Từ ngày 1/1/2025, Nghị định 176/2024/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực. Nghị định này cho phép Bộ Công an chi hỗ trợ cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin phản ánh hành vi vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông.
Theo đó, mức chi cho nội dung này không quá 10% số tiền xử phạt vi phạm hành chính và tối đa là 5 triệu đồng/vụ việc. Cục CSGT đang xây dựng quy định cụ thể để hướng dẫn chi trả cho người cung cấp thông tin vi phạm và tiêu chí trả cho từng nội dung.
Những ngày gần đây, mạng xã hội xuất hiện nhiều bài đăng liên quan đến nội dung này.
Rao bán clip ghi lại cảnh vi phạm của người tham gia giao thông
Thông tin trên báo Tuổi trẻ Online, ngày 4/1, trên mạng xã hội có hàng trăm bài viết với nội dung rao bán clip vi phạm hành chính về trật tự giao thông, thu hút rất nhiều lượt tương tác.
Tài khoản Facebook tên Đ.Đ. đăng tải thông tin: "Do kẹt tiền cần bán gấp 20 clip vượt đèn đỏ, 12 clip ô tô biển đa dạng, 8 clip xe máy biển 59".
Tài khoản Facebook tên P.Đ.A. đăng tải nội dung "Kẹt tiền cần bán gấp 16 clip vượt đèn đỏ, thông tin ngày giờ đầy đủ, bạn nào mua inbox mình".
"Kẹt tiền cần bán gấp 5 clip vượt đèn đỏ. 3 clip xe máy, 2 clip oto. Giá bao thị trường cho anh em", tài khoản V.K. viết.
Trong khi đó, một tài khoản Facebook khác cũng đăng tải nội dung "Kẹt tiền cần bán gấp 15 clip vượt đèn đỏ. 12 clip xe máy 3 clip ô tô. Giá bao thị trường cho ae".
"Kẹt tiền bán gấp 30 clip vượt đèn đỏ, 10 clip ô tô, 10 clip xe máy, 10 clip nồng độ cồn, giá cả thương lượng", tài khoản Facebook T.T. viết.
Xâm phạm quyền riêng tư?
Nêu quan điểm về việc rao bán clip ghi lại cảnh vi phạm của người tham gia giao thông trên báo Dân trí, luật sư Hà Thị Khuyên, Văn phòng Luật sư Nhân Chính (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) nhận định, nếu hành động là có thật, người bán đã xâm phạm quyền riêng tư của người khác.
Trích dẫn Điều 21 Hiến pháp Việt Nam, luật sư cho biết đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; danh dự, uy tín cũng như thư tín, điện thoại, điện tử, các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác đều được pháp luật bảo vệ, không ai được xâm phạm trái luật.
Đồng thời, khoản 2 Điều 38 Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng quy định, không ai được phép thu thập, sử dụng, công khai các thông tin liên quan đến quyền riêng tư của người khác mà không được người đó đồng ý trừ các trường hợp được cho phép.
Cùng nhận định về vấn đề trên, luật sư Trần Thị Thanh Thảo (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết trên Tuổi trẻ Online, việc cung cấp thông tin phản ánh hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông phải được trình báo đến các cơ quan có thẩm quyền, phải tuyệt đối đảm bảo không được vi phạm quyền được bảo vệ cuộc sống riêng tư, bí mật cá nhân.
"Hành vi của những cá nhân sử dụng tài khoản Facebook để rao bán thông tin vi phạm của người khác lên mạng xã hội đã vi phạm vào điều 38 Bộ luật Dân sự 2015. Thậm chí hành vi nêu trên còn vi phạm quyền con người trong điều 21 của Hiến pháp", luật sư Thảo phân tích.
Luật sư Thảo khẳng định, từ những quy định trên có thể thấy việc đăng tải rao bán công khai video vi phạm giao thông có dấu hiệu vi phạm pháp luật theo điều 159 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017.
Theo điều 159 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 quy định về tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 20 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm.