Với trường hợp đầu tiên, người bệnh nữ N.T.B.N, 68 tuổi, ở Nghi Hương, TX Cửa Lò bắt đầu xuất hiện những cơn đau khớp gối từ năm 2014. Khi tới Bệnh viện thăm khám, bà N. gần như không đi lại được do thoái hóa nặng, biến dạng trục khớp, hạn chế vận động khớp. Cả 2 khớp gối chân bị vẹo trong khoảng 20° và gấp gối chỉ khoảng 70 – 80°. Chân mất duỗi, không duỗi được hết, bị thiếu hụt khoảng duỗi của gối khoảng 15 – 20°. Người bệnh N. đã dùng khá nhiều loại thuốc khác nhau nhưng không hiệu quả.
Trên phim X-quang điển hình thoái hóa khớp gối độ IV ở cả 2 bên. Bên trái nặng hơn bên phải, mòn sụn nhiều. Với tổn thương nặng như vậy, nếu chỉ thay 1 bên thì bên còn lại vẫn bị vẹo trục, cong, hạn chế gấp duỗi, chân mất duỗi thường ngắn hơn chân còn lại khoảng 1 – 2 cm. Điều này sẽ khiến chân chưa mổ đau nhiều hơn, khó khăn trong phối hợp vận động cả 2 bên tập phục hồi chức năng. Do vậy, đối với trường hợp người bệnh có thể trạng trung bình trở lên, không có những bệnh phối hợp quá đặc biệt (tim mạch, huyết áp, hô hấp, đái tháo đường …) thì có thể thực hiện cuộc mổ thay cả 2 khớp gối cùng một lúc. Vì vậy, Bác sĩ chỉ định phẫu thuật thay khớp gối 2 bên giúp người bệnh tránh được 2 cuộc mổ.
Theo nguyện vọng của gia đình và khả năng đáp ứng về kỹ thuật, chuyên môn, cũng như trang thiết bị trong phòng mổ, Cuộc mổ đã diễn ra thuận lợi, người bệnh không mất máu. Thời gian trung bình mỗi bên khoảng 30 – 40 phút/mỗi bên khớp gối. Tổng cả 2 bên khoảng 1h 30 phút.
Sau phẫu thuật, người bệnh N. có thể ngồi dậy được và bắt đầu tập phục hồi chức năng sớm sau mổ. Sau khoảng 3 – 5 ngày thì người bệnh có thể tập đi lại với khung chữ U có hỗ trợ, khoảng 1 tháng, người bệnh có thể trở lại sinh hoạt như bình thường, đi lại không cần dùng hỗ trợ.
Người bệnh nam N.H.A, 34 tuổi, ở Vinh Tân, TP Vinh bị chấn thương ở vai khi chơi tenis cách đây 1,5 năm. Kể từ đó, mỗi khi anh A. chơi các môn thể thao thực hiện các động tác nâng cao tay quá đầu và hạ xuống thì xuất hiện cảm giác đau nhiều.
Khi khám vân động các động tác: Xoay, gấp, dạng, vươn vai khá tốt. Trên lâm sàng chỉ gợi ý nhất là người bệnh đau khi vươn vai. Các động tác mất vững khớp vai không có biểu hiện trật khớp vai và tổn thương rách gân chóp xoay ở khớp vai.
Trên phim cộng hưởng từ MRI có thấy tổn thương, hẹp van dưới mỏm cùng vai mức độ vừa, có tụ dịch dưới khoang mủ cùng vai, nghi ngờ có tổn thương sụn viền phía trên khớp vai.
Với kết quả Xquang, MRI như vậy, Bác sĩ chỉ định phẫu thuật nội soi khớp vai. Đây là phương pháp xâm lấn tối thiểu, với 2 vết mổ nhỏ chỉ khoảng 0,5 cm.
Trong quá trình nội soi, bác sĩ có thể quan sát được toàn bộ tổn thương khớp vai, từ sụn viền, diện khớp, gân chóp xoay, gân nhị đầu, xem có hẹp khoang hở cùng vai, có bị viêm khớp vai hay không … giúp chẩn đoán trước mổ. Trong mổ quan sát trong khớp vai tổn thương sụn viền không có, không bị rách sụn viền phía trên, điểm bám gân nhị đầu bình thường chỉ có 1 chút xơ hóa của khối tầng nhị viền, tuy nhiên không bị rách và bong phần ổ chảo cánh tay.
Thương tổn chủ yếu tập trung ở khoang dưới cùng vai, hẹp dưới khoang mỏm cùng vai và gân chóp xoay bình thường. Chính nguyên nhân hẹp khoang mỏm cùng vai này làm cho người bệnh khi nâng vai, cánh tay cao quá đầu bị đau và hạn chế ở tư thế đau. Bác sĩ phẫu thuật nội soi tạo hình mỏm cùng vai giúp cho khoang mỏm cùng vai rộng ra để khi người bệnh làm động tác nâng vai hoặc xoay vai thì gân chóp xoay không cọ vào xương. Kỹ thuật này giúp giải quyết triệt để tổn thương người bệnh.
Cuộc mổ diễn ra thành công trong khoảng 20 phút. Sau mổ người bệnh không cần phải đeo nẹp vai vì không cần phải khâu hay sửa chữa gân cơ cùng vai, có thể tập phục hồi chức năng sớm và có thể xuất viện sau 2 ngày.
Trường hợp 3, người bệnh nữ T.T.H, 54 tuổi, ở Cửa Nam, TP Vinh bị tai nạn giao thông cách đây 1 tháng. Sau chấn thương, bà H. đau nhiều ở trong khớp gối, cảm giác mất vững khớp gối, gối trái lỏng lẻo.
Khi thăm khám lâm sàng, Người bệnh H. có biểu hiện rách sụn chêm trong khớp gối và khớp gối lỏng, có dấu hiệu “ngăn kéo” trước dương tính. Do vậy trên lâm sàng nghĩ đến chấn thương khớp gối bên trái có đứt dây chằng chéo trước khớp gối, kèm theo rách sụn chêm ngoài.
Trên phim cộng hưởng từ MRI cũng có hình ảnh gợi ý tới tổn thương như vậy, Phẫu thuật nội soi khớp gối là phương pháp tốt nhất thực hiện điều trị.
Cuộc mổ diễn ra khoảng 25 phút. Trong quá trình nội soi kiểm tra thấy có 2 tổn thương chính:
- Rách phần giữa của sụn chêm ngoài, rách kiểu hình nan quạt không quá nhiều không cần phải cắt, có thể tạo hình.
- Dây chằng chéo trước đứt hoàn toàn, phẫu thuật viên sử dụng gân tự thân của người bệnh, tạo hình lại dây chằng chéo trước mới của khớp gối.
Thông thường sau phẫu thuật, người bệnh có thể tập phục hồi chức năng ngay từ ngày đầu tiên sau mổ. Tuy nhiên, trường hợp người bệnh nữ, tuổi ngoài 50, chất lượng xương không phải quá tốt, xương bắt đầu có biểu hiện loãng xương. Với những trường hợp loãng xương, liền dây chằng mới trong đường hầm xương sẽ có nguy cơ chậm hơn những người trẻ có chất lượng xương tốt.
Cụ thể, người bệnh H. có thể tập gấp duỗi gối không tì đè như bình thường. Tuy nhiên khi đi lại phải đeo nẹp duỗi gối để bảo vệ dây chằng ít nhất 4 - 6 tuần lâu hơn những người bệnh khác. Thông thường sau 4 tuần, người bệnh không phải dùng nạng, nẹp.
Đồng thời, sau mổ người bệnh nên bổ sung thêm các thuốc chống loãng xương, canxi giúp chất lượng xương cải thiện hơn.
Trường hợp 4, Người bệnh nam V.K.T, 34 tuổi, ở Trường Thi, TP Vinh bị đau, hạn chế vận động khớp háng 2 bên nhiều năm nay. Trên phim Xquang, MRI thấy hình ảnh hoạt tử vô khuẩn chỏm xương đùi 2 bên hay còn gọi là tiêu chỏm xương đùi 2 bên độ IV theo Ficat. Đây là một tổn thương so với độ tuổi là khá sớm, thông thường những bệnh lý thường gặp ở độ tuổi từ 45 – 50 tuổi trở lên.
Khi bị tiêu chỏm xương đùi hoặc hoại tử chỏm xương đùi thì chỉ bị hỏng chỏm, còn phần xương chậu, ổ cối bình thường. Nếu tình trạng bệnh kéo dài nhiều năm thì sẽ dẫn đến thoái hóa khớp háng, hỏng cả phần xương chậu, ổ cối. Hiện tại 2 chân của người bệnh đều bị ngắn hơn so với lúc chưa bị bệnh và tổn thương cũng bắt đầu chuyển sang giai đoạn thoái hóa. Bác sĩ chỉ định phẫu thuật thay khớp háng toàn phần 2 bên.
Theo nguyện vọng của người bệnh, bên phải đau nhiều hơn nên thay khớp háng chân bên phải trước. Cuộc mổ diễn ra khoảng 40 phút, người bệnh được thực hiện thay toàn bộ khớp háng loại không xi măng.
Khớp háng được thay là loại ceramic, tức là cả phần ổ khối nhân tạo cũng sẽ có 1 lớp lót bằng gốm ceramic. Phần chỏm của xương đùi nhân tạo cũng bằng gốm ceramic. Đây là vật liệu có độ bền cao (40 – 50 năm) có hiệu quả, đặc biệt với người trẻ.
Với kỹ thuật ít xâm lấn, sau mổ người bệnh ít đau, khả năng hồi phục sẽ nhanh hơn. Thông thường sau 1 ngày, người bệnh có thể được rút ống dẫn lưu, ngồi dậy và tập đi lại với khung hỗ trợ. Sau 5 – 7 ngày có thể tập đi lại thoải mái và sau khoảng 2 tuần là đi lại bình thường không cần khung hỗ trợ.
Trường hợp 5, Người bệnh nam N.H.Đ.A, 24 tuổi, ở Tương Dương, Nghệ An bi đau bên trong khớp gối, gối lỏng lẻo, mất vững khớp gối sau chấn thương thể thao.
Thăm khám lâm sàng, người bệnh có biểu hiện “ngăn kéo” trước dương tính, dấu hiệu lachman dương tính, gối lỏng, trên phim MRI không thấy tín hiệu dây chằng chéo trước. Với tổn thương như vậy, người bệnh A. có chỉ định nội soi khớp gối.
Khi kiểm tra trong mổ thấy có 2 tổn thương:
- Rách phần giữa của sụn chêm trong, tổn thương này rách khá rộng, chiều ngang trước sau bị tổn thương nhiều, tổn thương khá đặc biệt chỉ khoảng 1 cm nhưng rách sát bao khớp. Có thể, đây là tổn thương cũ vì người bệnh bị chấn thương cách đây khá lâu. Phẫu thuật viên tạo hình lại tổn thương và bảo tồn tối đa sụn chêm phần còn lại.
- Đứt dây chằng chéo trước khớp gối. Phẫu thuật viên dùng gân tự thân, bán gân và gân cơ thon của người bệnh và tạo hình lại dây chằng chéo trước khớp gối.
Cuộc mổ diễn ra thuận lợi trong khoảng 20 phút. 1 ngày sau phẫu thuật, người bệnh có thể ngồi dậy tập vận động, gấp gối lưng và đeo nẹp bảo vệ khi đi lại trong 1 tháng đầu tiên.
Qua đây, PGS.TS.BS. Nguyễn Mạnh Khánh cũng khuyến cáo: Các trường hợp bị đau khớp lâu nên chủ động đi khám tầm soát sớm, không nên để tổn thương nặng quá sẽ dẫn đến nhiều nguy cơ như: Biến dạng trục chân, co rút phần mềm. Việc lạm dụng thuốc giảm đau kéo dài sẽ gây loãng xương, đau dạ dày. Sau mổ, người bệnh cũng sẽ có xu hướng đau nhiều hơn, khó khăn hơn khi tập luyện.
Với những trường hợp chấn thương gối không nên chủ quan, nếu dây chằng bị đứt mà vẫn băng chun để chạy thì có thể làm tổn thương thêm nặng, gây ra rách sụn chêm thứ phát hoặc làm tăng nhanh quá trình lão hóa khớp gối. Đặc biệt, đối với người bệnh là phụ nữ tuổi ngoài 50 nên bổ sung thêm canxi và vitamin D nhằm nâng cao chất lượng xương.
Kim Chung