“Nhất Cờn, nhì Quả, tam Bạch Mã, tứ Chiêu Trưng” - đó là câu nói truyền miệng của không ít người dân khi nói về 4 ngôi đền cổ linh thiêng ở xứ Nghệ. Với đền Quả Sơn thuộc địa phận xã Bồi Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An) du khách không chỉ đến để dâng hương, bày tỏ lòng thành kính với cội nguồn tổ quốc mà còn được viễn cảnh sông Lam, một biểu tượng của cảnh sắc xứ Nghệ.
Theo lịch sử, Lý Nhật Quang là con trai thứ 8 của vua Lý Thái Tổ. Tháng 11/1041, triều đình xuống chiếu cho ông vào làm Tri châu Nghệ An.
Làm thay vua trị vì xứ Nghệ, ông đã có những chủ trương chính sách cải cách, phát triển kinh tế, chính trị cho vùng đất “địa linh nhân kiệt” này. Năm 1057, Uy Minh Vương Lý Nhật Quang mất và hiển thánh ngay dưới chân núi Quả. Nhân dân xứ Nghệ vô cùng thương tiếc, khóc thương, lập đền thờ đúng nơi ông mất và hiển thánh, gọi là đền Quả Sơn.
Với gần 1000 năm tuổi tồn tại, đền Quả Sơn được xem là danh thiêng xứ Nghệ. Đền được nhân dân xây dựng dưới chân núi Quả tại làng Miếu Đường, xóm Bạch Đường, huyện Nam Đường (nay là xã Bồi Sơn, huyện Đô Lương).
Năm 2018, đền Quả Sơn đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là một trong 8 danh mục mới về Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Cột mốc quan trọng đã tạo ra điều kiện để di tích lịch sử văn hóa này được trùng tu, tôn tạo.
“Dự án trùng tu và tôn tạo đền Quả Sơn được đầu tư với tổng mức hơn 70 tỷ đồng, trong đó một phần nhỏ từ nguôn ngân sách, còn lại đều là tiền công đức từ sự ủng hộ chung tay của nhiều cá nhân và doanh nghiệp. Với sự hỗ trợ lớn đó, đền Quả Sơn hiện tại đã trở nên đẹp và khang trang nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp kiến trúc chứng tích cổ vốn có của đền”, ông Nguyễn Kim Nam, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đô Lương cho biết.
Lễ hội Đền Quả Sơn 2023 diễn ra chính thức từ ngày 8/2 đến 10/2/2023, tức 18 tháng Giêng đến ngày 20 tháng Giêng năm Quý Mão.
Trước đó, BTC sẽ tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao dành cho người dân, như giao lưu các câu lạc bộ dân ca, thi đấu bóng chuyền nam/nữ với sự tham gia của nhiều đội bóng đại diện các xã thuộc huyện Đô Lương. Sau đó đến ngày 9/2, tức là ngày 19 tháng Giêng năm Quý Mão sẽ là cuộc thi đua thuyền dành cho đội tuyển 6 xã: Ngọc Sơn, Lam Sơn, Bồi Sơn, Đặng Sơn, Tràng Sơn và Bắc Sơn.
Điểm đáng chú ý là năm nay Lễ hội Đền Quả Sơn được tổ chức vào năm lẻ. Theo như Trưởng phỏng Văn hóa và Thông tin huyện Đô Lương Nguyễn Kim Nam thì sự thay đổi là do ảnh hưởng của 3 năm đại dịch COVID-19, tâm lý người dân trên khắp cả nước mong muốn sớm trở lại tham quan, dâng hương đến đền Quả Sơn.
"Nhiều năm qua, Lễ hội Đền Quả Sơn được tổ chức quy mô với 2 năm một lần, có lễ rước. Tuy nhiên vào năm 2020 lễ hội đã không thực hiện vì đại dịch COVID-19. Hiện đền được trùng tu, tôn tạo bài bản với nguồn kinh phí hơn 70 tỷ đồng nên huyện Đô Lương đã quyết định tổ chức vào năm lẻ 2023, nhằm thỏa nguyện vọng của đông đảo người dân mong muốn trở lại với đền Quả Sơn", ông Nam cho biết thêm.
Không chỉ là những hoạt động văn hóa thể thao, phần lễ chính, Ban quản lý di tích đền Quả Sơn còn bố trí thêm một du thuyền nhỏ dành cho du khách thích viễn cảnh sông Lam. Theo ông Nguyễn Kim Nam, lễ hội đền Quả Sơn 2023 chính là cơ hội đánh giá về tính hiệu quả từ đó mong muốn kêu gọi thêm các nhà đầu tư chung tay phát triển dịch vụ du lịch này.
Thời điểm hiện tại, đại dịch đã được kiểm soát an toàn, mọi hoạt động xã hội nối lại bình thường nên BTC chương trình đã đặt quyết tâm cao tổ chức Lễ hội Đền Quả Sơn 2023 một cách đàng hoàng, bài bản. Có thể nói đền Quả Sơn bây giờ đã khoác lên mình tấm áo mới, nhưng vẫn giữ nguyên cốt tích lịch sử xưa cũ, sẵn sàng đón hàng vạn du khách thập phương từ mọi miền tổ quốc trở về thắp hương viễn cảnh, cầu mong một năm mới nhiều thuận lợi và may mắn trong cuộc sống.
Phan Huy