Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội yêu cầu các địa phương nắm bắt tình hình tiền lương, nợ lương năm 2024, ban hành kế hoạch thưởng Tết 2025, báo cáo về Bộ trước ngày 15/12.
Hiện nay, nhiều địa phương bắt đầu gửi báo cáo tổng hợp về tình hình lương, thưởng về cơ quan này.
Hà Giang
Theo báo cáo tình hình thực hiện chính sách lao động, tiền lương, tiền thưởng và quan hệ lao động trong các doanh nghiệp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Giang cho biết, đến nay, có 46 doanh nghiệp gửi báo cáo lương, thưởng Tết với 2.561 lao động.
Trong đó, có 38 doanh nghiệp có kế hoạch thưởng Tết Dương lịch và 39 doanh nghiệp có kế hoạch thưởng Tết Âm lịch. 8 doanh nghiệp chưa có kế hoạch thưởng Tết Dương lịch và 7 doanh nghiệp chưa có kế hoạch thưởng Tết Âm lịch.
Về thưởng Tết Dương lịch qua khảo sát, mức thưởng cao nhất là 3 triệu đồng/người; mức thưởng thấp nhất là 250.000 đồng/người.
Mức thưởng Tết Nguyên đán cao nhất là 109,6 triệu đồng/người và mức thưởng thấp nhất là 300.000 đồng/người.
Đắk Lắk
Với báo cáo của 118/500 doanh nghiệp được khảo sát, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk cho hay, có 70/118 doanh nghiệp dự kiến thưởng Tết Dương lịch năm 2025 cho 10.233 người lao động với mức thưởng bình quân là 1,65 triệu đồng/người.
Trong đó, mức thưởng Tết Dương lịch cao nhất là 80 triệu đồng, thấp nhất là 100.000 đồng.
Bên cạnh đó, 93/118 doanh nghiệp dự kiến thưởng Tết Nguyên đán năm 2025 cho 13.240 người lao động với mức thưởng bình quân là 6,13 triệu đồng/người. Thưởng Tết Nguyên đán cao nhất là 94 triệu đồng, thấp nhất là 200.000 đồng.
Hà Nội
Theo Công đoàn các khu công nghiệp và khu chế xuất Hà Nội, đến nay chưa có đơn vị nào công bố thưởng Tết.
Để nắm tình hình tiền lương, tiền thưởng và quan hệ lao động trên địa bàn trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 sắp tới, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã gửi công văn đến các đơn vị trên địa bàn cùng phối hợp thực hiện.
Yêu cầu được gửi đến Liên đoàn Lao động thành phố, Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, Ban Quản lý khu công nghệ cao Hòa Lạc, Liên minh hợp tác xã thành phố, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã trên địa bàn.
Theo đó, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đề nghị các đơn vị nêu trên theo dõi, nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh, đời sống công nhân lao động trong các doanh nghiệp. Chủ động các giải pháp bảo đảm cân đối cung – cầu lao động, đáp ứng yêu cầu của thị trường, doanh nghiệp, người sử dụng lao động, bảo đảm việc làm cho người lao động trên địa bàn.
Đồng thời, các cơ quan, đơn vị theo dõi, nắm bắt tình hình quan hệ lao động và tăng cường thực hiện các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong các doanh nghiệp trên địa bàn; tuyên truyền, phổ biến nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của người lao động và người sử dụng lao động.