Đức - quốc gia có nền kinh tế lớn nhất châu Âu, đã quyết định loại bỏ các linh kiện do Huawei và ZTE sản xuất ra khỏi mạng lưới 5G của mình. Bộ trưởng Nội vụ Nancy Faeser cho biết quyết định này sẽ tiến hành theo 2 bước và bước đầu tiên bắt đầu từ năm 2026.
Bộ trưởng Nancy Faeser nói với các phóng viên tại Berlin rằng, "Chúng tôi đã đạt được thỏa thuận rõ ràng và nghiêm ngặt với các công ty viễn thông", và ca ngợi thỏa thuận này như một biện pháp bảo vệ quan trọng cho an ninh số của nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
Thỏa thuận này được đưa ra sau các cuộc thảo luận giữa Bộ Nội vụ và các công ty viễn thông như Deutsche Telekom, Vodafone và Telefonica Deutschland, nhằm bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng của Đức trước ảnh hưởng từ Trung Quốc, vốn được coi là một nguy cơ an ninh tiềm tàng.
Bà Faeser cho biết Berlin đã thông báo cho Bắc Kinh về thỏa thuận này và bà không mong đợi bất kỳ sự trả đũa nào từ phía Trung Quốc đối với việc hạn chế sử dụng công nghệ Trung Quốc.
Tuy nhiên, đại sứ quán Trung Quốc tại Đức nói nếu Huawei bị hạn chế hoặc bị loại bỏ, sẽ không tránh khỏi hậu quả, và gọi kế hoạch của Berlin là "một nỗ lực tàn nhẫn" nhằm ngăn chặn cạnh tranh và thúc đẩy công nghệ của chính mình. "Những nguy cơ được cho là đe dọa an ninh mạng chỉ là cái cớ. Thực tế là: Chưa có bất kỳ quốc gia nào cung cấp bằng chứng cụ thể về mức độ nguy hiểm của thiết bị Huawei với an ninh," đại sứ quán Trung Quốc cho biết vào thứ 5, trong phản hồi đối khi được yêu cầu bình luận về các báo cáo về kế hoạch của Đức.
Bộ trưởng Đức không cung cấp thêm chi tiết về thỏa thuận.
Kế hoạch loại bỏ đã được hoàn thiện; với giai đoạn đầu tiên, các nhà khai thác sẽ loại bỏ công nghệ được tạo ra bởi Trung Quốc khỏi mạng lõi của các trung tâm dữ liệu 5G vào năm 2026. Trong giai đoạn thứ hai, các nhà sản xuất Trung Quốc của các bộ phận như ăng-ten, dây truyền tải và tháp phát song sẽ bị loại trừ vào năm 2029.
Đức được coi là quốc gia chậm trễ trong việc thực hiện các biện pháp an ninh của Liên minh châu Âu đối với mạng lưới 5G. Các nhà khai thác viễn thông trong nước luôn chống lại những nỗ lực của loại trừ Huawei của Berlin vì chi phí đắt đỏ.