- Cao tốc TP HCM - Mộc Bài đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư.
- Dự án cao tốc Gò Dầu - Xa Mát (từ Gò Dầu đến TP Tây Ninh) đã lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.
- Tây Ninh sẽ có mạng lưới đường tỉnh gồm 49 tuyến đường có tổng chiều dài khoảng 1.150km.
Mới đây, trong Hội nghị giao ban báo chí 6 tháng đầu năm 2024 của tỉnh Tây Ninh, ông Nguyễn Ngọc Châu - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Tây Ninh đã cho biết tiến độ một số dự án giao thông quan trọng của tỉnh.
Theo ông Châu, với dự án cao tốc TP HCM - Mộc Bài (TP HCM là cơ quan có thẩm quyền triển khai), đến nay đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư.
Dự án có chiều dài gần 51km, từ huyện Củ Chi (TP HCM) đến cách cửa khẩu quốc tế Mộc Bài 5km (Tây Ninh). Dự kiến, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư trong quý 3 năm 2024. Bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư năm 2024 - 2025.
Cao tốc TP HCM - Mộc Bài sẽ khởi công vào tháng 6/2025, thời gian xây dựng công trình từ năm 2025 - 2027 và hoàn thành trong năm 2027.
Đối với dự án cao tốc Gò Dầu - Xa Mát (từ Gò Dầu đến TP Tây Ninh), ngày 9/6/2023, UBND tỉnh Tây Ninh chấp thuận cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Mặt Trời (Tập đoàn Sun Group) lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và hồ sơ đề xuất đầu tư dự án đường cao tốc Gò Dầu - Xa Mát.
Hiện nay, hội đồng thẩm định cấp cơ sở đã thẩm định báo cáo dự án và tham mưu UBND tỉnh có văn bản đề nghị nhà đầu tư hoàn thiện hồ sơ và nghiên cứu thêm phương án tài chính đầu tư dự án.
Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa có tổng mức đầu tư 2.293 tỷ đồng. Gói thầu xây lắp qua tỉnh Tây Ninh đã khởi công vào ngày 28/12/2023, hiện nhà thầu đang thi công đạt khoảng 10% khối lượng của công trình, dự kiến xong trong năm 2025.
Như vậy, khi hoàn thành, Tây Ninh sẽ có hai cao tốc nội tỉnh là TP HCM - Mộc Bài và Gò Dầu - Xa Mát.
Tây Ninh sẽ có 4 trung tâm logistics
Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu phát triển tổng quát đến năm 2030, phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực và yếu tố con người để đưa Tây Ninh phát triển nhanh, toàn diện và bền vững.
Đến năm 2030, Tây Ninh trở thành địa phương phát triển năng động, văn minh, có môi trường sống tốt, thích ứng tốt với biến đổi khí hậu, trở thành địa phương đáng đến và đáng sống.
Tầm nhìn đến năm 2050, Tây Ninh trở thành tỉnh có nền kinh tế phát triển dựa vào công nghiệp sạch và nông nghiệp công nghệ cao; thương mại, du lịch phát triển và là cửa ngõ thương mại quốc tế của vùng Đông Nam Bộ và cả nước. Là tỉnh có hệ thống quản trị công hiệu quả, môi trường kinh doanh thân thiện, môi trường sống hấp dẫn dựa trên một hệ sinh thái bền vững và đa dạng.
Theo quy hoạch này, Tây Ninh tăng cường kết nối hướng Đông - Tây với Bình Dương, Bình Phước, Long An và kết nối phía Nam với Thành phố Hồ Chí Minh, hình thành trục giao thông hàng hóa kết nối các khu công nghiệp nội tỉnh, các khu đô thị được quy hoạch, tách biệt với giao thông đô thị.
Quy hoạch mạng lưới đường tỉnh gồm 49 tuyến đường có tổng chiều dài khoảng 1.150km. Các tuyến đường đô thị, đường huyện, đường xã thực hiện theo quy hoạch đô thị, nông thôn, quy hoạch xây dựng vùng liên huyện.
Đồng thời, phát triển 4 trung tâm logistics tại cửa khẩu Mộc Bài, cửa khẩu Xa Mát, xã Hưng Thuận, thị xã Trảng Bàng và xã Thanh Phước, huyện Gò Dầu.
Để tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2021-2030 đạt khoảng 9,5%/năm, tỉnh Tây Ninh dự kiến cần huy động tổng số vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 628.000 tỷ đồng.
Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025, nguồn vốn khu vực Nhà nước là 36.000 tỷ đồng, giai đoạn 2026 - 2036 là 49.000 tỷ đồng. Nguồn vốn khu vực ngoài Nhà nước lần lượt ở 2 giai đoạn trên là 107.000 tỷ đồng và 218.000 tỷ đồng. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng lần lượt đạt 67.000 tỷ và 149.000 tỷ đồng.