Thuật ngữ thời trang tuần hoàn không còn xa lạ với chúng ta trong thời đại ngày nay. Nó được hiểu là một quy trình với mục đích giảm thiểu chất thải hay những yếu tố gây ô nhiễm nhằm đảm bảo sản phẩm thời trang được tạo ra sẽ có vòng đời sử dụng lâu nhất. Điều này bắt nguồn từ tình trạng hiện tại của ngành công nghiệp thời trang. Theo số liệu thống kê thì lượng rác thải trung bình thải ra trên toàn cầu rơi vào khoảng 92 triệu tấn, một con số đáng báo động, gây ảnh hưởng trực tiếp tới môi trường cũng như tài nguyên thiên nhiên. Mô hình thời trang tuần hoàn cũng đang được áp dụng rộng rãi, đặc biệt là giới trẻ.
Trăn trở với lượng "khủng" quần áo cũ bị xả thải mỗi tháng
Đến với một gian hàng thời trang tuần hoàn nho nhỏ nằm nép mình tại một chung cư ở quận Bình Thạnh (TP HCM), mang tên Urban Circular Space do chị Hà Ngọc Anh đại diện làm quản lí, đây là một trong những dự án thời trang tái tạo lại “cuộc đời mới” cho quần áo cũ.
“Hiện nay, thời trang nhanh tăng lên rất nhiều và mọi người cũng có nhu cầu thay đổi trang phục rất là nhiều nên quần áo cũ sẽ bị bỏ xó trong tủ hoặc đi ngang những bãi rác sẽ thấy quần áo chất đống ngoài đó, nó không được xử lí đúng cách và nó sẽ gây hại đến môi trường rất nhiều và chúng ta sẽ mất nhiều thời gian để xử lí. Đó là lí do mình mong muốn có một nơi để các bạn tập trung trao gửi quần áo cũ ở đó” - Chị Hà Ngọc Anh chia sẻ với nhiều nỗi trăn trở.
Chị Ngọc Anh còn chia sẻ thêm, trung bình mỗi tháng nhóm sẽ nhận được khoảng 2.500 món đồ cũ chứng tỏ nhu cầu thải đồ của mọi người ngày càng nhiều, nếu không được tuần hoàn hay xử lí thì điều đó sẽ trở thành gánh nặng cho môi trường.
Mang lại “cuộc đời mới” cho quần áo cũ
Mỗi tháng, nhóm của Ngọc Anh sẽ tổ chức thu nhận quần áo cũ một lần và tổ chức các sự kiện tái chế. Số quần áo thu gom sẽ được phân loại để tuần hoàn đúng mục đích và giá trị sử dụng. “Sau khi chúng mình thu gom, có những quần áo vải vẫn còn tốt, nó chỉ bị hư dây kéo hay bị lủng thì tụi mình sẽ dùng những vải đó để sáng tạo ra thành những sản phẩm handmade. Những sản phẩm tái chế ở đây đa dạng chất liệu như jeans, demin, linen, thun,...thường chúng sẽ được tái chế thành túi xách là thông dụng nhất hoặc những túi đựng ly, đế ly. Những chất liệu vải để tái chế thì nó phải không quá cũ” - Ngọc Anh chia sẻ.
Thời trang tuần hoàn giúp cho các sản phẩm quần áo có vòng đời sử dụng lâu nhất thông qua việc tái sử dụng và tái chế, từ đó giảm thiểu chất thải ra môi trường thậm chí những thành phẩm được tái chế lại trở nên khá bắt mắt và thu hút được sự quan tâm của người dùng.
“Các bạn trẻ bây giờ cũng quan tâm đến việc sống xanh, bảo vệ môi trường, nhận thức được việc ảnh hưởng đến môi trường. Các bạn trẻ hay đến cửa hàng mình để tuần hoàn quần áo cũ và ủng hộ những sản phẩm tái chế” - Ngọc Anh nói.
Cũng là một người trẻ cực chuộng lối sống xanh, Võ Minh Trang (ngụ quận Bình Thạnh) cũng dần thay đổi thói quen, thói quen đầu tiên là từ chính tủ quần áo. “Mình theo đuổi lối sống xanh này khoảng 3 năm rồi, mọi thử mình sử dụng nó đều đến từ nguồn gốc tự nhiên. Cái đầu tiên mình thay đổi đó là tủ đồ, mình thấy việc mua đồ và bỏ đồ không đúng cách nó ảnh hưởng đến môi trường rất là nhiều nên mình đã tìm đến thời trang tuần hoàn, ban đầu là đồ secondhand. Mình có thể sử dụng đồ tuần hoàn của bạn bè, người thân chứ không nhất thiết là đi mua đồ mới” - Minh Trang bày tỏ quan điểm.
Chị Ngọc Anh cho biết, dù gặp khá nhiều khó khăn trong ý tưởng thiết kế nhưng nhóm luôn cố gắng trau dồi để bắt kịp với xu hướng của ngành thời trang, tạo ra những sản phẩm tái chế sáng tạo để có thể chiều lòng “thượng đế”.
Lan tỏa lối “sống xanh” nhờ quần áo tuần hoàn
Sau khoảng gần 5 năm hoạt động, nhóm Urban Circular Space dần trở thành điểm đến quen thuộc không chỉ của các bạn trẻ mà những cô lớn tuổi cũng đến để săn những món đồ tuần hoàn độc đáo.
“Mình thấy cái xu hướng là các bạn trẻ đang ngày càng rất quan tâm đến môi trường và trở thành người tiêu dùng có trách nhiệm hơn và đặc biệt các bạn muốn tạo cho mình một phong cách riêng nên các bạn trẻ rất quan tâm đến sản phẩm tái chế” - Minh Trang chia sẻ.
Nhờ mô hình thời trang tuần hoàn mà mỗi tháng, nhóm của Ngọc Anh có thể thu gom, phân loại và gửi về nhà máy xử lí những quần áo không thể sử dụng được ở con số trên 1.000. Điều đó đồng nghĩa với việc, quần áo cũ sẽ được xử lí đúng cách và hạn chế sự xả thải ô nhiễm ra môi trường.
“Dù đó chỉ là con số nhỏ so với một môi trường sống rộng lớn nhưng tụi mình thấy cũng rất hạnh phúc vì quần áo được xử lí đúng quy trình và đúng cách và Urban Circular Space cũng là điểm đến quen thuộc khi mọi người có nhu cầu trao đổi quần áo cũ” - Ngọc Anh vui vẻ chia sẻ.
Di Anh