Tin vui về siêu dự án 67,3 tỷ USD, dài 1.541km: Năng lực Việt Nam đủ sức làm chủ công nghệ 350km/h

Thứ 4, 02/10/2024 08:11
Với tinh thần độc lập, tự lập tự cường và tự chủ, Bộ Chính trị quyết định không phụ thuộc vào nước ngoài, bởi vay bất kỳ quốc gia nào cũng sẽ phải ràng buộc.

Việt Nam sẽ làm chủ công nghệ đường sắt tốc độ cao

Vào chiều ngày 1/10, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã tổ chức buổi gặp mặt để thảo luận và cung cấp thông tin về dự án đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Tại đây, nhiều vấn đề liên quan đến siêu dự án trị giá 67,34 tỷ USD, dài khoảng 1.541km của Việt Nam đã được làm sáng tỏ.

Về công nghệ, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy khẳng định rằng Việt Nam sẽ tự chủ hoàn toàn trong xây dựng hạ tầng như cầu, đường, hầm và trong vận hành, bảo trì, sửa chữa. Quá trình triển khai sẽ tiếp tục nghiên cứu các yếu tố khác nhằm phát huy tinh thần tự lực, tự cường, giúp đất nước bước vào một kỷ nguyên mới với sự tự tin.

Mặc dù dự án có quy mô lớn và tiến độ gấp rút, Thứ trưởng cho biết để giải quyết những thách thức này, cơ quan thực hiện sẽ hợp tác với các tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát và nhà thầu trong nước lẫn quốc tế, đồng thời huy động cả hệ thống chính trị tham gia.

Tin vui về siêu dự án 67,3 tỷ USD, dài 1.541km: Việt Nam sẽ làm chủ công nghệ và không vay vốn nước ngoài - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy chủ trì buổi gặp mặt, cung cấp thông tin cho báo chí. Ảnh: Báo điện tử Đảng Cộng sản

Thứ trưởng cũng nhấn mạnh rằng kể cả khi có sự tham gia của nhà thầu nước ngoài, họ buộc phải sử dụng các sản phẩm và dịch vụ mà Việt Nam có khả năng sản xuất, tạo cơ hội cho doanh nghiệp trong nước tham gia. 

Bộ Giao thông Vận tải đánh giá rằng với năng lực hiện tại, Việt Nam có thể làm chủ công nghệ cho các dải tốc độ 250 km/h, 300 km/h, và 350 km/h tương đương nhau. Nghiên cứu cho thấy nếu được chuyển giao công nghệ và có các cơ chế chính sách phù hợp, Việt Nam có thể tự chủ trong xây dựng hạ tầng, vận hành và bảo trì, cũng như dần dần nội địa hóa sản xuất các linh kiện, phụ tùng thay thế.

Ông Nguyễn Ngọc Đông, nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, chuyên gia Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án đầu tư đường sắt tốc độ cao, nhận định rằng việc chuyển giao và phát triển công nghệ là một vấn đề trọng yếu.

"Công nghệ đường sắt tại Việt Nam chưa phát triển do nhu cầu thấp, khiến các doanh nghiệp ít quan tâm đến việc nghiên cứu và đầu tư", ông Đông nhấn mạnh và khẳng định nhu cầu về đường sắt cần được Nhà nước đưa ra, vì nhu cầu từ xã hội không đủ lớn. 

Khi có nhu cầu cao, các doanh nghiệp sẽ có động lực nghiên cứu và phát triển công nghệ, sản xuất toa xe đường sắt tốc độ cao. Điều này đòi hỏi Nhà nước cần thông qua cơ chế đặt hàng.

Việc điều hành đường sắt tốc độ cao không phải là vấn đề phức tạp, chỉ cần tiếp cận được công nghệ. Tuy nhiên, điều này cần phải được nghiên cứu sâu hơn để đánh giá đầy đủ.

Sẽ không không vay vốn nước ngoài cho dự án này

Theo báo cáo tiền khả thi của Bộ Giao thông Vận tải, tổng mức đầu tư cho dự án đường sắt tốc độ cao lên tới hơn 67 tỷ USD, dự kiến sử dụng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, được bố trí trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn. Thời gian phân bổ vốn kéo dài trong khoảng 12 năm, với trung bình mỗi năm khoảng 5,6 tỷ USD.

Ông Nguyễn Ngọc Đông cho biết, theo kinh nghiệm từ các nước trên thế giới, việc phát triển đường sắt tốc độ cao và hạ tầng giao thông vận tải nói chung là trách nhiệm của Nhà nước, do đó đầu tư công sẽ là phương thức chính trong quá trình phát triển đường sắt tốc độ cao.

Tin vui về siêu dự án 67,3 tỷ USD, dài 1.541km: Việt Nam sẽ làm chủ công nghệ và không vay vốn nước ngoài - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Ngọc Đông - Nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT, chuyên gia Ban Chỉ đạo xây dựng, thực hiện Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao cung cấp thông tin tới báo chí. Ảnh: Báo điện tử Đảng Cộng sản

Về khả năng hoàn vốn, không thể hoàn vốn riêng cho dự án này, nhưng có thể thu lại từ hiệu ứng lan tỏa của sự phát triển kinh tế - xã hội và tăng sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam. Đây cũng là cách tiếp cận mà các nước trên thế giới áp dụng. Vì vậy, phương án tài chính cho toàn bộ dự án sẽ có thâm hụt, không thể đạt điểm hòa vốn.

Khi tách riêng phần trang thiết bị để tổ chức vận tải khai thác (khoảng 20% chi phí) thì có thể thu hồi vốn. Trên thế giới, hạ tầng được Nhà nước đảm trách, trong khi phần trang thiết bị vận hành thường do tư nhân tham gia và họ thu hồi vốn từ việc khai thác.

Trả lời về nguồn lực đầu tư, ông Nguyễn Văn Phúc, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XIV, cho biết theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, thời điểm hiện tại là thích hợp để triển khai đường sắt tốc độ cao khi GDP bình quân đầu người năm 2023 đạt khoảng 4.282 USD và dự kiến sẽ tăng lên 7.500 USD vào năm 2030.

Quy mô nền kinh tế năm 2023 khoảng 430 tỷ USD, gấp gần 3 lần so với năm 2010, và nợ công đã giảm xuống mức thấp, chỉ khoảng 37% GDP. Dự kiến, khi bắt đầu xây dựng đường sắt tốc độ cao vào năm 2027, quy mô nền kinh tế sẽ tăng lên khoảng 564 tỷ USD, do đó nguồn lực tài chính để đầu tư sẽ không còn là trở ngại lớn.

Ông Phúc cũng khẳng định rằng Trung ương và Chính phủ đã quyết định đầu tư công, và không cần lo ngại về “bẫy nợ”. Việt Nam có thể huy động vốn từ ngân sách, trái phiếu chính phủ, vốn địa phương và các nguồn vốn khác của Nhà nước.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy nhấn mạnh với tinh thần tự chủ, độc lập và tự cường, Việt Nam sẽ không phụ thuộc vào nguồn vay nước ngoài, vì vay bất kỳ quốc gia nào đều sẽ đi kèm với các ràng buộc.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy. Ảnh: Báo Giao thông

Giải thích thêm về việc huy động vốn cho dự án, ông Huy cho rằng, theo Luật Đầu tư công, dự án sẽ sử dụng 100% vốn ngân sách, và theo Luật Ngân sách nhà nước, có nhiều nguồn vốn có thể cân đối thu chi. Nếu thu chưa đủ, có thể phát hành trái phiếu trong nước hoặc vay vốn từ nước ngoài, nhưng vay nước ngoài phải đi kèm với điều kiện ưu đãi và yêu cầu chuyển giao công nghệ cho Việt Nam.

Về tác động của dự án đến các nguồn vốn đầu tư khác, Thứ trưởng Huy khẳng định đây là công trình thể hiện quyết tâm chính trị lớn của Đảng, là một dự án động lực cần được ưu tiên về nguồn lực đầu tư. Bộ Giao thông Vận tải đang tiếp tục làm việc với các cơ quan liên quan để nhận diện rõ hơn các vấn đề và đảm bảo tính khả thi của dự án.

Thái Hà

Cùng chuyên mục

Chàng trai hủy hôn sau khi xem kết quả kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân: "Không ngờ cô là người như vậy"

Thứ 4, 09/10/2024 23:30
Thái độ của người đàn ông khiến cộng đồng mạng dậy sóng.

Cây mọc hoang khi xưa giờ thành đặc sản: Nấu với thịt trâu thơm ngon, đậm đà, ăn một lần là mê

Thứ 4, 09/10/2024 22:30
Trước khi trở thành nguyên liệu chế biến món ăn được nhiều người yêu thích, loại lá cây này từng mọc hoang rất nhiều ở vùng núi phía Tây Bắc nước ta. 

Muốn từ chối cuộc hẹn, người EQ cao không nói “tôi đang bận” mà thay bằng chi tiết này, ai nghe cũng thấy khéo léo

Thứ 4, 09/10/2024 22:01
Nhiều người không biết cách từ chối thường tự đẩy bản thân vào thế khó, trong khi người EQ cao có thể nhẹ nhàng xử lý vấn đề.

Bị con trai từ chối chăm sóc và chu cấp, đôi vợ chồng U70 không giận mà chỉ nói đúng 1 câu, thái độ của con khác biệt hẳn

Thứ 4, 09/10/2024 21:57
Câu nói này đã khiến người con trai dần dần thức tỉnh, nhận ra lỗi lầm của mình theo thời gian.

Quốc Thiên miệt mài luyện giọng cùng Phương Linh, Uyên Linh

Thứ 4, 09/10/2024 21:53
Quốc Thiên sẽ có màn biểu diễn cùng Phương Linh, Uyên Linh trong liveshow sắp tới của anh.
     
Nổi bật trong ngày

Hé lộ bộ kỹ năng của Chasca - nhân vật được chú ý nhất Genshin Impact ở thời điểm hiện tại

Thứ 4, 09/10/2024 10:35
Cô nàng Chasca hứa hẹn sẽ khuấy đảo Genshin Impact trong thời gian tới.

Thông tin bất ngờ về nam thanh niên đeo mặt nạ nhảy múa trên tượng đài chiến thắng Buôn Ma Thuột

Thứ 4, 09/10/2024 12:02
Trước đó, đoạn clip người này trèo lên tượng đài nhảy múa, làm động tác như Tôn Ngộ Không lan truyền trên MXH khiến nhiều người bức xúc.

Đại diện Gen.G phủ nhận công sức của T1 lẫn đội nhà khiến fan LMHT bức xúc

Thứ 4, 09/10/2024 15:40
Đại diện Gen.G lại tiếp tục có phát biểu gây tranh cãi về EWC 2024

Chiếc giường trong KTX của nữ sinh trở thành tâm điểm bàn tán

Thứ 4, 09/10/2024 17:08
Chiếc giường của nữ sinh này có gì mà khiến dân tình bàn tán?

Lần đầu tiên, trường ĐH này của Việt Nam xếp chung bảng với ĐH Oxford: Tuổi đời hơn 1 thế kỷ, thi 9 điểm/môn vẫn chưa thể đỗ

Thứ 4, 09/10/2024 20:51
Đây một trong những ngôi trường đại học “cổ” nhất ở nước ta. 
xe.nguoiduatin.vn