Dữ liệu mới cho thấy siêu tên lửa Starship mới của SpaceX vượt xa mức tiếng ồn tối đa dự kiến, tạo ra tiếng nổ siêu thanh mạnh đến mức có nguy cơ gây hại cho môi trường sinh thái cũng như gây thiệt hại tài sản tại cộng đồng dân cư đông đúc gần địa điểm phóng ở Nam Texas, Mỹ, tờ New York Times (Mỹ) đưa tin.
Khi SpaceX phóng hệ thống siêu tên lửa Super Heavy tích hợp tàu vũ trụ Starship [gọi chung là Starship] cho chuyến bay thử nghiệm đầu tiên vào tháng 4/2023, Super Heavy đã trở thành tên lửa mạnh nhất từng được chế tạo trong lịch sử loài người.
Sức mạnh này lấn át cả hệ thống tên lửa Saturn V hùng mạnh thời Apollo của NASA thế kỷ 20 về cả khối lượng và lực đẩy tổng thể.
Tiếng gầm tựa sấm sét của Starship: Gấp 10 lần Falcon 9; 6 lần SLS
'Trái tim' sức mạnh của hệ thống Starship đến từ 33 động cơ Raptor siêu khủng của Super Heavy. Do đó, Starship cực kỳ ồn ào. Tiếng gầm của nó mạnh tựa sấm sét.
Trong lần bay thử nghiệm mới đây nhất (lần thứ 6) diễn ra vào ngày 19/11/2024, Starship đốt cháy khoảng 3.400 tấn nhiên liệu trong quá trình phóng. Khoảng 7 phút sau khi phóng đi, tên lửa đẩy Super Heavy của hệ thống đã đốt cháy 13 động cơ Raptor để kiểm soát quá trình hạ cánh, tái nhập vào bầu khí quyển Trái đất.
Di chuyển với tốc độ nhanh hơn âm thanh, Super Heavy đã tạo ra tiếng nổ siêu thành cùng những luồng sóng xung kích cực mạnh (tựa như sinh ra từ một vụ nổ lớn).
Chuyến bay thử nghiệm thứ 6 này diễn ra chưa đầy 1 tháng sau chuyến thử nghiệm thứ 5 của Starship diễn ra vào ngày 13/10/2024. Điều này cho thấy rõ ràng là SpaceX có ý định phóng hệ thống này thường xuyên và nhanh nhất có thể vào năm 2025.
Đúng như theo mong muốn của nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành SpaceX - tỷ phú Elon Musk - khi ông muốn phóng Starship nhiều hơn nữa. Mục tiêu là 25 lần phóng vào năm 2025 và tăng lên 100 lần phóng cho mỗi năm tiếp theo.
Đây có khả năng là tin xấu cho khu vực xung quanh Bãi phóng Starbase của công ty ở Boca Chica, bang Texas, vì siêu tên lửa này tạo ra tiếng ồn như sấm sét có khả năng gây hư hại cho các cấu trúc tòa nhà gần đó (như gây vỡ kính, nứt tường thạch cao, đồ đạc rơi) trong quá trình phóng và tái nhập.
"Đối với cư dân của Đảo South Padre và Cảng Isabel, cách địa điểm phóng SpaceX ở Nam Texas khoảng 10km, tiếng ồn trong chuyến bay thử nghiệm thứ 5 tương đương với tiếng ồn khi một người đứng cách một chiếc máy bay Boeing 747 chỉ 60 mét khi máy bay này cất cánh" - Tiến sĩ Kent L. Gee, một kỹ sư âm học độc lập đã tiến hành giám sát cho biết.
Đó là lý do tại sao một nhóm các nhà nghiên cứu từ Đại học Brigham Young (Mỹ) đã đo âm thanh phát ra trong chuyến bay thử nghiệm thứ 5 của Starship ở khoảng cách từ 10 đến 35 km và so sánh nó với các hệ thống phóng khác.
Kết quả: Tiếng nổ siêu thanh đo được trong chuyến bay thử nghiệm tích hợp thứ 5 của vượt xa tiếng nổ do tên lửa Falcon 9 của SpaceX và Hệ thống phóng không gian (SLS) của NASA tạo ra. Tiếng ồn của Starship lớn hơn ít nhất 10 lần so với tên lửa Falcon 9 (mà SpaceX hiện đang sử dụng để đưa hàng hóa và phi hành gia lên quỹ đạo) và lớn hơn 6 lần so với SLS trong quá trình cất cánh.
Cụ thể, ngay cả ở khoảng cách 10 km, tiếng gầm rú của 33 động cơ Raptor khi đánh lửa đạt khoảng 105 decibel — con số này tương đương với tiếng cưa máy ở gần.
Khi tên lửa đẩy tầng đầu tiên quay trở lại bệ phóng, mức độ tiếng ồn tối đa được cảm nhận ở Cảng Isabel và Đảo South Padre là khoảng 125 decibel, tương đương với tiếng súng ở cự ly gần. Con số này gần với ngưỡng âm thanh làm tổn thương thính giác (ở mức 140 decibel), khiến người nghe đau tai hoặc bị điếc.
Theo NASA, chuyến bay thử nghiệm thứ 5 của Starship tạo ra tiếng ồn trên mặt đất lớn hơn khoảng 1,5 lần so với tiếng nổ siêu thanh của máy bay chở khách Concorde.
Trước thông tin này, Cục Hàng không Liên bang Mỹ và SpaceX giữ im lặng, không trả lời yêu cầu bình luận, New York Times cho hay.
Điều đáng nói, tiếng gầm lớn từ siêu tên lửa lớn nhất trong lịch sử này của SpaceX không chỉ gây hại cho các công trình kiến trúc mà còn có thể gây ra mối đe dọa cho môi trường sống của động vật hoang dã xung quanh ở Boca Chica, bang Texas, nơi Starbase tọa lạc.
Các phép đo - về âm thanh thực tế và áp suất không khí do tên lửa tạo ra trong lần phóng thử thứ 5 hồi tháng 10/2024 - là số liệu toàn diện nhất được công bố cho đến nay về hệ thống Starship của tỷ phú Elon Musk.
Starbase được bao quanh bởi môi trường sống của động vật hoang dã. Đây là nơi trú ẩn của một số loài có nguy cơ tuyệt chủng và bị đe dọa như mèo gấm, chim choi choi và rùa biển Kemp's Ridley. Ngay cả trước khi Starship cất cánh, các hoạt động trước đây của công ty tại địa điểm phóng đã dẫn đến sự suy giảm đáng kể quần thể chim bờ biển và gây ra những tác hại khác cho hệ sinh thái địa phương.
Với mục tiêu phóng thường xuyên hơn trong tương lai của Starship, thật khó để không cân nhắc đến việc tên lửa khổng lồ này sẽ tác động đến các khu vực xung quanh như thế nào khi nó tạo ra tất cả tiếng ồn cùng sóng xung kích nguy hại đó.
Trong một bài báo đăng hồi tháng 7/2024, tờ New York Times cho biết SpaceX đã gây hại cho môi trường xung quanh địa điểm phóng theo nhiều cách khác nhau. SpaceX đã bỏ qua những lời hứa mà họ đưa ra khi lần đầu tiên đề xuất xây dựng một bệ phóng ở Nam Texas vào năm 2012.
Những phát hiện này được công bố trên Tạp chí Express Letters của Hiệp hội Âm học Mỹ.
Tham khảo: Nasaspaceflight, New York Times, Gizmodo, Hackaday
Trang Ly