Chính quyền Tổng thống Biden liên tiếp hành động khẩn
Tổng thống Joe Biden đã cho phép chuyển giao mìn chống bộ binh cho Ukraine, hai quan chức Mỹ cho biết.
Động thái này diễn ra sau khi Nhà Trắng cũng vừa cho phép Ukraine sử dụng hệ thống tên lửa tầm xa ATACMS để tấn công vào bên trong lãnh thổ nước Nga.
Đây được xem là một phần trong loạt hành động khẩn cấp mà chính quyền Biden sắp mãn nhiệm đang thực hiện để hỗ trợ Ukraine vốn đang gặp nhiều khó khăn trên chiến trường.
Một quan chức Ukraine hoan nghênh bất kỳ thay đổi chính sách nào mặc dù có những rủi ro tiềm ẩn khi triển khai rộng rãi các loại vũ khí này.
"Dù sao thì Nga vẫn sử dụng chúng", quan chức Ukraine ẩn danh nói.
Quân đội Ukraine đã phải vật lộn để xây dựng các tuyến phòng thủ vững chắc trước các cuộc không kích liên tục của máy bay không người lái và các nhóm tấn công nhỏ từ Nga. Mìn trên bộ có thể giúp họ củng cố khả năng phòng thủ bằng cách làm chậm đà tiến công của quân địch hoặc dẫn dụ quân Nga đến những khu vực có thể bị pháo binh và tên lửa tấn công.
Kiev từ lâu đã yêu cầu Washington cung cấp loại vũ khí này kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự 3 năm trước, trong khi quân đội Nga cũng đã triển khai các loại mìn chống bộ binh trên chiến trường.
Lầu Năm Góc tin rằng việc cung cấp mìn là một trong những bước hữu ích nhất mà chính quyền Biden có thể thực hiện để giúp làm chậm cuộc tấn công của Nga.
Ông Biden đảo ngược chính sách của chính mình
Việc vận chuyển mìn chống bộ binh đến Ukraine cũng là một quyết định gây tranh cãi. Hơn 160 quốc gia đã ký một hiệp ước quốc tế cấm sử dụng loại vũ khí này, lưu ý rằng loại mìn gây sát thương lớn có thể tiềm ẩn hiểm họa lâu dài cho dân thường.
Ông Biden đã miễn cưỡng cung cấp mìn cho Ukraine trước những ý kiến phản đối, cho rằng rủi ro đối với dân thường là không thể chấp nhận được. Nhưng tiến triển trên chiến trường của Nga trong những tháng gần đây đã buộc Nhà Trắng phải tìm ra những giải pháp mới để giúp Kiev, đặc biệt là sau chiến thắng của Tổng thống đắc cử Donald Trump, người đã tuyên bố sẽ đưa cuộc xung đột đi đến hồi kết nhanh chóng.
Cả Nga và Mỹ đều không nằm trong số 164 bên tham gia Công ước Ottawa, còn được gọi là Hiệp ước cấm mìn, nhằm cấm triển khai và chuyển giao các loại mìn chống bộ binh. Ông Biden vào năm 2022 đã khôi phục lại chính sách thời cựu Tổng thống Barack Obama về cấm chuyển giao và sử dụng các loại mìn chống bộ binh của Mỹ bên ngoài Bán đảo Triều Tiên.
Một số ý kiến chỉ trích cho rằng quyết định của Washington cung cấp mìn chống bộ binh cho Ukraine - một bên ký kết Hiệp ước cấm mìn - là vết đen đối với Washington.
"Đây là một diễn biến gây sốc và tàn khốc", Mary Wareham, phó giám đốc bộ phận khủng hoảng, xung đột và vũ khí tại Tổ chức Theo dõi Nhân quyền HRW cho biết. Bà nói thêm rằng ngay cả những quả mìn tự hủy cũng gây nguy hiểm cho dân thường, đòi hỏi những nỗ lực xử lý phức tạp và không phải lúc nào cũng được vô hiệu hóa một cách đáng tin cậy.
Minh Khôi