Năm 1963, đồng chí Phùng Thế Tài được bổ nhiệm làm Tư lệnh bộ đội Phòng không - Không quân. Đây là một quân chủng mới gồm có 3 binh chủng: Cao xạ có 11 trung đoàn; Ra đa có 3 trung đoàn và Không quân có 3 trung đoàn, trong đó có một trung đoàn không quân tiêm kích được trang bị máy bay MIG 17A đang học tập ở nước ngoài.
Sau khi nhận nhiệm vụ mới, đồng chí Phùng Thế Tài được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong buổi tiếp xúc ấy, Người đã hỏi đồng chí Phùng Thế Tài:
- "Chú đã biết gì về B.52 chưa?
Thấy đồng chí Tài lúng túng, Bác cười độ lượng rồi nói:
- Nói thế thôi chứ chú có biết cũng chưa làm gì được nó. Nó bay cao trên 10 cây số mà trong tay chú hiện nay mới chỉ có cao xạ thôi. Nhưng ngay từ bây giờ, là tư lệnh bộ đội phòng không chú phải theo dõi chặt chẽ và thường xuyên quan tâm đến loại máy bay này".
Cuối cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, quân đội ta mới có ít các đơn vị cao xạ, nhưng đã bắn hạ được một số máy bay địch trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
Sau khi miền Bắc được giải phóng, tháng 3-1957, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết 12 về xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng và xác định phương châm xây dựng quân đội ta: "Tích cực xây dựng một quân đội nhân dân hùng mạnh, tiến dần từng bước lên chính quy và hiện đại hoá". Để đào tạo đội ngũ cán bộ, ngoài việc xây dựng hệ thống các trường quân sự ở trong nước, từ năm 1955 đến 1964, chấp hành chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Quốc phòng đã cử hơn 4000 người đi học ở nước ngoài.
Ngày 21-3-1958, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Bộ Tư lệnh Phòng không, lúc đó mới có 6 trung đoàn cao xạ.
Tháng 8-1958, Trung đoàn 4 thuộc Bộ Tư lệnh Phòng không được tổ chức thành Trung đoàn tình báo phòng không mang phiên hiệu 260, gồm có 6 đại đội trang bị Rađa P8, 3 đại đội quan sát bằng mắt, đây là trung đoàn ra đa đầu tiên. Ngày 1-3-1959, các đài ra đa của trung đoàn này đã phát sóng trên toàn mạng ở Điện Biên Phủ (Lai Châu), Đồ Sơn (Hải Phòng), Tùng Quang (Nam Định), Quảng Xương (Thanh Hoá), Điền Lư (Nam Quân khu 4).
Ngày 3-2-1964, Quân đội ta thành lập Trung đoàn Không quân tiêm kích đầu tiên mang phiên hiệu 921, lúc này ta mới có 160 phi công và 36 máy bay phản lực (trong đó có 32 chiếc MIG17, và 4 chiếc MIG15). Sau đó hơn 1 năm, Trung đoàn Không quân tiêm kích thứ hai 923 được thành lập.
Ngày 7-1-1965, Trung đoàn tên lửa SAM2 đầu tiên mang phiên hiệu 236 được thành lập. Chỉ 6 tháng sau, vào ngày 24-7, hai tiểu đoàn 63 và 64 của trung đoàn này đã đánh thắng trận đầu, bắn rơi chiếc máy bay F4C của không quân Mỹ tại Suối Hai.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Lê Duẩn, đồng chí Võ Nguyên Giáp và các đồng chí lãnh đạo khác của Đảng, Nhà nước và Quân đội đã rất quan tâm đến sự kiện này, bởi vì tên lửa SAM2 là một trong những đối thủ đáng gờm của B.52. Ngày 19-7-1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với một số đồng chí lãnh đạo cấp cao đã đến thăm đoàn Xung Kích và đại đội 1 đoàn Tam Đảo phòng không đang chuẩn bị đi chiến đấu bảo vệ tên lửa ra quân trận đầu. Tại đây, Người căn dặn: "Phải làm sao đánh tiêu diệt được chúng. Vừa qua súng của ta không phải ít nhưng chưa đánh tiêu diệt được... Không phải ta thiếu cảnh giác. Vấn đề là ở chỗ tinh thần của con người phải truyền qua súng, tức là làm sao phải có kỹ thuật giỏi... Bộ đội Phòng không - Không quân có nhiều binh chủng hợp thành, lúc đánh phải hiệp đồng cho tốt... Phải tin tưởng vững chắc là ta nhất định thắng, Mỹ nhất định phải thua... Phải khẳng định rằng: Dù đế quốc Mỹ có lắm súng, nhiều tiền. Dù chúng có B.57, B.52 hay "bê" gì đi chăng nữa ta cũng đánh. Từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ chứ nhiều hơn nữa ta cũng đánh, mà đã đánh là nhất định thắng".
Ngày 18-6-1965, Sư đoàn không quân, thuộc Bộ tư lệnh không quân chiến lược Mỹ đã tổ chức cho 30 máy bay B.52 từ đảo Guam vượt chặng đường 8850 kilômét để đến ném bom rải thảm ở khu Bến Cát, tây bắc Sài Gòn. Từ trận đánh đầu tiên đó, máy bay B.52 ngày càng hoạt động mạnh theo nhịp độ phát triển của cuộc chiến tranh.
Ngày 12-4-1966, đế quốc Mỹ lần đầu tiên đưa máy bay B.52 ra đánh miền Bắc, chúng đánh hủy diệt đèo Mụ Giạ. Sau trận đó, Mỹ thường xuyên cho B.52 ra đánh phá khu vực Vĩnh Linh, gây nhiều tội ác với đồng bào ta.
Bác Hồ thường xuyên theo dõi tin tức về các trận B.52 ra miền Bắc. Người đã nhiều lần gọi đồng chí Phùng Thế Tài lên để hỏi về thiệt hại của ta do B.52 của địch gây ra và việc phòng tránh của nhân dân. Đồng chí Phùng Thế Tài kể lại:
"Có lần Bác hỏi tôi:
B.52 nó ra miền Bắc rồi đấy, chú nghĩ sao? Thưa Bác, đề nghị Bác cho chúng tôi đưa tên lửa vào quất cho chúng nó một trận. Đúng - Muốn bắt cọp thì phải vào tận hang, chú cứ về suy nghĩ thêm đi và tranh thủ trao đổi với các đồng chí xung quanh. Thế còn B.52 đâu? Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B.52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua. Chú nhớ là trước khi thua ở Triều Tiên, Mỹ đã hủy diệt Bình Nhưỡng. Ở Việt Nam, Mỹ sẽ nhất định thua. Nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội.
Hầu như không suy nghĩ, tôi đáp ngay:
... Tôi thấy Bác trầm ngâm suy nghĩ một lúc rồi thong thả nói:
Chấp hành chỉ thị của Bác, tháng 4-1966 Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân giao nhiệm vụ cho Trung đoàn 238, Trung đoàn tên lửa thứ hai của quân đội ta vào Vĩnh Linh. Để đưa được vũ khí, khí tài vào tuyến lửa thật là khó khăn, cả 4 tiểu đoàn tên lửa của ta đều bị địch đánh quyết liệt, các tiểu đoàn 83, 84 gần như mất sức chiến đấu, vũ khí, khí tài bị hỏng, lại trở ra nhận vũ khí mới tiếp tục vào xây dựng trận địa, tổ chức nghi binh, giấu quân, kiên trì luyện tập và mai phục, quyết tâm hạ bằng được máy bay B.52 của địch.
Quyết tâm bắn hạ B.52, bảo vệ bình yên bầu trời Thủ đô
Ngày 19-5-1967, đồng chí Tư lệnh Phòng không - Không quân lên chúc thọ Bác và báo tin chiến thắng của quân và dân Hà Nội - bắn rơi 10 máy bay Mỹ, có một chiếc rơi ngay trên đường phố Lê Trực. Bác rất vui, Người khen ngợi quân và dân Hà Nội. Tiếp đó Bác hỏi đồng chí Phùng Thế Tài:
Điều khổ tâm lớn nhất lúc này của cán bộ, chiến sĩ quân chủng Phòng không - Không quân là chưa hạ được B.52 để báo cáo với Bác. Các đơn vị tên lửa của ta vào Vĩnh Linh từ tháng 4-1966, mãi hơn 1 năm sau, vào ngày 17-9-1967, lúc 17 giờ 3 phút, Tiểu đoàn 84, Trung đoàn 238 do đồng chí Nguyễn Đình Phiên chỉ huy đã bắn rơi chiếc B.52 đầu tiên. Tin vui này được đồng chí Tư lệnh quân chủng báo cáo ngay lên Bác.
Ngày 20-9-1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thưởng Huân chương Quân công hạng Nhì cho Tiểu đoàn 84 và gửi thư khen đồng bào và chiến sĩ Khu IV lần đầu tiên bắn rơi máy bay B.52 của Mỹ trên miền Bắc. Tối hôm đó, đồng chí Tư lệnh Phòng không - Không quân được Bác gọi lên báo cáo.
Đồng chí Phùng Thế Tài kể lại:
"Ngay phút đầu tiên Bác đã hỏi về B.52, nét mặt Bác trở nên trầm ngâm:
Bác dạy: - Phải dự kiến trước hết mọi tình huống càng sớm càng tốt, để có thời gian mà suy nghĩ, mà chuẩn bị.
Cuối cùng, cũng với vẻ mặt trầm ngâm Bác nói thêm:
Bác nhìn ra cửa sổ, chỉ tay lên bầu trời nói tiếp:
Thực hiện lời dạy của Bác, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đã nhanh chóng xây dựng lực lượng. Bước vào năm 1968, lực lượng phòng không của ta đã có 11 trung đoàn tên lửa, 2 trung đoàn không quân tiêm kích trang bị máy bay MIG17 và MIG21.
Ngày 20-11-1971, phi công Vũ Đình Rạng thuộc Trung đoàn 921 đã lái MIG 21, cất cánh từ sân bay dã chiến ở Anh Sơn, Nghệ An, bắn bị thương một máy bay B.52. Ngày 19-4-1972, phi công Lê Văn Dị và Nguyễn Văn Bảy thuộc Trung đoàn 923 đã lái máy bay MIG17, cất cánh từ sân bay Gát (Đồng Hới) đánh bị thương tàu khu trục của hạm đội 7 Mỹ, khi chúng xâm phạm vùng biển miền Bắc nước ta.
Đến giữa năm 1972, dân quân, tự vệ miền Bắc đã có hàng chục đại đội được trang bị pháo cao xạ, 170 đại đội, trung đội được trang bị súng máy cao xạ, 20 đại đội trang bị pháo 85 ly để đánh tàu chiến của địch ở ven biển.
Có thể nói lưới lửa phòng không của ta ở miền Bắc là rất mạnh; tầng thấp thì có hàng ngàn trận địa của các lực lượng vũ trang địa phương, tầng trung thì có nhiều sư đoàn cao xạ được trang bị khá mạnh; tầng cao thì có 14 trung đoàn tên lửa và 2 trung đoàn không quân tiêm kích, từng hạ được nhiều máy bay các loại của Mỹ.
Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hổ Chí Minh: "Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B.52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua", trước những diễn biến của tình hình đấu tranh quân sự trên chiến trường và đấu tranh ngoại giao tại Hội nghị Paris, tháng 7 năm 1972, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trực tiếp làm việc với Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân, Tư lệnh các binh chủng Rađa, Tên lửa, Không quân, Sư đoàn trưởng Sư đoàn phòng không Hà Nội để xác định phương án tác chiến chiến dịch phòng không đánh B.52 bảo vệ Hà Nội.
Tháng 9-1972, Bộ Tổng Tham mưu và Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân làm xong kế hoạch chiến dịch gồm một số vấn đề cơ bản như: Phán đoán âm mưu, thủ đoạn, hướng và mục tiêu tấn công của địch; quyết định sử dụng lực lượng và cách đánh của ta. Tiếp sau đó Quân chủng tổ chức Hội nghị, các trắc thủ rađa toàn quân, tập trung nắm những đặc điểm của nhiễu B.52, khả năng phát hiện của từng loại rađa, xây dựng quy trình bắt B.52 trong nhiễu. Sau Hội nghị này vào đầu tháng 11-1972, Quân chủng tiếp tục tổ chức "Hội nghị bàn cách đánh B.52" của Bộ đội tên lửa.
Có thể khẳng định rằng, việc chuẩn bị cho chiến dịch Phòng không đã được hoàn tất rất chu đáo từ cấp chiến dịch, chiến thuật đến từng người lính pháo binh, ra đa, tên lửa, phi công và lực lượng dân quân tự vệ. Song song với công tác chuẩn bị tác chiến, Đảng bộ Hà Nội đã lãnh đạo tổ chức đưa được 80 đến 90% số người cần sơ tán ra khỏi những nơi địch uy hiếp. Riêng trong chiến dịch đánh B.52, Hà Nội đã huy động 182 xe ca, 54 xe tải liên tục vận chuyển nhân dân không thu vé đưa gần 30 vạn người ra khỏi thành phố. Cùng với các phương tiện do nhân dân tự túc đã đưa 50/65 vạn dân Hà Nội về nơi sơ tán an toàn.
Ngày 17-10, Tổng thống Mỹ Ních-xơn gửi điện cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói rằng: "Hiệp định hiện nay đã coi như hoàn chỉnh. Có thể tin ở chúng tôi là sẽ ký kết được vào ngày 31-10", thế nhưng sau khi Kitxinggơ gặp Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu, chính quyền Ních-xơn đã lật lọng.
Ngày 26-10, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã chủ động công bố nội dung Hiệp định Hòa bình, các điều khoản chung và lịch ký kết ngày 31-10, đồng thời khẳng định rằng phía Mỹ âm mưu duy trì chế độ Sài Gòn và kéo dài chiến tranh.
Ngày 14-12-1972, Nich-xơn ra lệnh "Tiếp tục thả mìn cảng Hải Phòng và tiến công bằng B.52 vào khu Hà Nội, Hải Phòng, ba ngày sau lệnh sẽ có hiệu lực".
Trước những diễn biến sôi động và phức tạp của tình hình trên chiến trường và trên bàn Hội nghị Pari. Ngay từ ngày 25-11-1972, Quân ủy Trung ương đã ra "Chỉ thị tăng cường sẵn sàng chiến đấu", đề phòng địch có thể ném bom bắn phá từ vĩ tuyến 20 trở ra. Đặc biệt là chúng có thể liều lĩnh dùng B.52 đánh phá Hà Nội, Hải Phòng và những trọng điểm khác trên miền Bắc.
Ngày 17-12 Bộ Tổng tư lệnh ra lệnh cho Bộ đội Phòng không - Không quân chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao nhất, đề phòng máy bay B.52 đánh đêm từ vĩ tuyến 20 trở ra.
Đêm 18-12, đế quốc Mỹ cho 90 lần chiếc B.52, 163 lần chiếc máy bay chiến thuật ầm ầm xé nát bầu trời bay vào Hà Nội, mở đầu cho chiến dịch LinebacKer II, chúng cho rằng "Hà Nội sẽ bị bất ngờ! Hà Nội sẽ không chịu nổi sức mạnh của một Hirôsima không có bom nguyên tử". Bởi chúng tin rằng kỹ thuật gây nhiễu của chúng sẽ làm mờ mắt các trắc thủ rađa của ta, nỗi đe dọa đối với chúng chỉ là hơn 100 máy bay MIG, nhưng trước đó 30 phút, máy bay F111- loại máy bay hiện đại và đắt tiền nhất của Mỹ đã tập kích quyết liệt xuống hầu hết các sân bay của ta.
Nhưng Hà Nội, Hải Phòng đã xây dựng thế trận vững chắc, chủ động và sẵn sàng nghênh chiến! Chúng không thể ngờ rằng trước đây hơn 5 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dự báo tình huống này, và suốt 5 năm ấy quân và dân ta đã âm thầm chuẩn bị cho trận đánh cuối cùng này.
Chiến dịch LinebacKer của Mỹ kéo dài từ 18 đến 29-12-1972, chúng đã huy động 835 lần chiếc B.52, hơn 1400 lần chiếc máy bay chiến thuật, có gần 100 lần chiếc máy bay F111 để đánh phá Hà Nội, Hải Phòng và một số nơi trên miền Bắc.
Quân và dân ta đã bắn rơi 81 máy bay Mỹ, trong đó có 34 máy bay B.52, 5 máy bay F111, làm nên một trận "Điện Biên Phủ" trên bầu trời Hà Nội.
Nếu trận Điện Biên Phủ năm 1954 đã chấm dứt ách đô hộ của thực dân Pháp trên đất nước ta hơn 80 năm, mở đầu thời kỳ chôn vùi vĩnh viễn chủ nghĩa thực dân của Pháp trên phạm vi toàn thế giới, thì trận "Điện Biên Phủ trên bầu trời Hà Nội" năm 1972 đã góp phần buộc Mỹ phải ký kết Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam và phải cuốn cờ rút hết quân Mỹ và quân đồng minh ra khỏi nước ta. Vậy là sau 117 năm nước ta không còn bóng một tên xâm lược.
Trận Điện Biên Phủ năm 1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dự báo nó qua truyện ký "Giấc ngủ 10 năm" từ năm 1949, còn trận "Điện Biên Phủ" năm 1972, Người đã trực tiếp nói với đồng chí Tư lệnh Phòng không - Không quân Phùng Thế Tài trước 5 năm để mà suy nghĩ mà chuẩn bị. 5 năm chuẩn bị cho một trận đánh cuối cùng ngay trên bầu trời Hà Nội ngàn năm văn hiến của chúng ta./.
Đại tá Nguyễn Huy Toàn - Nhà nghiên cứu Lịch sử - Văn hóa quân sự, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam