Người đàn ông bị suy gan cấp sau khi uống rượu tự ngâm
Theo VietNamNet, bệnh nhân là ông T.V.T (62 tuổi, quê Tuyên Quang), vào khoa Cấp cứu Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên. Ông T. có tiền sử đặt 2 stent động mạch vành và dùng thuốc uống theo đơn ngoại trú, từng phẫu thuật thủng dạ dày, không có tiền sử bệnh lý gan.
Gia đình cho biết, sau khi được người dân trong xóm giới thiệu tác dụng của một số loại lá cây, ông T. đã tự đi lấy, nấu thành cao và ngâm rượu. Một tháng trước khi phải nhập viện cấp cứu, điều trị, mỗi ngày ông T. đều sử dụng khoảng 500ml rượu tự ngâm từ cao lá.
Sau đó, ông thấy mệt mỏi, mức độ ngày càng tăng dần, vàng mắt và da. Sau 1 tuần điều trị tại một bệnh viện tư nhân ở Tuyên Quang, thấy tình trạng bệnh không tiến triển, ông được chuyển xuống Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên.
Tại khoa Cấp cứu, ông T. ý thức suy giảm, lơ mơ; da niêm mạc, củng mạc mắt vàng đậm. Kết quả xét nghiệm máu cho thấy men gan tăng rất cao. Bác sĩ nhận định ông bị suy gan cấp, chỉ định theo dõi do viêm gan nhiễm độc, lọc thay huyết tương, điều trị hồi sức tích cực nâng đỡ gan, chống phù não kết hợp các biện pháp giảm amoniac trong máu, đảm bảo hô hấp và dinh dưỡng.
Sau 6 ngày điều trị tích cực, sức khỏe ông T. cải thiện rõ rệt, ăn uống tốt, ngủ ngon, da không còn vàng, các chỉ số xét nghiệm trở về gần giới hạn bình thường và được xuất viện.
Theo bác sĩ CKII Lê Duy Đạo - Trưởng khoa Cấp cứu, trước đây, không có cách điều trị đặc hiệu nào cho bệnh suy gan cấp. Bác sĩ sẽ thực hiện các biện pháp hồi sức cơ bản cho người bệnh trong khi chờ đợi tế bào gan phục hồi hoặc chờ phẫu thuật ghép gan.
Thay huyết tương đang là liệu pháp tích cực trong điều trị suy gan cấp, giúp loại bỏ các chất độc sản sinh trong quá trình chuyển hóa, nâng đỡ gan trong lúc chờ đợi hồi phục chức năng gan.
Bác sĩ khuyến cáo người dân không nên tự ý điều chế và sử dụng các loại lá cây được cho là thuốc nam khi chưa có sự hướng dẫn, chỉ định từ bác sĩ, tránh hậu quả đáng tiếc.
Bác sĩ kịp thời hiến máu cứu bệnh nhân qua cơn nguy kịch
Báo Hà Tĩnh dẫn thông tin từ Trung tâm Y tế Hương Sơn (tỉnh Hà Tĩnh) cho biết, một bệnh nhân của bệnh viện vừa qua cơn nguy kịch nhờ sự hiến máu kịp thời của bác sĩ Trần Thị Phương Thảo - Phó Trưởng khoa Đông y, Phó Bí thư Đoàn Trung tâm Y tế Hương Sơn.
Trước đó, khoảng 9h ngày 22/12, bệnh nhân T.T.H.N (SN 1990, trú TDP 2, thị trấn Phố Châu, huyện Hương Sơn) được đưa vào khoa Sản Trung tâm Y tế Hương Sơn trong tình trạng trụy mạch do chửa ngoài tử cung vỡ, sốc mất máu, mạch nhanh nhỏ, khó bắt, da xanh nhợt, bụng chướng, bệnh nhân đau bụng nhiều.
Bệnh nhân mất khoảng 1/2 lượng máu trong cơ thể. Trước tình trạng nguy kịch, người nhà bệnh nhân yêu cầu chuyển viện tuyến trên. Tuy nhiên, các bác sĩ Trung tâm Y tế Hương Sơn khuyến cáo, nếu không được truyền máu, cấp cứu kịp thời bệnh nhân sẽ dẫn đến tử vong.
Trước tình thế đó, phía bệnh viện đã phát đi thông báo, đồng thời kết nối với các câu lạc bộ ngân hàng máu sống để nhờ giúp đỡ người bệnh. Tuy nhiên, do bệnh nhân mang nhóm máu B (nhóm máu hiếm) nên ít người có nhóm máu này.
Nhận thông tin, bác sĩ Trần Thị Phương Thảo đã có mặt kịp thời hiến 1 đơn vị máu (250 ml). Nhờ được tiếp máu kịp thời, bệnh nhân N. đã qua cơn nguy kịch. Theo bác sĩ Vương Khả Quý - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Hương Sơn, hiện bệnh nhân có các chỉ số ổn định, tỉnh táo và đang hồi phục tốt.
Phát hiện loại cây chứa chất ức chế sự phát triển của virus corona
Theo TTXVN, một nhóm nghiên cứu ở Nhật Bản cho biết đã phát hiện ra một chất trong cây hương nhu (Holy Basil) có tác dụng ức chế sự phát triển của virus corona. Các nhà nghiên cứu đặt mục tiêu phát triển một hợp chất tự nhiên có thể sử dụng như một tác nhân điều trị.
Nhóm nghiên cứu do Phó Giáo sư Toshiyuki Hamada tại khoa Khoa học của Đại học Kagoshima dẫn đầu, đã công bố kết quả trên tạp chí trực tuyến Journal of Natural Medicines số ra cuối tháng 11. Được biết, đây là một tạp chí học thuật hàng quý do Hiệp hội Dược lý học Nhật Bản xuất bản.
Theo thông báo, hương nhu chứa một hợp chất gọi là Sulfoquinovosyl diacylglycerol (SQDG), ức chế mạnh mẽ hoạt động của một loại enzyme quan trọng đối với sự nhân lên của virus được gọi là “main protease” trong virus corona. Hơn nữa, các thí nghiệm sử dụng tế bào nuôi cấy đã xác nhận khả năng ức chế nhiễm trùng.
Phó Giáo sư Hamada và nhóm của ông đã bắt đầu nghiên cứu từ năm tài chính 2023 nhằm phát triển các tác nhân điều trị COVID-19 bằng cách sử dụng các sản phẩm nông nghiệp và tập trung vào húng quế không có thuốc trừ sâu trồng tại thị trấn Minamiosumi (tỉnh Kagoshima, Nhật Bản).
Mặc dù đã có thuốc ức chế SARS-CoV-2, nhưng việc sử dụng các chất tự nhiên có thể mở đường cho việc phát triển các phương pháp điều trị an toàn hơn.
Vì nhiều chủng virus có chung một loại “main protease” nên các nhà nghiên cứu cho biết thuốc điều trị sử dụng SQDG có thể có hiệu quả chống lại nhiều chủng virus corona.
Tuy nhiên, SQDG được cho là có tỷ lệ thâm nhập vào tế bào thấp nên sẽ cần một lượng lớn hương nhu để ứng dụng thực tế nếu sử dụng ở dạng hiện tại, và nhóm nghiên cứu đang nỗ lực giải quyết thách thức này.
“Chúng tôi đã khám phá ra tiềm năng phát triển các tác nhân điều trị trong một sản phẩm nông nghiệp tương đối quen thuộc. Điều này cũng có thể dẫn đến các ngành công nghiệp địa phương mới”, Phó Giáo sư Hamada chia sẻ.