Toàn cảnh bão số 3: Hình ảnh kinh hoàng và những con số

Chủ nhật, 08/09/2024 08:15
Bão số 3 (bão Yagi) đổ bộ đã gây ra nhiều thiệt hại tại Quảng Ninh và Hải Phòng, cũng như một số tỉnh, thành phố khác của nước ta.

Có nơi trông như "ngày tận thế"

Trưa 7/9, bão số 3 (bão Yagi) đổ bộ vào đất liền nước ta ở khu vực các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng với sức gió vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13, giật cấp 16. Cơn bão này đã gây ra nhiều thiệt hại ở Quảng Ninh, Hải Phòng và một số tỉnh, thành phố khác.

Báo Pháp Luật TP.HCM đưa tin, Cục Quản lý Đê điều và Phòng chống thiên tai vừa có báo cáo tổng hợp về cơn bão số 3 và công tác ứng phó khắc phục. Theo đó, tính đến 18h ngày 8/9, bão số 3 đã gây ra nhiều thiệt hại về tính mạng và tài sản của nhân dân.

Toàn cảnh bão số 3: Hình ảnh kinh hoàng và những con số - 1

Hình ảnh cây cối, cột điện ngã đổ ở một số tuyến đường tại TP.Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang) sáng 8/9.

Cụ thể, bão số 3 đã khiến 24 người tử vong và mất tích, trong đó do bão gây ra là 9 người; do sạt lở đất, lũ quét là 12 người và do lũ cuốn là 3 người.

Lào Cai có 6 người tử vong, còn ở Quảng Ninh có 5 người, Hải Phòng có 2 người, Hải Dương có 1 người, Hà Nội có 1 người, Hoà Bình có 4 người, Yên Bái có 1 người và Lạng Sơn có 1 người.

Về tàu thuyền, bão số 3 khiến 25 tàu thuyền các loại bị chìm tại nơi neo đậu ở Quảng Ninh. 5 tỉnh chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão gồm: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Hà Nội... bị mất điện, mất liên lạc trên diện rộng; 5 đoạn đường dây 500KV, 31 đường dây 220kV, 97 đường dây 110kV bị sự cố và nhiều cột điện hạ thế bị gãy đổ.

Toàn cảnh bão số 3: Hình ảnh kinh hoàng và những con số - 2
Toàn cảnh bão số 3: Hình ảnh kinh hoàng và những con số - 3

Cột điện gãy, đổ chắn ngang đường ở TP.Cẩm Phả (tỉnh Quảng Ninh).

Về nhà cửa, do thời gian lưu bão dài và duy trì cường độ gió bão, gió giật rất mạnh đã làm 8.017 nhà ở bị hư hỏng. Ngoài ra còn nhiều cửa hàng, trụ sở, trường học bị tốc mái, hư hỏng. Rất nhiều biển hiệu quảng cáo, cột viễn thông bị gẫy đổ; cây xanh đô thị bị bật gốc, gẫy đổ la liệt trên các tuyến đường tại các tỉnh, thành phố gồm Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội…

Về nông nghiệp, có hơn 109.000 ha lúa bị ngập úng, thiệt hại, trong đó tập trung tại Hải Phòng, Thái Bình, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam, Bắc Giang, Vĩnh Phúc….

Bão số 3 cũng làm gần 18.000 ha hoa màu bị ngập úng, thiệt hại; gần 7.000 ha cây ăn quả bị hư hại tập trung tại Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương…; trên 1.100 lồng bè nuôi trồng thuỷ sản bị hư hỏng, cuốn trôi, chủ yếu ở Quảng Ninh.

Toàn cảnh bão số 3: Hình ảnh kinh hoàng và những con số - 4

Hàng chục người dân đang hợp sức dùng dây cáp để kéo lật lại chiếc ô tô tải đang đỗ trên đường bê tông trong khu dân cư ở phường Cẩm Sơn thì bì bão quật đổ. (TP.Cẩm Phả).

Quảng Ninh là một trong các địa phương nằm trong tâm bão số 3. Theo Tạp chí Tri Thức, đến chiều 8/9, một ngày sau khi bão đổ bộ vào đất liền, nhiều địa phương tại tỉnh Quảng Ninh vẫn đang ngổn ngang do hậu quả của cơn bão số 3 để lại.

Tại khu vực TP.Cẩm Phả (tỉnh Quảng Ninh), hàng trăm cột điện cùng cây xanh bị gió quật ngã gãy đổ ngổn ngang trên đường phố. Nhiều cây cột điện gãy đổ chắn ngang hết một phần đường, thậm chí vắt sang làn đường phía đối diện khiến tuyến đường nối Cẩm Phả và huyện Vân Đồn bị ùn tắc cục bộ.

"Cảnh tượng thật khủng khiếp, tôi chưa bao giờ chứng kiến cơn bão nào lớn như vậy, loạt cột điện, cây xanh gãy đổ trông như ngày tận thế", bà Hạnh (người dân sống tại phường Cẩm Sơn, TP.Cẩm Phả) chia sẻ.

Toàn cảnh bão số 3: Hình ảnh kinh hoàng và những con số - 5
Toàn cảnh bão số 3: Hình ảnh kinh hoàng và những con số - 6

Khung cảnh tan hoang ở TP.Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) khi bão số 3 quét qua.

 

Trong khi đó, ở TP.Hải Phòng, vào sáng 8/9, tuyến đường du lịch khu 2 Đồ Sơn tan hoang với hàng trăm cây xanh 2 bên đường gãy đổ. Nhiều ngôi nhà ở Đồ Sơn tốc mái, phải gia cố tạm thời sau bão.

Phố phường tan hoang

Khu vực trung tâm thành phố, nhiều tuyến phố bị bão số 3 tàn phá, cô lập khi hàng loạt cây xanh gẫy đổ. Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự TP.Hải Phòng, tình hình thiệt hại đối với hạ tầng giao thông, cây xanh và hư hại nhà dân, trụ sở sơ bộ đánh giá ở mức rất lớn và chưa thể đánh giá, thống kê chính xác, chi tiết.

"Ngày hôm qua tránh bão trong nhà đã nghe thông tin thành phố bị thiệt hại nặng nề. Sáng nay ra đường, tôi rất xót xa nhìn phố phường tan hoang, mọi thứ thay đổi hoàn toàn chỉ sau 1 ngày cơn bão quét qua", chuyên trang Lao Động Media dẫn lời ông Phạm Văn Tuấn (64 tuổi, quận Lê Chân, TP.Hải Phòng).

Toàn cảnh bão số 3: Hình ảnh kinh hoàng và những con số - 7

Tại tuyến đường Lạch Tray (quận Ngô Quyền, TP.Hải Phòng), đến trưa 8/9 vẫn ngập nước. 

Tại cuộc họp sáng 8/9, Bí thư Hải Phòng yêu cầu Sở Xây dựng phải chỉ đạo, khắc phục tình trạng cây đổ, gãy. Các đơn vị phải nhanh chóng thống kê số lượng thiệt hại, trong đó khẩn trương khắc phục các sự cố viễn thông, điện, nước, giao thông, môi trường, bảo đảm giao thông thông suốt, hoàn thành trong ngày mai.

Chiều cùng ngày, Sở GD&ĐT TP.Hải Phòng thông báo học sinh toàn thành phố tiếp tục nghỉ học ngày 9/9 cho đến khi có thông báo mới. Nguyên nhân là do các trường tập trung khắc phục hậu quả sau bão; điều kiện an toàn giao thông, điện, nước, vệ sinh môi trường... chưa đảm bảo.

Sở yêu cầu các trường huy động lực lượng tại chỗ khẩn trương dọn dẹp cảnh quan, khắc phục hậu quả sau bão; kiểm kê, thống kê thiệt hại do bão gây ra. Cùng với đó, đề xuất sửa chữa cơ sở vật chất sau bão, ưu tiên sửa chữa trước phòng học.

Các đơn vị chủ động khắc phục thiệt hại về cơ sở vật chất theo thẩm quyền để tiếp tục dạy và học - đảm bảo quy trình, thủ tục đúng quy định; lưu ý không tự ý sửa chữa đối với các hạng mục có mức kinh phí vượt thẩm quyền.

Toàn cảnh bão số 3: Hình ảnh kinh hoàng và những con số - 8
Toàn cảnh bão số 3: Hình ảnh kinh hoàng và những con số - 9

Cảnh cây lớn bật gốc, đổ đè vào ô tô ở Hà Nội.

Theo đánh giá của Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, bên cạnh những kết quả nổi bật trong công tác triển khai ứng phó với bão, thiệt hại do bão gây ra vẫn còn rất lớn, có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan.

Trong đó có việc một số chủ tàu và các thuyền viên chưa tuân thủ hướng dẫn, kêu gọi của chính quyền và cơ quan chức năng phải lên bờ khi bão đổ bộ, dẫn đến bị mất tích, không liên lạc được khi neo tàu bị đứt, trôi dạt.

Mặc dù chính quyền khuyến cáo người dân không lưu thông trên đường khi bão đổ bộ nhưng vẫn có tình trạng người dân lưu thông dẫn đến thiệt hại đáng tiếc do cây đổ.

Khẩn trương khắc phục hậu quả

Báo Chính Phủ đưa tin, chiều 8/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đi kiểm tra tình hình thiệt hại, chỉ đạo triển khai các biện pháp cấp bách khắc phục hậu quả cơn bão số 3 tại Quảng Ninh và Hải Phòng – nơi bão đổ bộ với sức gió mạnh nhất, gây nhiều thiệt hại nhất theo thống kê tới sáng 8/9.

Thủ tướng đã thăm hỏi người dân về các thiệt hại và động viên các lực lượng Quân đội, Công an, thanh niên, công nhân môi trường đô thị đang làm nhiệm vụ dọn dẹp sau bão. Tại hội nghị diễn ra vào sáng cùng ngày, Thủ tướng đã chỉ đạo trước mắt hỗ trợ khoảng 100 tỷ đồng cho mỗi địa phương Quảng Ninh, Hải Phòng để khắc phục hậu quả bão.

Toàn cảnh bão số 3: Hình ảnh kinh hoàng và những con số - 10

Không ít chung cư tại Hà Nội bị sập trần.

Theo báo Thanh Niên, hiện tại hoàn lưu của bão số 3 còn tiếp tục gây mưa lớn cho các tỉnh Bắc bộ, nhất là khu vực Tây Bắc với lượng mưa phổ biến từ 100 - 200 mm, có nơi đến 400 mm.

Để sớm ổn định đời sống nhân dân, khôi phục sản xuất, đồng thời triển khai ứng phó với mưa lớn sau bão, Cục Quản lý đê điều và phòng chống thiên tai yêu cầu kiên quyết không để người dân quay trở lại tàu cá, các lồng, bè, chòi canh khi chưa đảm bảo an toàn.

Bên cạnh đó, tập trung nguồn lực khắc phục hậu quả do bão gây ra; đảm bảo cung cấp, hỗ trợ đủ lương thực, thực phẩm, nước sạch, tuyệt đối không để người dân bị đói, rét; huy động lực lượng hỗ trợ người dân sửa chữa nhà ở, dọn dẹp vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh. Ưu tiên nguồn lực được hỗ trợ sửa chữa trường học, bệnh viện; hỗ trợ, dọn dẹp, vệ sinh trường, lớp để đưa học sinh trở lại lớp học.

Toàn cảnh bão số 3: Hình ảnh kinh hoàng và những con số - 11

Mái tôn đổ ngổn ngang trên đường Nguyễn Trọng Thuật ở Hải Dương khiến nhiều xe ô tô bị hư hỏng.

Đối với khu vực miền núi phía bắc cần lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn.

Ngoài ra, tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát giao thông tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, có nguy cơ xảy ra sạt lở; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn; bố trí lực lượng, chuẩn bị vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố thông tuyến giao thông...

Toàn cảnh bão số 3: Hình ảnh kinh hoàng và những con số - 12

Khung cảnh đổ nát tại quận Đồ Sơn (TP.Hải Phòng) sau 1 đêm.

Trong diễn biến liên quan, báo Dân Trí dẫn thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, do ảnh hưởng mưa bão số 3, tại tỉnh Yên Bái đã có mưa rất to, tổng lượng mưa đo được phổ biến từ 100 đến 250mm, đặc biệt có nơi trên 400mm (huyện Trạm Tấu, huyện Văn Chấn).

Mực nước sông Ngòi Thia, Ngòi Hút dao động trên mức báo động 2; sông Thao tại Yên Bái trên mức báo động 1 0,66m.

Do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới qua khu vực Bắc Bộ nối với hoàn lưu của vùng áp thấp suy yếu từ cơn bão số 3 nên từ đêm 8/9 đến ngày 11/9 ở khu vực Yên Bái tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến từ 150 đến 300mm, có những điểm trên 400mm.

Toàn cảnh bão số 3: Hình ảnh kinh hoàng và những con số - 13

Hàng trăm chòi canh nuôi ngao tại bãi Đồng Châu (Tiền Hải, Thái Bình) bị gió bão cuốn bay.

Toàn cảnh bão số 3: Hình ảnh kinh hoàng và những con số - 14

Khung cảnh tan hoang ở khu vực đê biển Tiền Hải (Thái Bình).

Trên các sông ở Yên Bái xuất hiện lũ, đỉnh lũ các sông nhỏ như sông Ngòi Thia, Ngòi Hút lên mức báo động 2 - báo đông 3 và trên báo động 3; sông Thao tại Yên Bái lên trên báo động 3, nguy cơ xảy ra ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông suối, khu đô thị đặc biệt tại các huyện: Lục Yên, Văn Yên, Trấn Yên, Yên Bình, TP Yên Bái (tỉnh Yên Bái).

Do độ ẩm đất trên toàn bộ tỉnh đang ở mức bão hòa, lũ quét, sạt lở đất đang được cảnh báo ở mức rất cao và tiếp tục duy trì trong 24 giờ tới.

Ảnh: Dân Trí, Tri Thức, Lao Động Media, Tuổi Trẻ, Công Thương, báo Hải Dương

Cùng chuyên mục

Có nên trồng cây cau cảnh trước nhà?

Thứ 5, 03/10/2024 12:45
Nhiều gia đình lựa chọn trồng cau cảnh trước nhà không chỉ vì vẻ đẹp thẩm mỹ mà còn bởi những lợi ích về phong thủy và môi trường mà nó mang lại.

Bằng cấp 3 bị mất có xin cấp lại được không?

Thứ 5, 03/10/2024 12:30
Mất bằng tốt nghiệp THPT là tình huống không ai mong muốn, nhưng hoàn toàn có thể xảy ra. Vậy khi không may đánh mất tấm bằng quý giá bạn cần làm gì?

Biển báo tốc độ tối đa gồm những biển nào?

Thứ 5, 03/10/2024 12:30
Biển báo tốc độ tối đa là những biển báo giao thông quan trọng, giúp người lái xe nắm rõ giới hạn tốc độ cho phép trên từng đoạn đường, bảo an toàn giao thông.

Người dân có được phép photo tiền Việt Nam để làm kỷ niệm hay không?

Thứ 5, 03/10/2024 12:05
Nhiều người có thể thắc mắc liệu hành vi photo tiền Việt Nam để làm kỷ niệm có vi phạm quy định pháp luật hay không. Bài viết này sẽ giải đáp câu hỏi đó.

Hà Nội: Khởi tố 21 đối tượng mang hung khí đi giải quyết mâu thuẫn

Thứ 5, 03/10/2024 11:57
Mâu thuẫn trên mạng xã hội, 36 thanh thiếu niên mang theo tuýp sắt hàn dao phóng lợn, kiếm, điều khiển xe máy diễu qua nhiều tuyến phố trên địa bàn Hà Nội.
     
Nổi bật trong ngày

"Vua muối" ở Bạc Liêu: Hành trình từ diêm dân nghèo đến tỷ phú

Thứ 4, 02/10/2024 06:36
Nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã chuyển nghề, ông Phan Văn Phúc vẫn kiên định với làm muối truyền thống. Từ những hạt muối mặn chát, ông xây dựng nên "cơ ngơi tỷ phú".

Người đàn ông Đức quyết định ở lại Việt Nam vì "say nắng" cô gái kém 26 tuổi

Thứ 4, 02/10/2024 07:46
Chị Trang cho biết ông xã ngoại quốc có tính cách rất dễ chịu, mọi thứ trong cuộc sống từ sinh hoạt tới ăn uống đều dễ dàng thích nghi.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan được bầu giữ vị trí thành viên độc lập HĐQT EVNGENCO2

Thứ 4, 02/10/2024 09:31
Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2024 của EVNGENCO2 đã bầu bổ sung bà Nguyễn Thị Ngọc Lan tham gia Hội đồng quản trị EVNGENCO2.

Tiết lộ loại tên lửa Iran sử dụng để phá hủy lá chắn phòng thủ Arrow của Israel

Thứ 4, 02/10/2024 10:04
Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) cho biết lần đầu tiên họ dùng loại tên lửa này để phá hủy hệ thống phòng thủ tên lửa Arrow 1 và Arrow 3.

Bầu cử Tổng thống Mỹ 2024: Bà Harris làm gì khiến ông Biden "chạnh lòng"?

Thứ 4, 02/10/2024 11:19
Tổng thống Mỹ Joe Biden cảm thấy chạnh lòng khi các thành tựu về kinh tế và xã hội của ông không còn được nhắc tới.
xe.nguoiduatin.vn