Người phụ nữ phải cắt bỏ thận do chủ quan khi mắc sỏi niệu quản
Theo báo Công An Nhân Dân, vừa qua, Bệnh viện Đa khoa Hà Nội tiến hành phẫu thuật cắt bỏ thận phải cho nữ bệnh nhân H. (40 tuổi, ở Ninh Bình) có tiền sử sỏi niệu quản 1/3 trên bên phải.
Tuy nhiên, thời điểm phát hiện bệnh, bệnh nhân đang mang thai bé thứ ba ở tuần thứ 29. Nhầm lẫn cơn đau co thắt do bệnh thận với dấu hiệu thai kỳ, chị H. không thăm khám và điều trị ngay sau khi sinh.
Sau 5 năm, bệnh nhân đi khám khi xuất hiện triệu chứng đau nhẹ vùng mạn sườn phải, không có dấu hiệu đái buốt hay đái dắt. Qua kiểm tra cận lâm sàng, các bác sĩ phát hiện sỏi niệu quản phải đã gây giãn thận độ 4, ứ nước nghiêm trọng, làm mất hoàn toàn chức năng thận phải.
Trước tình trạng này, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Hà Nội đã tiến hành hội chẩn và quyết định phẫu thuật nội soi cắt bỏ thận phải để ngăn chặn các biến chứng nguy hiểm hơn.

Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân. Ảnh: Công An Nhân Dân
Các chuyên gia khuyến cáo, sỏi niệu quản có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Đặc biệt, phụ nữ mang thai khi có dấu hiệu bất thường cần đến cơ sở y tế để được thăm khám, tránh ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe.
Ca phẫu thuật diễn ra thành công dưới sự thực hiện của đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm tại Bệnh viện Đa khoa Hà Nội. Sau 3 ngày điều trị, bệnh nhân hồi phục tốt, sức khỏe ổn định và được xuất viện. Chị H. cũng gửi lời cảm ơn chân thành đến các y bác sĩ đã tận tình chăm sóc, giúp chị nhanh chóng phục hồi.
“Những người có tiền sử sỏi thận nên thăm khám sức khỏe định kỳ tại các cơ sở y tế uy tín để được tư vấn và theo dõi kịp thời. Việc chậm trễ trong điều trị có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, thậm chí phải cắt bỏ thận. Phẫu thuật nội soi cắt thận là một kỹ thuật phức tạp, yêu cầu bác sĩ có trình độ chuyên môn cao và hệ thống trang thiết bị hiện đại”, bác sĩ CKI Bùi Thanh Hà - Phó Trưởng khoa Điều trị Bệnh viện Đa khoa Hà Nội chia sẻ.
Để bảo vệ sức khỏe, mỗi người nên chủ động thăm khám định kỳ 6 tháng – 1 năm một lần nhằm phát hiện sớm các bệnh lý tiềm ẩn. Đồng thời, xây dựng lối sống khoa học, lành mạnh giúp duy trì sức khỏe tốt và phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm.
Phát hiện con vắt còn sống trong mũi người đàn ông
Theo báo Sức Khỏe & Đời Sống, ngày 28/3, tin từ Bệnh viện Đa khoa huyện Quảng Ninh (Quảng Bình), bác sĩ của bệnh viện vừa gắp dị vật là con vắt được cho đã sống nhiều ngày trong mũi người đàn ông.
Cụ thể, bệnh nhân H.V.B. (SN 1975, trú xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh) đến bệnh viện với tình trạng khó chịu, chảy máu vùng mũi. Người bệnh cho biết tình trạng này xuất hiện và tái diễn liên tục trong khoảng 1 tuần.
Bác sĩ Phạm Văn Vượng ở khoa Ngoại tổng hợp tiến hành thăm khám và phát hiện di vật là con vắt còn sống dài khoảng 3cm trong vùng mũi phải của bệnh nhân. Sau đó, bác sĩ Vượng tiến hành nội soi gắp dị vật ra khỏi mũi người đàn ông.

Con vắt được gắp ra ngoài. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống
Theo bác sĩ Vượng, bệnh nhân sinh sống tại xã miền núi, thường xuyên đi rừng, tắm sông, suối nên vắt ký sinh từ đây. Vắt có thể xâm nhập vào cơ thể qua mũi, tai, họng, gây nguy hiểm nếu không được xử lý kịp thời. Vắt hút máu có thể dẫn đến thiếu máu, gây phù nề, tắc nghẽn đường thở, viêm mũi xoang...
Bác sĩ Vượng khuyến cáo khi đi rừng hoặc suối, người dân nên mặc quần áo dài tay, đội mũ, đeo khẩu trang và tránh uống nước trực tiếp từ nguồn tự nhiên. Nếu xuất hiện triệu chứng bất thường ở mũi, tai, họng, cần đến cơ sở y tế để được thăm khám, xử lý.
Đi khám do chậm tăng cân, thở khó, bé gái được phát hiện mắc chứng tim bẩm sinh
Theo tạp chí Gia Đình Việt Nam, thông tin từ Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh cho biết, các bác sĩ Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh đã phẫu thuật tim hở vá lỗ thông liên thất cho một bệnh nhi nữ 10 tháng tuổi (cân nặng mới chỉ 6,3kg, trú tại TP.Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh).
Trước đó, trẻ vô tình phát hiện bệnh lý tim bẩm sinh khi đi khám tại Bệnh viện Sản nhi tỉnh Quảng Ninh với lý do chậm tăng cân, kém ăn, thở khó, trẻ được hỗ trợ điều trị nội khoa và vào viện điều trị phẫu thuật tim sau đó.
Kết quả siêu âm tim cho thấy hình ảnh thông liên thất lớn đường kính 7,9mm, shunt T-P. Giãn buồng tim trái. Qua hội chẩn chuyên khoa, trẻ được chỉ định phẫu thuật tim hở vá thông liên thất.
Kíp phẫu thuật do các bác sĩ, kỹ thuật viên, điều dưỡng Đơn Nguyên Tim mạch - Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh thực hiện. Sau phẫu thuật, hiện mạch và huyết áp bệnh nhân ổn định. Trẻ được hồi sức đặc biệt tại Phòng hậu phẫu - Khoa Hồi sức tích cực, chuyển Khoa Ngoại - Chuyên khoa đến nay đã bình phục và đã được ra viện.

Qua hội chẩn chuyên khoa, bệnh nhi được chỉ định phẫu thuật tim hở vá thông liên thất. Ảnh: Gia Đình Việt Nam
Bác sĩ CKII Trịnh Trương Tuyên - Trưởng khoa Ngoại chuyên khoa - Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh cho biết, bệnh lý tim bẩm sinh có nhiều nguyên nhân, phần lớn liên quan bất thường phát triển trong giai đoạn tim được hình thành cấu trúc.
Các dấu hiệu nhận biết bệnh tim ở trẻ ngay tháng đầu đời như da tím ngay sau khi đẻ, thở nhanh hơn so với trẻ bình thường khi không bú hoặc lúc nằm ngủ, khi bú trẻ thở gấp, chậm tăng cân, suy dinh dưỡng, nhiễm trùng phổi tái phát, vã mồ hôi nhiều do trẻ phải gắng sức quá mức…
Bác sĩ cũng lưu ý, tim bẩm sinh không giống như bệnh lý tim ở người lớn tuổi. Các dị tật về tim bẩm sinh hoàn toàn có thể được phát hiện bằng siêu âm chẩn đoán trước sinh và sau sinh.
Nếu được phát hiện và can thiệp sớm, 98% bệnh nhân tim bẩm sinh có thể chữa được và trở về cuộc sống như người bình thường. Trẻ sinh ra nên được khám sàng lọc tim bẩm sinh 1 lần duy nhất vào giai đoạn sơ sinh bởi các bác sĩ chuyên ngành tim mạch nhi khoa để đảm bảo em bé có 1 trái tim hoàn hảo.
Bình luận tiêu biểu (0)