Bài viết chia sẻ về câu chuyện của ông Lưu Tiên được đăng tải trên Toutiao (MXH Trung Quốc) đã thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng.
***
Tôi tên là Lưu Tiên, năm nay tôi 65 tuổi. Hàng tháng, tôi nhận mức lương hưu khoảng 22 triệu đồng. Tôi có người vợ kém 3 tuổi. Vợ tôi hiện đang hưởng mức lương hưu 16 triệu đồng/tháng.
Tôi và vợ từng làm giáo viên tại một trường cấp hai trọng điểm ở thành phố. Sau khi nghỉ làm, tổng lương hưu của vợ chồng tôi khá cao. Chúng tôi đều có bảo hiểm y tế để chi trả các khoản phí khi chúng tôi không may ốm đau.
Tôi đã từng mơ tưởng về một cuộc về hưu hạnh phúc bên những người thân yêu. Tuy nhiên, chúng tôi cũng gặp phải nhiều rắc rối sau khi nghỉ hưu, mà nguyên nhân lại nằm ở chính bản thân tôi.
Trước khi nghỉ hưu ở tuổi 60, vợ chồng tôi sống trong ký túc xá dành cho cán bộ giáo viên. Mỗi ngày, chúng tôi không mất quá nhiều thời gian để tới cơ quan. Qua nhiều năm làm việc, vợ chồng tôi đã tích góp được một khoản tiền để mua ô tô. Sau khi nghỉ việc, chúng tôi quyết định mua chiếc ô tô thuộc dòng Toyota Highlander với giá hơn 1 tỷ đồng.
Đồng thời, tôi và vợ đã thống nhất ý kiến sau khi nghỉ hưu sẽ về quê hương an hưởng tuổi già vì tình yêu với nơi "chôn rau cắt rốn" và chi phí sinh sống tại quê không cao. Bên cạnh đó, chúng tôi chỉ mất một giờ lái xe từ quê tới thành phố.
Chỉ vì quen thói sĩ diện, tôi đã gây ra sai lầm khó cứu vãn
Khi thấy vợ chồng tôi về quê bằng chiếc ô tô mới, không ít lời bàn tán của hàng xóm liên quan đến việc chi tiêu. Tối hôm ấy, vợ chồng tôi cùng nhau nấu bữa cơm thịnh soạn và mời gia đình anh trai tôi đến ăn tối. Trong bữa ăn, chị dâu không ngừng khen vợ chồng tôi giỏi tiết kiệm, mua được chiếc xe tốt để lái. Đồng thời, chị ấy còn hỏi tôi về chi phí của chiếc xe. Tôi cảm thấy vui sướng khi nghe chị dâu luôn miệng khen ngợi.
Vì vậy, tôi đã nói thật với chị dâu: "Em thấy giá của chiếc xe này không cao. Vốn dĩ vợ chồng em định mua một chiếc Mercedes-Benz hơn 2 tỷ đồng, nhưng em cảm thấy chiếc xe đó quá phô trương nên chúng em đã mua chiếc xe khiêm tốn này".
Đây lại là khởi đầu của chuỗi chuyện phiền phức về sau. Một buổi sáng nọ, anh trai tới chơi nhà. Anh trai tôi nhờ vả: "Con trai lớn nhà anh vừa tốt nghiệp đại học, nhưng thằng bé không muốn làm thuê cho người khác. Anh đang dự định mở một nhà hàng cho con. Thằng bé nói tiền vốn để kinh doanh nhà hàng ít nhất cần 1 tỷ đồng. Tối hôm trước, anh đã kiểm kê số tiền tích góp trong nhiều năm và nhận thấy chỉ còn 704 triệu đồng, vẫn còn thiếu hơn 300 triệu đồng nữa".
Anh trai hy vọng tôi có thể cho vay 352 triệu đồng còn thiếu. Sau khi con trai kiếm được tiền, anh ấy sẽ trả lại. Nghẻ vậy, tôi đã hơi lưỡng lự. Dù vợ chồng tôi có khoản tiền kia nhưng tôi hiểu lợi nhuận của những công việc kinh doanh sẽ thay đổi thất thường.
Anh trai tôi tiếp tục nói: "Trong buổi ăn tối lần trước, em đã nói bản thân có khả năng mua ô tô trị hơn 2 tỷ đồng. Đây là cháu trai ruột của em, không có lý do gì để em từ chối cho vay số tiền này phải không?".
Tôi tin tưởng anh trai nên vài hôm sau ra ngân hàng để rút tiền đưa cho em mà không yêu cầu phải viết giấy nợ. Công việc kinh doanh của cháu mới đầu khá ổn nhưng chỉ trong vòng nửa năm sau khi khai trương, dịch bệnh Covid-19 hoành hành, toàn dân phải cách ly, các hàng quán buộc phải đóng cửa.
Cửa hàng phải tạm ngừng kinh doanh nhưng cháu trai vẫn cần trả khoản phí mặt bằng lớn. Sau đó, cháu trai cùng nhóm bạn không thể tiếp tục duy trì của hàng mà phải chuyển nhượng cho người khác. Cháu tôi không những không kiếm được tiền mà còn lỗ 881 triệu đồng. Khi biết cháu kinh doanh thua lỗ, tôi không đủ can đảm để đòi lại khoản tiền đã cho vay.
Vợ tôi sau khi biết chuyện rất tức giận. Vợ tôi nói đó là số tiền bao năm gom góp để phòng tuổi già đổ bệnh. Vợ cũng trách tôi tự ý cho anh trai vay mà không hỏi ý kiến. Chúng tôi biết khó có thể đòi lại tiền.
Về sống ở quê, tôi cũng hay tụ họp bạn bè. Chúng tôi thường đi ăn uống để ôn lại những kỷ niệm thời thơ ấu. Chúng tôi cũng sẽ chia sẻ những câu chuyện mà mỗi người đã trải qua sau khi trưởng thành. Có một người bạn cũ biết tôi có nhiều mối quan hệ liền mang quà đến biếu xén, mong tôi thu xếp cho cháu trai được dạy học ở trường Tiểu học tại địa phương.
Tôi rơi vào tình thế khó xử nên vội từ chối. Lập tức, người bạn cũ mỉa mai: "Trong các buổi trò chuyện, cậu vẫn khoe có nhiều mối quan hệ, làm chức to mà. Giờ việc nhỏ như vậy, chẳng lẽ cậu không giúp mình?".
Tôi muối mặt đành gọi điện vài nơi nhờ vả nhưng đều bị từ chối. Chuyện không thành, người bạn cũ bêu rếu tôi khắp làng. Họ cho rằng tôi chỉ biết khoe khoang, không có năng lực. Nhiều người cũng không chơi thân với tôi như xưa, tôi cảm thấy trống trải.
Sau nhiều chuyêjn xảy ra, tôi hối hận lắm. Tôi đang dần học cách kiềm chế bản thân, chú trọng vào những điều ý nghĩa và tập từ bỏ việc hơn thua với đời. Dù nói lời khoa trương sẽ khiến bạn vui vẻ trong chốc lát, nhưng hậu quả khiến bạn phải hối hận.
Từ bài học kinh nghiệm này, tôi mong những người đang có thói sĩ diện cần phải tập thay đổi tính cách xấu này. Tôi tin rằng, nếu bạn đối xử chân thành với người khác, họ cũng sẽ thật lòng, thật dạ với bạn. Bằng cách này, bạn sẽ dễ dàng tạo dựng được mối quan hệ hòa hợp với những người xung quanh.
Theo Toutiao
Bình luận tiêu biểu (0)