Áp lực chốt lời trên diện rộng khiến VN-Index lùi bước trong phiên cuối tuần, nhưng xu hướng hồi phục vẫn chiếm vai trò chủ đạo trong tuần qua.
Đáng chú ý, đà tăng của chỉ số được ủng hộ bởi tín hiệu cải thiện của thanh khoản với mức khớp lệnh trung bình tuần ở HoSE và HNX khoảng 17.600 tỷ đồng/phiên, ba phiên cuối tuần giao dịch bình quân vượt trên 20.000 tỷ đồng. Liệu những yếu tố rủi ro trên thị trường đã phản ánh hết và xu hướng tiếp theo của thị trường sẽ ra sao?
Trong Tiêu điểm Chứng khoán do Chứng khoán MBS tổ chức, chuyên gia Lê Ngọc Hưng đánh giá một số yếu tố trên thế giới và trong nước tác động đến thị trường chứng khoán.
Về bối cảnh thế giới, TTCK Mỹ phân hoá sau khi phục hồi mạnh vào tuần trước, nhưng giai đoạn tâm lý bi quan bao trùm đã qua khi lãi suất trái phiếu Chính phủ phục hồi nhẹ sau hai tuần điều chỉnh mạnh. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm và chỉ số USD Index đã có phần hạ nhiệt. Giá dầu thô tuần qua chứng kiến sự sụt giảm mạnh khi các nhà đầu tư lo lắng về nhu cầu ngày càng suy yếu tại Mỹ và Trung Quốc.
Dù vậy, quan điểm của Fed trong phiên họp cuối tuần qua có phần "diều hâu" hơn so với đầu tuần khi vẫn để ngỏ khả năng tiếp tục tăng lãi suất. Thị trường hiện đang kỳ vọng Fed sẽ giữ nguyên lãi suất 5,25-5,5% đến tháng 5/2024 và bắt đầu cắt giảm lãi suất từ tháng 6/2024. Kỳ vọng về việc Fed sẽ tăng lãi suất một lần nữa trong năm 2023 giảm xuống còn 9,3%.
Trong nước, tỷ giá trong nước cũng có xu hướng ổn định và quay đầu giảm, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng cũng tiếp tục hạ nhiệt xuống dưới mức 1%. Trong khi lãi suất neo ở mức thấp, định giá thị trường cũng về mức hấp dẫn với xấp xỉ 13 lần - đây là vùng định giá thấp trong lịch sử và là vùng giá hấp dẫn để cân nhắc giải ngân trong thời gian tới.
Tín hiệu nhận diện vùng cân bằng của thị trường
Về diễn biến của thị trường chứng khoán, ông Hưng cho rằng dù lực chốt lời diễn ra khá mạnh trong phiên cuối tuần, song lực cầu bắt đáy khi định giá cổ phiếu về vùng hấp dẫn cũng xuất hiện. Điều này cho thấy thanh khoản thị trường đã qua giai đoạn bi quan và dòng tiền đang gia tăng gom mua những cổ phiếu có tiềm năng hấp dẫn trong quý 4/2023.
"Phiên điều chỉnh chỉ mang tính chất kỹ thuật sau khi thị trường đã đi lên khá mạnh mẽ theo xu hướng hình chữ V trong thời gian gần đây. Trên khung thời gian gần nhất, vùng hỗ trợ cần quan sát trong thời gian tới là ngưỡng 1.060 điểm +/-5 điểm và dòng tiền bắt đáy gia tăng mạnh khi VN-Index chạm đến quanh vùng này. Do đó, đây có thể là đáy trung và dài hạn của thị trường trong thời gian tới", ông Lê Ngọc Hưng nhận định.
Nhận diện về tín hiệu cân bằng của chỉ số, chuyên gia MBS cho rằng hai phiên đầu tuần sẽ mang tính chất quyết định xu hướng tiếp theo của chỉ số. Nếu lượng hàng mua trong tuần qua về tài khoản mà không có động thái chốt lời quá mạnh, VN-Index có thể sẽ tìm được vùng cân bằng mới quanh 1.100 – 1.120 điểm và thu hút dòng tiền quay trở lại mạnh hơn. Đây cũng là một tín hiệu quan trọng giúp nhà đầu tư nhận diện vùng giải ngân mới.
Nếu vượt qua khỏi vùng trên, VN-Index có thể gặp ngưỡng cản kỹ thuật tại vùng giá 1.12x điểm, đây là vùng kháng cự tạo bởi kênh giá giảm. Dù vậy, chuyên gia MBS cho rằng xu hướng phục hồi trong ngắn hạn sẽ tiếp tục diễn ra, vùng kháng cự mạnh cần lưu ý là 1.140 -1.145 điểm – tương ứng vùng giá MA50 ngày.
Đối với những nhà đầu tư đang nắm cổ phiếu tiếp tục nắm giữ 50-70% tài khoản và cân nhắc chốt lời khi VN-Index tiến lên những vùng kháng cự như trên. Tuy nhiên, vị chuyên gia cho rằng những nhà đầu tư đang cầm tiền cần thận trọng thăm dò với tỷ trọng nhỏ.