Người phụ nữ nhập viện vì sự cố khi đi giác hơi
Theo VTV Times, trong lúc thực hiện phương pháp giác hơi, nữ bệnh nhân 54 tuổi gặp phải sự cố cồn đổ vào người, cồn bắt lửa bốc cháy gây bỏng nặng vùng lưng và bụng. Sau tai nạn, bệnh nhân được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Long An trong tình trạng đau rát nghiêm trọng và nổi bóng nước lớn trên da.
Tại khoa Cấp cứu, các bác sĩ đã tiến hành thăm khám sơ bộ, xác định bệnh nhân bị bỏng độ II trên diện tích khoảng 11%, bao gồm các vùng nhạy cảm như ngực, bụng và lưng. Ngay lập tức, các bác sĩ tiến hành sơ cứu tại chỗ, giảm đau mạnh, kháng sinh, và đặc biệt là áp dụng các biện pháp dự phòng sốc do bỏng.
Sau khi sơ cứu, người bệnh được chuyển phòng chăm sóc đặc biệt tại Khoa Chấn thương Chỉnh hình, tiếp tục sử dụng kháng sinh, giảm đau, thay băng chăm sóc vết bỏng mỗi ngày, bù dịch, theo dõi cân bằng xuất nhập, tính toán lượng nước mất qua vết bỏng.
Toàn bộ nhân viên y tế và người nhà ra vào đều tuân thủ các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn nghiêm ngặt, duy trì không gian sạch sẽ nhằm phòng tránh nguy cơ nhiễm trùng cho người bệnh.
Dưới sự chăm sóc tận tình của đội ngũ bác sĩ và điều dưỡng khoa Chấn thương Chỉnh hình, tình trạng vết thương của người bệnh đã hồi phục rất tốt và đã được xuất viện.
Bác sĩ Trần Quang Nhật ở khoa Chấn thương Chỉnh hình cho biết, giác hơi là phương pháp nhiều người vẫn tin dùng với mục tiêu giảm đau trị bệnh hoặc thư giãn. Tuy nhiên, việc giác hơi tiềm ẩn nhiều rủi ro, có thể gây ra hậu quả không lường trước. Điển hình như bỏng lửa cồn ở trường hợp bệnh nhân nói trên.
Bệnh nhân khi bị bỏng nặng do giác hơi sẽ dẫn đến vết thương sâu và rộng. Vết bỏng này, không chỉ gây đau đớn mà còn mất nhiều thời gian để lành, đòi hỏi sự chăm sóc của đội ngũ y tế chuyên sâu để tránh để lại sẹo hoặc di chứng không mong muốn.
Nếu không may bị bỏng, người dân cần đến các cơ sở y tế uy tín, bệnh viện gần nhất để được các bác sĩ xử trí kịp thời. Không nên tự ý mua thuốc hoặc đắp các loại lá truyền miệng trong dân gian tránh dẫn đến tình trạng nhiễm trùng máu, nhiễm trùng bỏng do điều trị không đúng cách, sẹo co rút, ảnh hưởng đến chức năng các bộ phận bị bỏng và gây nguy hiểm cho tính mạng.
Cấp cứu kịp thời cô gái ăn lá ngón để tự tử vì giận chồng
Báo Người Lao Động đưa tin, ngày 21/11, Thiếu tá, bác sĩ Nguyễn Văn Quốc Trí -Phó trưởng Phòng khám Axan (đóng tại xã Axan, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam), cho biết đơn vị vừa cấp cứu kịp thời một cô gái ăn cùng lúc 6 lá ngón để tự tử.
Cụ thể, vào khoảng 11h cùng ngày, chị Bnước T.P (19 tuổi, trú ở thôn Cha Lăng, xã Ch'ơm, huyện Tây Giang) được người nhà đưa đến cấp cứu tại Phòng khám Axan trong tình trạng lơ mơ, chóng mặt, hoa mắt và mất ý thức tạm thời…
Lúc này, bác sĩ Nguyễn Văn Quốc Trí cùng các bác sĩ phòng khám đã tích cực cấp cứu để cứu sống bệnh nhân bằng cách gây nôn, súc rửa dạ dày, truyền dịch, nâng huyết áp… Sau 1 giờ tích cực cấp cứu, chị P. đã qua cơn nguy kịch.
Theo người nhà bệnh nhân, do giận nhau với chồng, chị P. đã vào rừng hái 6 lá ngón ăn tự tử, rất may được gia đình phát hiện kịp thời.
Nguyên nhân người đàn ông 76 tuổi phải cắt bỏ một phần tá tràng
Báo Sức Khỏe & Đời Sống dẫn thông tin từ Bệnh viện Bãi Cháy, Quảng Ninh cho biết, đơn vị vừa cấp cứu và xử lý thành công ca bệnh cao tuổi bị hóc xương cá, đâm thủng hành tá tràng.
Cụ thể, vào chiều 18/11, ông Đ.V.Đ (76 tuổi, trú tại huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương) xuất hiện đau âm ỉ thượng vị, trạng thái đau không lan, không nôn và đỡ đau dần.
Tuy nhiên, đến ngày 19/11, bệnh nhân thấy bụng đau dữ dội phần thượng vị, đau chướng bụng nhiều không nôn, không sốt nên vội đưa vào Bệnh viện Bãi Cháy cấp cứu. Sau khi vào viện, bệnh nhân được các bác sĩ tiến hành thăm khám, làm các xét nghiệm, siêu âm và chụp cắt lớp vi tính ổ bụng.
Kết quả cho thấy, có dị vật đâm thủng hành tá tràng. Sau khi hội chẩn, bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật cấp cứu. Kíp phẫu thuật do bác sĩ CKII Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa ung bướu 1 cùng ekip phẫu thuật thực hiện.
Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ đã phát hiện dị vật là xương cá dài khoảng 5cm nhọn đâm xuyên qua thành tá tràng nên đã gắp bỏ dị vật và dịch mủ quanh lỗ thủng. Đồng thời, cắt một phần D1 tá tràng do tổ chức xung quanh lỗ thủng thâm nhiễm mủn nát, bảo tổn đầu tụy, bệnh phẩm gửi giải phẫu bệnh làm xét nghiệm. Sau 3 ngày phẫu thuật, hiện sức khỏe người bệnh tạm ổn định.
Qua đây, các bác sĩ khuyến cáo, mọi người nên cẩn thận trong quá trình ăn uống, đặc biệt là với thực phẩm động vật có xương như thịt, cá. Khi ăn những thực phẩm này, cần loại bỏ tất cả xương trước khi ăn; với xương giòn, nhỏ cũng cần nhai kỹ, chậm rãi, không nên chủ quan với các xương dù nhỏ. Đặc biệt với người già và trẻ nhỏ, phản xạ nhai nuốt kém hơn cần đặc biệt cẩn trọng.
Khi rơi vào các trường hợp như đau bụng âm ỉ kéo dài không giảm, hay bất cứu trường hợp đau bụng bất thường nào, người bệnh nên đến bệnh viện cấp cứu để bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và có hướng điều trị kịp thời.