hơn một thập kỷ sau khi máy bay mất tích một cách bí ẩn.
Công ty robot biển đã mang trang bị bộ công cụ công nghệ cao, đặc biệt là Armada 7806 cùng đội tàu lặn robot để xác định vị trí máy bay mất tích quay trở lại Nam Ấn Độ Dương, cách Perth (Úc) 1.500 km về phía tây. Thông tin này được đưa ra sau khi Ocean Infinity nhận được sự chấp thuận từ chính phủ Malaysia. Hoạt động tìm kiếm máy bay mất tích sẽ diễn ra tại địa điểm mới rộng 15.000 km2 ở Ấn Độ Dương. Cuộc tìm kiếm sẽ tập trung vào “4 điểm nóng” - nơi mà một số nhà nghiên cứu MH370 tin rằng có thể tìm thấy xác máy bay.
Khu vực tìm kiếm MH370 có diện tích tương đương với thành phố Sydney, được xác định thông qua phân tích chi tiết các kiểu thời tiết, dữ liệu vệ tinh và mảnh vỡ máy bay được tìm thấy dọc theo bờ biển Châu Phi và các đảo Ấn Độ Dương.
Công nghệ hàng hải tiên tiến được triển khai
Armada 7806 của Ocean Infinity là loại tàu hỗ trợ xa bờ dài 78 mét, rộng 15 mét được công ty Vard của Na Uy đóng vào năm 2023. Tàu được trang bị các phương tiện lặn tự động (AUV) của Kongsberg, có khả năng hoạt động ở độ sâu 6.000 mét trong vòng 100 giờ.

AUV sử dụng hệ thống sonar tiên tiến để lập bản đồ đáy biển và phát hiện các vật thể. Hệ thống này có thể chụp ảnh với độ phân giải cao, kết hợp nhiều lần quét để có hình ảnh chi tiết hơn.
Sonar đa tia lập bản đồ địa hình dưới nước và sonar định hình dưới đáy biển xuyên qua đáy biển để phát hiện các cấu trúc bị chôn vùi. Nếu sonar phát hiện ra mục tiêu, camera và đèn trên AUV sẽ chụp ảnh cận cảnh để nhận dạng, đảm bảo tìm kiếm hiệu quả và tập trung.
Chính phủ Malaysia đã đồng ý ký hợp đồng "không tìm thấy, không mất phí" với Ocean Infinity. Theo đó công ty robot hàng hải tư nhân này sẽ được trả 70 triệu USD nếu họ định vị thành công máy bay.
Bí ẩn chưa có lời giải của MH370
Được coi là một trong những câu đố lớn nhất trong lịch sử hàng không, chiếc máy bay Boeing 777 đã biến mất khỏi radar ngay sau khi cất cánh vào ngày 8/3/2014 từ Kuala Lumpur. Chuyến bay đang trên đường tới Bắc Kinh, Trung Quốc.
Kiểm soát không lưu đã mất liên lạc ngay khi máy bay đi vào không phận Việt Nam trên Vịnh Thái Lan. Radar quân sự sau đó đã theo dõi chuyến bay và phát hiện nó đã quay đầu chữ U bất ngờ và lao xuống biển. Liên lạc bị mất một giờ sau khi cất cánh và những nỗ lực tìm kiếm đầu tiên cuối cùng đã dừng lại vào năm 2017.
Vào thời điểm máy bay mất tích, 227 hành khách và 12 thành viên phi hành đoàn có mặt trên máy bay. Sự việc này khiến dư luận và gia đình các nạn nhân bàng hoàng và đau xót.
Kể từ đó, một số mảnh vỡ liên quan đến chuyến bay đã xuất hiện ở bờ biển phía đông châu Phi, cách Malaysia hàng nghìn km. Những nỗ lực tìm kiếm trước đây đã kết thúc vào năm 2017.

Năm 2018, Ocean Infinity đã tiến hành một cuộc tìm kiếm tương tự theo các điều khoản tương tự nhưng đã kết thúc sau ba tháng không thành công. Kể từ cuộc tìm kiếm năm 2018, Ocean Infinity đã tiến bộ đáng kể về công nghệ robot biển và phân tích dữ liệu.
Thiết bị này đã chứng minh được khả năng triển khai nhiều phương tiện cùng lúc ở độ sâu lên tới 6.000 mét và xác định vị trí xác tàu đắm dưới nước.
Năm 2018, họ đã tìm thấy một tàu ngầm hải quân Argentina mất tích ở độ sâu gần 1.000 mét dưới Đại Tây Dương. Tháng 10/2024, họ đã phát hiện ra xác tàu của Hải quân Hoa Kỳ đã chìm dưới nước trong 78 năm. Có thể thấy, công nghệ tiên tiến của Ocean Infinity đã mang đến những kết quả tích cực.
Dẫu vậy, thực tế là Ocean Infinity vẫn phải đối mặt với một cuộc tìm kiếm đầy thách thức. Hoạt động này có thể mất tới 18 tháng, với điều kiện bề mặt gồ ghề và địa hình dưới nước phức tạp.
Minh Anh
Bình luận tiêu biểu (0)