Theo ước tính gần đây của Văn phòng Tình báo Hải quân Mỹ (ONI), ngành đóng tàu Trung Quốc có công suất gấp hơn 230 lần so với Mỹ, chiếm khoảng 50% tổng công suất đóng tàu toàn cầu.
Các xưởng đóng tàu lưỡng dụng - nơi đóng cả tàu thương mại và tàu quân sự - đã được nâng cấp nhờ vị thế ngày càng tăng của Trung Quốc với tư cách là nhà đóng tàu lớn nhất thế giới.
Và ngành công nghiệp đó của Trung Quốc đang góp phần xây dựng một lực lượng hải quân hùng mạnh. Hải quân Trung Quốc "là lực lượng hải quân lớn nhất thế giới với lực lượng chiến đấu gồm hơn 370 tàu chiến, bao gồm các tàu chiến mặt nước cỡ lớn, tàu ngầm, tàu đổ bộ vượt đại dương, tàu chiến chống mìn, tàu sân bay và tàu phụ trợ của hạm đội", Lầu Năm Góc cho biết trong báo cáo về sức mạnh quân sự của Trung Quốc vào mùa thu năm ngoái. Và con số đó không bao gồm khoảng 60 tàu chiến tuần tra lớp Houbei mang theo tên lửa hành trình chống hạm.
Mỹ đặc biệt lưu ý rằng, việc tăng cường sức mạnh hải quân của Trung Quốc là một điểm đáng lo ngại trong bối cảnh Lầu Năm Góc công nhận quân đội Trung Quốc là "thách thức về tiến độ" và là động lực thúc đẩy quân đội Mỹ quyết định chuyển trọng tâm sang Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Các tàu hải quân của Trung Quốc đang được chế tạo với tốc độ đáng kinh ngạc, tự tin về năng lực ngày càng tiên tiến, đôi khi còn thể hiện những bước nhảy vọt ấn tượng về công nghệ. Lầu Năm Góc ước tính rằng, đến năm 2030, Hải quân Trung Quốc sẽ có tổng cộng 435 tàu chiến, trong đó tăng số lượng đáng kể nhất là "tàu chiến mặt nước cỡ lớn".
Các xưởng đóng tàu góp phần xây dựng hải quân Trung Quốc
Theo Business Insider (BI), Trung Quốc có bốn xưởng đóng tàu với năng lực chế tạo nổi bật: Dalian ở đông bắc Trung Quốc, Huangpu Wenchong gần Hồng Kông, các xưởng Jiangnan và Hudong-Zhonghua gần Thượng Hải. Cả bốn xưởng đóng tàu này đều do các công ty con của Tổng công ty đóng tàu nhà nước Trung Quốc (CSSC) điều hành và chế tạo nhiều loại tàu cho quân đội Trung Quốc trong khi vẫn đạt được lợi nhuận kỷ lục trong lĩnh vực đóng tàu thương mại.
Các xưởng đóng tàu đáng chú ý khác bao gồm Bohai - nơi đóng tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc, và Vũ Xương - nơi đóng tàu tuần tra hàng hải cỡ lớn Haixun 06 của Cảnh sát biển Trung Quốc. Ngoài ra, còn có hàng chục xưởng đóng tàu trên khắp Trung Quốc tham gia chế tạo tàu quân sự.
Theo BI, các cơ sở đóng tàu ở Thượng Hải đặc biệt đáng chú ý. Xưởng đóng tàu Jiangnan là nơi chế tạo nhiều tàu chiến hiện đại của Hải quân Trung Quốc, bao gồm tàu sân bay thứ ba của nước này CNS Fujian với hệ thống phóng máy bay mới, cùng các tàu khu trục Type 055 và Type 052.
Trong khi đó, xưởng đóng tàu Hudong-Zhonghua đã chế tạo một số tàu chiến mặt nước khác của Hải quân Trung Quốc, chẳng hạn như tàu tấn công đổ bộ Type 075, tàu vận tải đổ bộ Type 071 và khinh hạm Type 054.
Nhưng "viên ngọc quý" của ngành đóng tàu Trung Quốc là Đảo Changxing - một phần của đợt đại cải tổ chứng kiến sự sáp nhập của xưởng đóng tàu Jiangnan mới mở rộng gần đây và xưởng đóng tàu Hudong-Zhonghua. Trung Quốc đã di dời một xưởng đóng tàu để thực hiện việc này, và họ đã làm như vậy trong khi vẫn chế tạo tàu.
"Thật ấn tượng; đó là cách làm việc rất Trung Quốc", Brian Hart - thành viên của Dự án Sức mạnh Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington - cho biết.
"Tôi không nghĩ bất kỳ quốc gia nào khác có quy mô và nguồn lực để chỉ cần tiếp quản và về cơ bản di dời một cơ sở công nghiệp khổng lồ như vậy."
Dự án Sức mạnh Trung Quốc tại CSIS đã theo dõi sát sao những diễn biến trong ngành đóng tàu của Trung Quốc, bao gồm hoạt động tại các xưởng đóng tàu và sự ra đời của những con tàu mới.
Việc kết hợp hai xưởng đóng tàu lớn của Trung Quốc để xây dựng xưởng đóng tàu Đảo Changxing là "dấu hiệu rõ ràng nhất" về một trong những thế mạnh lớn nhất của Trung Quốc trong ngành đóng tàu, Matthew Funaoile - thành viên cấp cao của Dự án Sức mạnh Trung Quốc tại CSIS – cho biết và giải thích rằng "Trung Quốc đang tìm cách để tiếp tục hiệu quả hơn và năng suất hơn, và đang tận dụng năng lực công nghiệp của mình để hiện đại hóa hải quân."
Trung Quốc gọi hoạt động tại Đảo Changxing là "cơ sở đóng tàu" và hình ảnh vệ tinh gần đây cho thấy quá trình xây dựng xưởng đóng tàu rất quy mô.
Theo BI, tàu tấn công lớp Yulan đầu tiên - có hệ thống phóng máy bay cánh cố định - đang được chế tạo tại đó. Khi hoàn thành, con tàu được gọi là Type 076 này sẽ là tàu tấn công đổ bộ lớn nhất thế giới.
Không chỉ có tàu chiến
Tuy nhiên, theo BI, điều khiến một số xưởng đóng tàu của Trung Quốc trở nên quan trọng không chỉ là bởi sự ra đời của các tàu quân sự, mặc dù là phần lớn trong số đó; mà còn là năng lực đóng tàu thương mại.
Ví dụ, tại các xưởng đóng tàu Đảo Changxing và Dalian, các công ty đóng tàu Trung Quốc cũng đang nhanh chóng chế tạo tàu thương mại.
Theo BI, bản chất lưỡng dụng của các xưởng đóng tàu là một yếu tố độc đáo trong thành công của ngành đóng tàu Trung Quốc, và các khoản đầu tư lớn để nâng cao năng lực chế tạo của những xưởng đóng tàu này cho thấy người Trung Quốc tập trung vào cả việc xây dựng lực lượng hải quân và tiếp tục vai trò thống trị của mình trong ngành vận tải biển và đóng tàu.
"Những khoản đầu tư này cho thấy Trung Quốc đang theo đuổi mục tiêu lâu dài khi nói đến đóng tàu, cả thương mại và hải quân", chuyên gia Hart đến từ CSIS nói.
Hữu Hiển