Tham dự tọa đàm có ông Ngô Trung Dũng - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, luật sư Trương Thanh Đức - Trọng tài viên trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam và ông Đỗ Phi Cường - đại diện Công ty bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam.
Cuộc “khủng hoảng niềm tin” của ngành bảo hiểm nhân thọ
Đến dự tọa đàm và trao đổi cùng Đài Phát thanh và Truyền hình Nghệ An, ông Ngô Trung Dũng - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết, trong năm 2022, doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đã đầu tư trở lại nền kinh tế hơn 616.000 tỷ đồng, giải quyết công ăn việc làm cho hơn 900.000 đại lý, người lao động và là “tấm lá chắn” cho khách hàng trước các rủi ro trong cuộc sống với tổng số tiền chi trả quyền lợi lên đến 42.561 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm các doanh nghiệp bảo hiểm đang chịu ảnh hưởng rất nặng nề. Tính đến cuối tháng 3-2023, số lượng hợp đồng bảo hiểm nhân thọ toàn thị trường giảm gần 250.000 so với cuối năm 2022, đạt khoảng 13,68 triệu hợp đồng.
Nói về nguyên nhân khách hàng dần mất niềm tin vào bảo hiểm nhân thọ, luật sư Trương Thanh Đức - Trọng tài viên trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam cũng chia sẻ thẳng thắn tại tòa đàm. Theo ông, có 3 nguyên nhân chính dẫn tới biến tướng bảo hiểm nhân thọ bao gồm: Pháp luật chưa nghiêm với cả bên bán và bên mua; chất lượng tư vấn của nhân viên bảo hiểm chưa tốt và người mua bảo hiểm chưa thật sự xác định rõ mục đích mua là gì.
Giải pháp tái thiết niềm tin và phát triển thị trường bảo hiểm lành mạnh
Thời gian qua, thị trường bảo hiểm đã ghi nhận những nỗ lực chung của cả các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp bảo hiểm và bao gồm cả sự ủng hộ của người mua bảo hiểm để xây dựng và tái thiết một thị trường bảo hiểm lành mạnh.
Từ góc độ của doanh nghiệp, đại diện Công ty bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp bảo hiểm cần phối hợp cùng cơ quan nhà nước để rà soát, nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng, hoàn thiện quy trình nghiệp vụ, quy định nội bộ, chính sách về quản trị rủi ro, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật. Đồng thời, đào tạo và nâng cao chất lượng phục vụ cho đại lý cũng là một yếu tố quan trọng để cải thiện chất lượng tư vấn và dịch vụ khách hàng.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, ông Ngô Trung Dũng cho biết, các doanh nghiệp bảo hiểm cần rà soát lại cơ chế, chính sách, quy trình, chuẩn hóa hơn nữa đội ngũ tư vấn. Song song, cần tiếp tục chuẩn hóa mẫu hợp đồng, đặc biệt là đối với những sản phẩm liên kết vốn rất phức tạp cần có kiến thức chuyên ngành để hiểu.
Tiếp lời ông Dũng chia sẻ về vấn đề này, để giúp khách hàng hiểu rõ bộ hợp đồng bảo hiểm và những quy tắc điều khoản phức tạp, vừa qua, Prudential cũng đã giới thiệu bộ Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ mới 2023, bao gồm 8 trang, cô đọng những thông tin quan trọng như thời hạn cân nhắc 21 ngày, thời hạn hợp đồng, thời gian gia hạn đóng phí, được tích hợp với mã QR Code cho phép khách hàng nhanh chóng truy vấn thông tin, giúp khách hàng dễ dàng nắm rõ được những điểm quan trọng, các quyền lợi, nghĩa vụ cơ bản khi tham gia bảo hiểm. Đây là một trong những nỗ lực lấy khách hàng làm trọng tâm trong các hoạt động từ phía Prudential, góp phần tạo lập một thị trường bảo hiểm nhân thọ lành mạnh và bảo vệ người tham gia bảo hiểm.
Dù còn nhiều thách thức nhưng với nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ từ phía cơ quan quản lý, doanh nghiệp bảo hiểm và khách hàng, các diễn giả đều tin tưởng ngành bảo hiểm sẽ phát triển minh bạch, lành mạnh, củng cố niềm tin của khách hàng, phát triển chất lượng hơn và đóng góp nhiều hơn nữa cho kinh tế và an sinh xã hội. Từ đó, phát huy vai trò lá chắn trước các rủi ro khó lường trong cuộc sống.
Trong khuôn khổ tọa đàm, các diễn giả cũng trực tiếp giải đáp các thắc mắc của khách mời – là các khách hàng đang có nhiều quan tâm về bảo hiểm nhân thọ, từ đó, giải tỏa phần nào những vướng mắc từ phía người dân, củng cố niềm tin cho ngành bảo hiểm nhân thọ.
Hải Đăng