Trump 2.0 đến gần: Cách tiếp cận khác biệt và

Trump 2.0 đến gần: Cách tiếp cận khác biệt và "công cụ" đặc trưng; Điểm nhấn trong quan hệ với Việt Nam

Thứ 6, 03/01/2025 10:10
Hai năm đầu sẽ là lúc ông Trump quyết liệt triển khai những ưu tiên của mình. Và 100 ngày đầu nhậm chức sẽ đánh dấu ngay sự khác biệt của Trump.

Chỉ còn hơn hai tuần, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump sẽ chính thức nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai.

Ưu thế vừa nắm Nhà Trắng vừa nắm lưỡng viện Quốc hội của ông Trump và đảng Cộng hòa sẽ là điểm nhấn mới của Trump 2.0, nhưng sẽ có thể bị thay đổi khi cuộc bầu cử giữa kỳ diễn ra vào cuối năm 2026. Cộng thêm việc chỉ nắm quyền một nhiệm kỳ, do vậy, chắc chắn 2 năm đầu sẽ là lúc ông quyết liệt triển khai những ưu tiên của mình. Và 100 ngày đầu nhậm chức sẽ đánh dấu ngay sự khác biệt của Trump.

Một nước Mỹ khác, một Tổng thống Trump 2.0 cũng rất khác

Nhiệm kỳ Tổng thống Trump 2.0, dù vẫn cùng một chủ thuyết, nhưng sẽ rất khác so với Trump 1.0.

Lâu nay, các nhà bình luận thường nhắc đến cá tính, ưu tiên và cách tiếp cận khác biệt của ông Trump là những điểm lớn nhất trong hoạch định chính sách đối nội và đối ngoại. Nhưng qua cuộc bầu cử lần này, còn cần phải nhắc đến nhiều cái khác, một Tổng thống Trump khác, quyết liệt, tự tin hơn, cùng một nước Mỹ khác, phân hóa, bất mãn và trào lưu "ngả đỏ" (ủng hộ đảng Cộng hòa) thiên hữu và dân túy.

Thay đổi đầu tiên là rõ ràng cuộc bầu cử 2024 đã tạo cho ông Trump lợi thế mới, trong cán cân quyền lực giữa hai đảng, qua việc Cộng hòa vừa nắm được Nhà Trắng vừa nắm được hai viện Quốc hội.

Dù việc ông Trump thắng cử có thể hình dung được trước nhưng điều bất ngờ là ông lại thắng lớn, ở tất cả các bang chiến trường và giành được đa số cả phiếu đại cử tri và phiếu phổ thông. Điều này sẽ giúp cho ông Trump nhiều lợi thế trong việc triển khai chính sách.

pqv1q1

Thứ hai, lần này trở lại Nhà Trắng, ông Trump đã nắm thấu chính trường Mỹ và có trong tay kinh nghiệm 4 năm cầm quyền lần trước. Ông thể hiện rõ sự tự tin và quyết liệt trong việc chuẩn bị cho nhiệm kỳ tới của mình, đơn cử như về đề cử nhân sự hay về định hình chính sách, ngay trong vài tuần sau bầu cử. Nhìn riêng về nhân sự, lần này rất khác, là do chính ông lựa chọn, không có sự can dự của dòng chính Cộng hòa, và cách lựa chọn các nhân vật cũng rất khác so với nhiệm kỳ một.

Thứ ba, cuộc bầu cử này cho thấy một xu hướng nước Mỹ ngày càng hướng nội hơn, thực dụng hơn và tập trung vào những ưu tiên thực tế của người dân, nhất là về kinh tế. Nước Mỹ phải điều chỉnh những cam kết với bên ngoài, phụ thuộc vào những ưu tiên nội tại và của cử tri Mỹ.

Thứ tư, không kém phần quan trọng, đó là việc ông Trump giờ đây đã "thâu tóm" được đảng Cộng hòa, chủ thuyết MAGA (Nước Mỹ vĩ đại trở lại) đã thành cốt lõi cương lĩnh 20 điểm ưu tiên của đảng và ông Trump không còn là một nhân vật cá biệt trước đây, mà đã trở thành nhân vật trung tâm của đảng Cộng hòa.

pqv1q2

Cuối cùng, cùng với chủ thuyết "Nước Mỹ vĩ đại trở lại" và "Nước Mỹ trên hết", ông Trump đã đề ra một loạt ưu tiên, cả về đối nội và đối ngoại, như về kinh tế, nhập cư, năng lượng, thuế quan, thương mại, hay cạnh tranh nước lớn, xử lý các vấn đề quốc tế và các cuộc khủng hoảng. Nếu triển khai, với cách tiếp cận khác biệt của ông Trump, điều này sẽ tác động rất lớn và nhiều chiều tới chính trường quốc tế trong những năm tới.

Với lợi thế đó, trong khi ông Trump chỉ còn một nhiệm kỳ, ông sẽ vừa thuận lợi hơn, vừa quyết liệt hơn trong triển khai các mục tiêu của mình. Sức ép khẩn trương càng lớn khi lợi thế nắm lưỡng viện này có thể bị thay đổi tại cuộc bầu cử giữa kỳ diễn ra vào cuối năm 2026. Do vậy, chắc chắn 2 năm đầu, ông sẽ rất quyết liệt triển khai những ưu tiên của mình. Và, 100 ngày đầu nhậm chức, tức là quí I/2025, chắc chắn sẽ cho thấy khung cơ bản về chính sách và ưu tiên trong nhiệm kỳ này, cả về đối nội và đối ngoại.

Lựa chọn nhân sự - rất "Trump"

Với lợi thế chính trị và kinh nghiệm 4 năm Nhà Trắng trước đây, lần này ông Trump toàn quyền quyết định câu chuyện về nhân sự và theo cách rất riêng của mình. Với danh sách các vị trí chủ chốt cơ bản đã hoàn thành hiện nay, có thể thấy bộ khung đó hoặc là những nhân vật trung thành hoặc ủng hộ mạnh mẽ chủ thuyết của Trump, nhưng lại có những hồ sơ rất đa dạng và khác biệt. Và việc này không phải ngẫu nhiên mà ẩn ý nhiều điều.

Thứ nhất, có thể thấy các nhóm chính, đối nội, kinh tế, an ninh - đối ngoại, phục vụ cho các ưu tiên khác nhau của ông.

Thứ hai, thành phần khác nhau và đa dạng phục vụ mục tiêu cân đối, thể hiện sự cân nhắc nhiều chiều giữa các nhóm lợi ích và quan điểm.

Thứ ba, đều trung thành và sẽ tuân thủ các quyết định của Trump (là điều rất khác so với nhiệm kỳ trước), và không loại trừ Trump còn có thể thay đổi nhân sự trong thời gian tới của nhiệm kỳ.

Nhóm đối nội, gồm các nhân vật có phần "cực đoan" hơn, có khi lại không có hồ sơ phù hợp với lĩnh vực phụ trách, chủ yếu tập trung về đối nội, nhất là về cải cách, cắt giảm nhân sự và chi phí, cũng như loại bỏ cái mà ông gọi là "thế lực ngầm".

Nhóm kinh tế, gồm các nhà kinh doanh - tài phiệt thân tín, ủng hộ tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp, giảm thuế, giảm thiểu các qui định và can thiệp của nhà nước.

Nhóm an ninh - đối ngoại, kể cả về thương mại, bao gồm nhiều nhân vật truyền thống của đảng Cộng hoà, ủng hộ chủ thuyết nước Mỹ trên hết của Trump.

pqv1q3

Điều đáng chú ý là nhóm này gồm nhiều nhân vật cứng rắn với Trung Quốc, cả về chính trị, an ninh, kinh tế (như đề cử ngoại trưởng Marco Rubio, cố vấn an ninh quốc gia Mike Waltz, hay cố vấn kinh tế Peter Navarro, đại diện thương mại Jamieson Greer, cùng một số Đại sứ như Peter Perdue tại Trung Quốc, George Glass tại Nhật…).

Tuy nhiên, nhóm này sẽ còn phải tương tác với các nhóm khác để bảo đảm cân đối lợi ích giữa đối nội và đối ngoại của ông Trump, như giữa chủ trương gia tăng sử dụng công cụ thuế quan trong đối ngoại, có thể làm gia tăng lạm phát, với yêu cầu giữ ổn định kinh tế vĩ mô trong nước, hay với nhóm những người thân cận Trump đang có lợi ích làm ăn tại Trung Quốc và các nơi khác (như Elon Musk…).

pqv1q4

Thời Trump 2.0, nước Mỹ sẽ rất khác trong triển khai đối ngoại chung, dù tiếp tục cạnh tranh chiến lược với đối thủ chủ chốt là Trung Quốc nhưng cách thức cũng sẽ khác.

Qua các tuyên bố của Trump, cương lĩnh của đảng Cộng hòa và đề cử nhân sự, có thể thấy bức tranh chung về nghị sự ưu tiên và tín hiệu về một số chính sách chính của Trump 2.0 sắp tới, trong đó có đối ngoại.

Đối ngoại phục vụ đối nội và hai lĩnh vực quan hệ mật thiết với nhau, xin khái quát nghị sự ưu tiên chung của thời Trump 2.0, theo chủ thuyết "Nước Mỹ vĩ đại trở lại". Trước hết, đó là về phát triển kinh tế (bao gồm cả giảm thuế, thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát…), cải tổ lại nước nước Mỹ (cắt giảm chi tiêu, nhân sự, tăng cường hiệu năng quản trị nhà nước…), cũng như chống các "thế lực ngầm" và củng cố xu hướng bảo thủ của Cộng hòa. Cùng với đó là các ưu tiên, gắn cả đối nội và đối ngoại, như kiểm soát biên giới và nhập cư; chống thâm hụt thương mại và đưa việc làm, đầu tư trở lại nước Mỹ; cho khoan dầu trở lại, loại bỏ các qui định ràng buộc về chuyển đổi xanh, duy trì nước Mỹ là nhà sản xuất năng lượng chi phối thế giới; duy trì đồng đô la là đồng tiền dự trữ quốc tế; tăng cường và hiện đại hóa quốc phòng, xây dựng lưới vòm bảo vệ chống tên lửa đối với nước Mỹ.

Trong chiến lược "Hòa bình dựa trên thế mạnh", cách ông Trump sử dụng công cụ đối ngoại đặc trưng có thể gói gọn trong 2 cụm từ: "Tariff" và "Deal".

Đó là cách tóm lược mang tính khái quát và biểu trưng cách làm của ông về đối ngoại, khi sử dụng các lợi thế của nước Mỹ, bao gồm trên các lĩnh vực, trong đó có việc tiếp cận thị trường Mỹ, làm công cụ trong quan hệ với các nước. Từ trong quá trình tranh cử, ông Trump đã thường xuyên nêu bật hai cụm từ: "Tariff, tariff, tariif" ("Thuế! Thuế! Thuế!") và "Deal! Deal! Deal!" ("Giao dịch! Giao dịch! Giao dịch"). Thuế quan để đạt giao dịch, có lợi cho nước Mỹ. Theo đó, xin nêu một số điểm đáng chú ý về đối ngoại.

pqv1q5

Trước hết, ông Trump thời 2.0 sẽ tiếp tục chủ thuyết "Nước Mỹ trên hết" và dựa trên việc sử dụng các lợi thế so sánh của nước Mỹ làm công cụ và áp lực trao đổi trong đối ngoại, theo cách tiếp cận rất riêng của mình.

Trong tranh cử, Trump nhấn mạnh lợi ích và việc khôi phục lại "vị thế vĩ đại" của nước Mỹ, không để các nước khác lạm dụng, với các nước là đối thủ cạnh tranh (như Trung Quốc), hay với cả các đồng minh, đối tác (châu Âu, Canada, Nhật, Hàn, Mexico…), như về chia sẻ chi phí quốc phòng hay giảm bớt thâm hụt hương mại của Mỹ với các nước này.

Nhìn chung, ông Trump sẽ có tiếp cận thực tế và thực dụng hơn về lợi ích của Mỹ, về cạnh tranh với Trung Quốc, cũng như về các vấn đề quốc tế, tiếp tục giảm các cam kết mang tính gánh nặng với nước Mỹ với bên ngoài và về đa phương, sử dụng nhiều hơn các công cụ kinh tế - thương mại làm đòn bẩy, áp lực rong quan hệ với các nước để đạt được các mục tiêu của mình.

Dù chỉ một tháng rưỡi sau bầu cử và khi còn chưa chính thức nhậm chức, ông Trump đã có ngay một loạt động thái và tuyên bố rất đáng chú ý, vừa cho thấy các ưu tiên, cách làm của ông về đối ngoại, vừa tạo ra những tác động không nhỏ đến môi trường và các quan hệ đối ngoại nói chung.

Phía Trump cho biết, đến nay ông đã nhận điện đàm, trao đổi, tiếp xúc với hơn 100 nhà lãnh đạo của các nước trên thế giới. Trump đã đến Paris trực tiếp dự lễ khôi phục Nhà thờ Đức Bà, gặp Tổng thống Pháp Macron và Tổng thống Ukraine Zelensky. Trump cũng đã cử đặc phái viên của mình tới Trung Đông. Ông khẳng định muốn chấm xung đột tại hai nơi này và nói Mỹ không nên dính líu vào cuộc xung đột ở Syria nói chung và sau sự kiện Tổng thống Assad bị lật đổ.

Với Ukraine, cảnh báo của Trump có thể có hàm ý Trump sẽ dùng vấn đề tăng hay giảm viện trợ cho Ukraine nhắm tới không chỉ Ukraine mà còn ép các đối tượng khác có liên quan, kể cả Nga, đồng minh châu Âu, hay Trung Quốc.

Đáng chú ý, Trump đã đưa ra lời mời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự lễ nhậm chức của ông vào 20/1/2025, trong khi vẫn luôn đe dọa áp thuế mạnh với Trung Quốc, là điều cần được xem xét từ nhiều góc độ và cách làm rất khác biệt của Trump.

Thứ ba, cũng cần nói riêng về thuế quan, một công cụ mà ông Trump chắc chắn sẽ sử dụng nhiều, với những ẩn số khó lường, cả về kinh tế, thương mại và chính trị.

Kể từ khi đắc cử, ông đã đưa ra một loạt các cảnh báo, như: có thể áp thuế 25% với Canada và Mexico nếu không ngăn chặn hiệu quả những người nhập cư vào Mỹ; 10% với Trung Quốc nếu không ngăn chặn việc buôn lậu Fentanyl vào Mỹ; 100% với những nước thành viên BRICS nào muốn tẩy chay đồng USD; và gần đây nhất, cảnh báo sẽ đánh thuế mạnh lên các nước EU vì có thặng dư thương mại quá lớn với Mỹ. Trong khi đó, khi tranh cử, Trump cũng đã cảnh báo đánh thuế lên tới 60% với hàng hóa từ Trung Quốc và ít nhất 10% lên hàng hóa từ các nước khác.

Như vậy, nước Mỹ dưới thời Trump 2.0 sẽ rất khác và thực dụng hơn về đối ngoại, cũng sẽ sử dụng nhiều hơn các lợi thế của mình, nhất là thuế quan, làm công cụ gây sức ép và mà cả nhằm thúc đẩy các mục tiêu của mình hơn là đánh thuế chỉ vì mục tiêu trả đũa.

Công cụ thuế quan sẽ được sử dụng cho nhiều mục đích, như tranh thủ cử tri trong nước, tái cân bằng thương mại, đưa sản xuất trở lại nước Mỹ, cũng như vì các mục tiêu chính trị, an ninh khác. Và, ông cũng sẵn sàng có những điều chỉnh rất linh hoạt, trong suốt quá trình xử lý đối ngoại, từ cảnh báo, đến mà cả, thương lượng, đến thỏa thuận.

Đối diện với một thế giới và một Trung Quốc đã khác

Tuy thuận lợi hơn qua bầu cử vừa rồi, nhưng ông Trump cũng sẽ phải đối diện với một thế giới đã thay đổi và rất khác so với lần ông thắng cử 8 năm trước đây, trong đó có Trung Quốc, đối thủ cạnh tranh hàng đầu của nước Mỹ. Thế giới tiếp tục phân mảnh, cả về kinh tế, công nghệ và chính trị, cùng lúc nảy sinh hai cuộc xung đột chưa có hồi kết, ở Ukraine và Trung Đông. Thế giới đứng trước những thách thức chưa từng có, trong khi hợp tác quốc tế gặp khó khăn hơn.

pqv1q6

Quan hệ Mỹ - Trung về tổng thể sẽ tiếp tục là cạnh tranh chiến lược. Việc ông Trump thiên về sử dụng các công cụ kinh tế và phi quân sự trong đối ngoại, sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với các vấn đề địa chính trị và kinh tế trên hế giới, cũng như trong quan hệ với Trung Quốc và các nước. Các nước đã và đang phải theo rất sát và tính toán các phương án trước các thay đổi có thể có dưới thời Trump 2.0.

Nhưng khác với lần trước, Trung Quốc, cùng nhiều nước khác, cũng đã có những chuẩn bị và phòng ngừa nhất định. Trung Quốc và các đối thủ của Mỹ đang có xu hướng tập hợp lại. Trung Quốc đã điều chỉnh chính sách kinh tế hai vòng tuần hoàn, tìm cách thiết lập vành đai ảnh hưởng và các chuỗi cung ứng thông qua các sáng kiến toàn cầu như Vành đai, Con đường (BRI), hay nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS.

Mặt khác, dư địa để Mỹ đánh thuế lên Trung Quốc cũng đã bị thu hẹp lại khi mà 4 năm qua, chính quyền Tổng thống Joe Biden không chỉ giữ nguyên các thuế thời Trump 1.0, mà còn áp thêm nhiều hạn chế mới, cả về kinh tế, đầu tư và công nghệ. Trung Quốc cũng đã tìm cách giảm bớt lệ thuộc vào Mỹ, đa dạng hoá thị trường sang thế giới phương nam, và chuyển dịch sản xuất sang nhiều nước khác.

pqv1q7

Cho nên câu chuyện cạnh tranh và thương mại sắp tới sẽ đi đến đâu, còn phụ thuộc rất nhiều vào mức độ và cách phản ứng của Trung Quốc, cũng như khả năng hai bên có thể đạt hoặc không đạt được các thỏa thuận, như năm 2019 Trung Quốc từng thỏa thuận mua hàng nông nghiệp của Mỹ.

Mặt khác, trong cạnh tranh với Trung Quốc, ông Trump vừa thiên về kinh tế, cũng vừa khác ông Biden ở quan điểm liên quan tới đồng minh, đối tác, giảm cách nhìn chiến lược mà chú trọng nhiều hơn tính thực dụng, đòi hỏi đồng minh phải chia sẻ trách nhiệm, gánh nặng tài chính. Theo đó, việc tập hợp lực lượng cũng sẽ khác, chưa kể các đồng minh sẽ có thể điều chỉnh mềm hơn trong quan hệ với Trung Quốc, khi cùng lúc phải đối diện với thách thức, rủi ro từ phía Mỹ.

Chủ trương chấm dứt các cuộc chiến không hồi kết và việc xử lý 2 cuộc khủng hoảng lớn

Quan điểm chung của ông Trump là muốn chấm dứt và không muốn nước Mỹ dính líu vào các cuộc chiến tranh tốn kém và không hồi kết. Ông cũng đã có nhiều tuyên bố liên quan tới hai cuộc xung đột hiện nay là Ukraine và Trung Đông.

Về Trung Đông, ông ủng hộ đồng minh Israel, ủng hộ Israel tiêu diệt Hamas nhưng cũng muốn Israel chủ động sớm chấm dứt cuộc khủng hoảng ở đây, theo cách ông nói là "cần chấm dứt trước khi ông nhậm chức". Thực tế, dù mới đắc cử, ông cũng đã cử các đặc phái viên của mình tới các nước ở khu vực này. 

Về Syria, ông Trump nhiều lần phát biểu coi đây là cuộc chiến không mong muốn và không muốn nước Mỹ bị dính vào. Có thể thấy, ông sẽ tiếp tục chính sách Trung Đông từ nhiệm kỳ trước, ủng hộ Israel, cứng rắn với Iran, thúc đẩy quan hệ Israel-Vùng Vịnh, làm cơ sở cho cân bằng lực lượng mới ở khu vực và việc giải quyết vấn đề Palestine, như Hiệp định Abraham trước đây.

Về Ukraine, ông Trump đã có một loạt tuyên bố và tiếp xúc đáng chú ý với các bên liên quan, bao gồm cả Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Tuy còn chưa rõ các chi tiết, nhưng qua đó, nổi lên mấy điểm chính: Cần sớm đạt một thỏa thuận hòa bình cho cuộc chiến; có thể đó là một cuộc ngưng bắn "tại chỗ"; dùng vấn đề viện trợ của Mỹ, tăng hoặc giảm, để gây áp lực với các bên, bao gồm cả Ukraine, Nga và đồng minh NATO/châu Âu (như dọa giảm để ép Ukraine và đồng minh, dọa tăng để ép Nga). Dù vậy, các bên đều đang phải gấp rút chuẩn bị các phương án chuẩn bị khi Trump nhậm chức trong tháng này.

Các phía bắt đầu nêu những quan điểm của mình về một cuộc đình chiến. Riêng Tổng thống Zelensky cũng đã có một số động thái, như về nguyên tắc, sẵn sàng chấp nhận một cuộc ngừng bắn (cùng với sự giám sát của NATO ở phần lãnh thổ mà Ukraine đang kiểm soát, còn với phần lãnh thổ đang bị Nga chiếm thì sẽ qua thương lượng ngoại giao sau), qua đó đẩy sức ép của ông Trump sang phía Nga phải chấp nhận đàm phán.

Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tiếp tục là ưu tiên chiến lược, với cách tiếp cận mới

Chính ông Trump là người đưa ra chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đầu tiên của nước Mỹ. Nhìn lại, cả ông Trump và ông Biden có sự tương đồng trong tầm nhìn về khu vực này: nước Mỹ có lợi ích, cần tiếp tục duy trì sự hiện diện ở đây, ủng hộ việc duy trì trật tự dựa trên luật lệ và có lợi cho nước Mỹ.

Những thay đổi về đối ngoại nói chung của ông Trump cũng sẽ được phản ánh trong bức tranh chung về quan hệ của Mỹ sắp tới với châu Á - Thái Bình Dương. Các nhà quan sát đã nhắc rất nhiều đến tính thực dụng của ông Trump trong đối ngoại. Có 3 cặp quan hệ sẽ chịu tác động, đó là cạnh tranh Mỹ - Trung, quan hệ với các đồng minh ở khu vực và thứ ba là với đối tác, trong đó có Đông Nam Á.

Vậy, sắp tới ông sẽ xử lý điều này thế nào, khi Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là khu vực có tính chiến lược với Mỹ, trong đó có cạnh tranh Mỹ-Trung, lôi kéo Ấn Độ, củng cố đồng minh, đối tác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, hay các nước ASEAN.

pqv1q8

Cách đây 7 năm, ông Trump đưa ra chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và đưa quan hệ Mỹ - Trung thành cạnh tranh chiến lược, thì trong đó rất coi trọng và tranh thủ đồng minh, đối tác, cũng như ASEAN ở khu vực này. Không loại trừ những điều này sẽ có những thay đổi trong chiến lược sắp tới của Mỹ.

Mặt khác, tại khu vực, gần đây đã và đang hình thành một loạt các nhóm nhỏ "tiểu đa phương" gắn kết với Mỹ. Đây là điểm ông Trump có thể tiếp tục vì phù hợp hơn với quan điểm của ông coi trọng song phương và thực chất hơn là đa phương chung chung. Tuy nhiên ông cũng có thể xem xét lại về Tứ giác kim cương (QUAD), nhất là về tính hiệu quả và việc nâng cấp lên họp ở cấp cao dưới thời Tổng thống Biden.

Người ta lo ngại rằng, ông Trump có thể nhấn hơn vào cặp quan hệ cạnh tranh Mỹ - Trung và nhìn khu vực nhiều hơn dưới lăng kính này và thực dụng hơn, trong khi giảm nhẹ hơn tính chiến lược của quan hệ đồng minh, đối tác và nhiều vấn đề ở khu vực. Do đó, nhiều thứ vẫn còn là ẩn số trong quan hệ của Mỹ với khu vực dưới thời Trump 2.0.

Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, trong bối cảnh mới

Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình dân tộc, với nền tảng thành tựu của 40 năm Đổi mới và thế chiến lược mới trong quan hệ quốc tế. Đến nay, chúng ta đã thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược (ĐTCL) và Đối tác toàn diện (ĐTTD) với trên 30 nước, trong đó có quan hệ ĐTCLTD với 9 nước và trong số 19 ĐTCL bao gồm tất cả các nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ và các đối tác chủ chốt.

Bối cảnh thế giới mới, với những chuyển động về địa chính trị, địa kinh tế và sự phát triển bứt phá của cách mạng công nghệ, đặt ra các cơ hội và thách thức đan xen.

Nhưng, tựu trung lại, những năm tới sẽ là giai đoạn mang tính thời cơ chiến lược đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển của đất nước. Do đó, quan hệ đối ngoại vừa cần tập trung phục vụ cho việc vươn mình của dân tộc, đạt được các mục tiêu 100 năm vào 2030 và 2045, vừa bảo đảm việc bảo vệ tổ quốc từ sớm từ xa, cũng như nâng cao vị thế.

Trong chính sách đối ngoại của mình, Việt Nam luôn ưu tiên quan hệ với láng giềng khu vực, các nước lớn và các đối tác chủ chốt, trong đó có ưu tiên quan hệ với Mỹ.

Quan hệ Việt - Mỹ đã được nâng lên tầm ĐTCLTD, đã và đang mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới, trên tất cả các lĩnh vực và phục vụ lợi của mỗi nước. Chắc chắn, quan hệ hai nước sắp tới sẽ tiếp tục đà phát triển mạnh mẽ, khi 2025 sẽ là năm kỷ niệm 30 năm quan hệ ngoại giao. Mặt khác quan hệ Việt - Mỹ luôn được sự ủng hộ của cả hai đảng lớn ở Mỹ.

pqv1q9

Bản thân Tổng thống Trump cũng đã có những ấn tượng mang tính dấu ấn cá nhân với Việt Nam thông qua rất nhiều các tiếp xúc và hai lần tới thăm Việt Nam, vào 2017 và 2019. Sau khi đắc cử lần này, ông cũng đã có cuộc điện đàm với Tổng Bí thư Tô Lâm, tiếp tục thể hiện tình cảm cá nhân và việc coi trọng quan hệ hai nước.

Cùng với tiếp tục thúc đẩy đà quan hệ giữa hai nước, Việt Nam cũng đồng thời phải chú ý những điều chỉnh của chính quyền mới của ông Trump, như về cán cân thương mại, cạnh tranh nước lớn hay điều chỉnh với khu vực nói chung. Một mặt chúng ta tiếp tục các ưu tiên kinh tế thương mại công bằng và cùng có lợi, phù hợp với thông lệ quốc tế, tăng cường thuận lợi hóa môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam, cũng như tranh thủ mở rộng hợp tác hai nước trên các lĩnh vực mới về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Ưu tiên của chúng ta là xử lý quan hệ, cũng như các vấn đề mới thông qua đối thoại, hiểu biết tin cậy và trên cơ sở lợi ích hài hòa với cả hai bên, vừa tiếp tục thúc đẩy xây dựng lòng tin, mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực, qua cả các kênh song phương và đa phương, trên cơ sở cùng có lợi và vì hòa bình, hợp tác, phát triển ở khu vực.

Đại sứ Phạm Quang Vinh - nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ

Cùng chuyên mục

Trực tiếp Việt Nam vs Thái Lan (Chung kết AFF Cup): Quyết tâm vô địch trên đất Thái

Chủ nhật, 05/01/2025 12:22
Trận chung kết lượt về AFF Cup 2024 giữa Việt Nam vs Thái Lan sẽ diễn ra lúc 20h00 ngày 5/1.

Sự kiện hiếm vừa xảy ra giữa Nga-Ukraine: 8 phút kịch tính hé lộ chiến tích không tưởng, gây sốt khắp MXH

Chủ nhật, 05/01/2025 11:57
Một sự kiện hiếm hoi vừa được ghi nhận trong cuộc xung đột Nga-Ukraine, "gây sốt" khắp mạng xã hội hai nước.

Lộ tuyến đường lạ đưa hàng Trung Quốc vào Mỹ, ông Trump chuẩn bị đòn giáng vào Bắc Kinh: Giờ G sắp điểm

Chủ nhật, 05/01/2025 11:39
Các công ty Trung Quốc đã né tránh thuế quan của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump. Ông Trump có thể làm được gì ở nhiệm kỳ tiếp theo?

Nóng: Thiều Bảo Trâm chia tay bạn trai kém tuổi

Chủ nhật, 05/01/2025 11:19
Nhiều cư dân mạng tiếc nuối cho chuyện tình của cặp đôi.

Bức ảnh lật tẩy nhan sắc thật của nữ thần thanh xuân hút 200 triệu lượt xem

Chủ nhật, 05/01/2025 11:08
Nhan sắc của nữ diễn viên trong những bức ảnh trên phim trường gây xôn xao MXH.
     
Nổi bật trong ngày

Xử phạt tài xế xe biển xanh "đi bão" sau trận chung kết Việt Nam - Thái Lan

Thứ 7, 04/01/2025 10:33
Trường hợp vi phạm chở người trên nóc xe của anh T. bị phạt tiền từ 4.000.000 - 6.000.000 đồng, và bị trừ 6 điểm trên giấy phép lái xe.

Hot nhất MXH: Triệu Lệ Dĩnh tỏ thái độ coi thường Lâm Canh Tân, nhất quyết không chịu đi chung thảm đỏ

Thứ 7, 04/01/2025 17:35
Đoàn phim Dữ Phượng Hành tham dự sự kiện nhưng Triệu Lệ Dĩnh không đi chung với các bạn diễn, trong đó có Lâm Canh Tân.

Động trời xứ tỷ dân: Đinh Vũ Hề 2 lần làm 1 điều với Ngu Thư Hân trên sân khấu, khiến cả dàn sao Cbiz đỏ mặt hú hét

Chủ nhật, 05/01/2025 01:14
Khoảnh khắc lãng mạn, ngọt đến mức tiểu đường của Ngu Thư Hân và Đinh Vũ Hề tại đêm sự kiện Tinh Quang Đại Thưởng đang viral khắp MXH.

Bắt Trần Thị Kim và tìm các bị hại

Thứ 7, 04/01/2025 11:28
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Nam thông báo ai là bị hại của bà Trần Thị Kim tiếp tục liên hệ để trình báo.

Cảnh tượng xảy ra trong đêm khiến nhiều người bật khóc: Cha mẹ sẽ không bao giờ biết được con cái yêu mình đến nhường nào

Thứ 7, 04/01/2025 18:41
Tình yêu của trẻ nhỏ không phải người lớn nào cũng hiểu được.
xe.nguoiduatin.vn