Sáng 18/11, Toà án Nhân dân tỉnh Thái Bình tiếp tục mở phiên xét xử Nguyễn Xuân Đường (Đường "Nhuệ", SN 1971, TP.Thái Bình, Thái Bình) cùng đàn em về tội Cưỡng đoạt tài sản, liên quan đến vụ ăn chặn tiền hoả táng.
Khi được HĐXX cho phép nói tại bục khai báo, bị cáo Đường "Nhuệ" đã trình bày lan man, không tập trung vào các vấn đề chính của vụ án. Đơn cử như việc bị cáo này nói rất nhiều về bữa liên hoan khi họp mặt các thành viên trong Hiệp hội tang lễ Thái Bình do Đường lập nên.
Do đó, HĐXX rất nhiều lần yêu cầu bị cáo không nói lan man, chỉ tập trung vào vấn đề chính. "Bị cáo không trình bày lan man về việc mời ăn liên hoan, tại bữa ăn có những món gì. HĐXX đề nghị bị cáo trình bày ngắn gọn vào nội dung chính", đại diện HĐXX đề nghị.
Trình bày trước tòa hôm nay, Đường “Nhuệ” cho biết được các cơ sở dịch vụ tang lễ tha thiết đề nghị làm Chủ tịch Hiệp hội tang lễ Thái Bình.
Theo bị cáo Nguyễn Xuân Đường, mọi người tha thiết mời mình vào làm để họ làm ăn yên ổn, nhờ đứng lên để bảo vệ họ nhưng thời điểm đó Đường im lặng.
“Lợi nói bây giờ chỉ cần bị cáo đứng lên, lấy tên bị cáo để mọi người dựa vào, không ai bắt nạt, Lợi là người giúp chính các công việc” - Đường “Nhuệ” khai.
Bị cáo Nguyễn Xuân Đường khai các cơ sở dịch vụ tang lễ đưa ra ý tưởng tất cả các ca hỏa táng khi có sẽ báo về một số điện thoại, từ đó sẽ báo về tổng đài, giờ Hiệp hội tang lễ Thái Bình thành lập riêng thì có số điện thoại riêng.
“Bị cáo nói chuyện này không làm được đâu, nhưng mọi người bảo Lợi sẽ làm việc đó. Ngay lúc đó Bùi Văn Minh (bạn Đường) bảo bây giờ tôi có thừa 1 sim, cho Hiệp hội, rồi đưa luôn trước mặt mọi người” – Đường khai.
Theo bị cáo, mọi người còn đưa ra ý tưởng muốn in tên Đường Dương, Đường “Nhuệ” lên thành xe, đầu xe hỏa táng nhưng Đường không chấp nhận.
Đường khai những lần đến họp, lúc đầu suy nghĩ là cho vui, giúp được ai cái gì thì giúp nhưng dần dần thấy thương cảm cho hoàn cảnh của các dịch vụ tang lễ ở Thái Bình bị “đì”, thương nhà có người chết nên sau đó đã đồng ý tham gia vào Hiệp hội tang lễ Thái Bình.
Đường “Nhuệ” khai trước đây các dịch vụ cũng nộp cho ông Giao (Trần Đình Giao – Chủ tịch HĐQT đơn vị quản lý đài hóa thân Thanh Bình, Nam Định – PV) 300 nghìn đồng/ca, hôm nay thành lập Hiệp hội mới đóng thêm 500.000 đồng/ca để duy trì Hiệp hội và các dịch vụ tang lễ tự trích ra.
“Khi tôi nhận làm giúp các dịch vụ là xuất phát từ cái tâm của tôi, các dịch vụ khẩn thiết nhờ tôi giúp đỡ. Khi đó tôi nói giúp mọi người không biết có ảnh hưởng gì đến pháp luật không. Tôi đề nghị mọi người là giúp mọi người thì phải làm giấy tờ gì đó để không vi phạm pháp luật” – Nguyễn Xuân Đường trình bày.
Khi HĐXX hỏi, bị cáo cho biết số tiền mà các dịch vụ tang lễ đóng 500 nghìn đồng/ca đã được bị cáo chi tiêu thế nào? Công khai số tiền thu chi, số tiền còn lại là bao nhiêu với các chủ dịch vụ tang lễ hay không?
Bị cáo Đường cho biết, số tiền này được dùng vào việc duy trì hoạt động của Hội. Trong đó có việc uống nước tại quán cà phê, tổ chức ăn liên hoan mỗi tháng 1-2 lần. Ngoài ra còn chi tiêu vào việc thăm hỏi các thành viên hiệp hội bị ốm đau…
HĐXX hỏi về số tiền 500 nghìn nộp mỗi ca, có được bị cáo ghi vào hoá đơn hay không? Về câu hỏi này, bị cáo Đường nói rằng, các chủ dịch vụ tự nguyện nộp và không ghi vào hoá đơn. Khi nộp tiền sẽ được thu ở quán cà phê, các chủ dịch vụ tự nguyện nộp.
HĐXX đưa ra vấn đề, ngoài số tiền 4,3 triệu đồng/ca, giờ các dịch vụ tang lễ phải nộp thêm 500 nghìn đồng. Là người kinh doanh cần tối đa lợi nhuận, vậy ai tự nguyện lại mất thêm 500 nghìn đồng như vậy không?
Đường nói, nếu vào Hiệp hội thì không đơn độc, ốm đau cũng được thăm hỏi. Vào Hiệp hội sẽ được hỗ trợ nhiều như: đi lại đúng giờ, bỏ số tiền đó để cho mình ăn uống liên hoan.
Ngoài ra, khi HĐXX đưa ra nhiều câu hỏi như: Ai là người đưa điện thoại để nhận báo ca cho Cường? Ai là người giao Thái thu tiền…? Bị cáo Đường xin phép chưa trả lời vì hiện không nhớ rõ.
Chiều nay, HĐXX tiếp tục làm việc.
HL (Nguoiduatin.vn)
Bình luận tiêu biểu (0)