Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA), trong 7 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu được gần 164.400 tấn hạt tiêu các loại, với kim ngạch đạt gần 765 triệu USD, giảm 2,2% về lượng nhưng giá trị lại tăng 40,8% so với cùng kỳ năm 2023. Nhiều quốc gia trên thế giới nhập khẩu nhiều hạt tiêu của Việt Nam như Mỹ, Đức, Ấn Độ, UAE, Trung Quốc...
Theo VPSA, giá xuất khẩu bình quân tiêu đen của Việt Nam trong 7 tháng qua đạt 4.568 USD/tấn, tăng 32,7% và tiêu trắng đạt 6.195 USD/tấn, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2023.
Dù là quốc gia có sản lượng và xuất khẩu hạt tiêu top đầu thế giới, nhưng trong 7 tháng đầu năm 2024, các doanh nghiệp trong nước đã chi ra 80,4 triệu USD để nhập khẩu gần 19.600 tấn hạt tiêu (bao gồm 17.443 tấn tiêu đen và 2.414 tấn tiêu trắng), tăng 15% về lượng so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, Việt Nam nhập khẩu nhiều hạt tiêu từ các quốc gia như Campuchia, Indonesia và Brazil. Chỉ riêng lượng hạt tiêu từ 3 quốc gia này đã chiếm tới 92% tổng kim ngạch nhập khẩu của nước ta trong 7 tháng đầu năm 2024.
Vậy, câu hỏi đặt ra là vì sao các doanh nghiệp Việt phải nhập khẩu nhiều hạt tiêu trong khi nước ta là top 1 về sản xuất và xuất khẩu mặt hàng này?
Vì sao các doanh nghiệp Việt phải nhập khẩu nhiều hạt tiêu?
Quy mô của thị trường hạt tiêu toàn cầu có giá trị khoảng 5,4 tỷ USD và được dự báo là sẽ tăng trưởng trung bình 20% trong giai đoạn từ 2024 – 2032. Theo VPSA, sản lượng hạt tiêu của Việt Nam chiếm 40% và xuất khẩu chiếm tới 60% thị phần trên thế giới.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong nước phải nhập khẩu hạt tiêu là vì nguyên nhân rất thực tế. Cụ thể, do thời gian trước giá của hạt tiêu ở mức rất thấp, nên có nhiều nông dân đã chuyển đổi sang cây trồng khác. Hơn nữa, sản lượng của tiêu cũng bị sụt giảm mạnh vì điều kiện thời tiết không thuận lợi. VPSA thừa nhận rằng, do hiện tượng hạn hán kéo dài nên sản lượng hồ tiêu của nước ta trong năm nay bị giảm 10% và xuống khoảng 170.000 tấn so với năm 2023.
Chính vì thế, các doanh nghiệp Việt Nam phải đẩy mạnh việc nhập khẩu hạt tiêu từ các nước như Brazil, Campuchia và Indonesia... để phục vụ sản xuất và củng cố ngôi vị top 1 trên thế giới về sản xuất và xuất khẩu tiêu trong hơn 20 năm qua.
Theo các chuyên gia, nguồn cung từ Việt Nam bị giảm mạnh đã có tác động lớn tới giá hạt tiêu trên toàn cầu. Trong quý II/2024, giá hạt tiêu đen trong nước đã tăng 93% so với thời điểm đầu năm và tăng 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2023. Việc tăng giá hạt tiêu tiếp tục diễn ra trong tháng 7 vì nhu cầu tăng, trong khi nguồn cung lại hạn chế.
Vì nhu cầu tăng mạnh từ các thị trường trên thế giới, nên các doanh nghiệp của Việt Nam vẫn phải nhập khẩu một lượng lớn hạt tiêu về để tiến hành sản xuất cũng như đáp ứng được yêu cầu của các đơn hàng.
Theo các chuyên gia, do thiếu hụt nguồn cung so với nhu cầu trên toàn cầu, đồng thời chi phí vận chuyển hàng hóa tăng nhanh và việc bị tắc nghẽn cảng tại châu Á nên tác động tới giá tại những thị trường nhập khẩu và khiến giá tăng trong trung và dài hạn.
Tính đến hết năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu được 264.094 tấn hồ tiêu các loại (gồm tiêu đen đạt 236.148 tấn và tiêu trắng đạt 27.946 tấn), với tổng kim ngạch đạt 906,5 triệu USD, giảm 8% so với năm 2022. Trong năm 2023, Mỹ là thị trường lớn nhất của Việt Nam, chiếm tới 23,5% trong tổng giá trị xuất khẩu hạt tiêu. Trong khi đó, các thị trường lớn khác lần lượt là Trung Quốc (14,1%), Ấn Độ (5,4%) và Đức (4,3%).
Hồ tiêu bắt đầu được trồng ở Việt Nam từ thế kỷ 17, nhưng sản xuất hồ tiêu chỉ thực sự phát triển mạnh ở nước ta kể từ sau năm 1997, khi giá hồ tiêu trên thị trường tăng nhanh. Tính đến nay, hồ tiêu của Việt Nam xuất khẩu đi hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, cũng như chiếm lĩnh nhiều thị trường quan trọng.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong năm 2023, diện tích hồ tiêu cả nước đạt 115.000 ha, giảm 4,2% so với năm 2022 và giảm 24,3% so với năm 2017 (năm có diện tích cao nhất) là khoảng 151.900 ha.
Theo quy hoạch của ngành nông nghiệp, dự kiến, diện tích hồ tiêu có thể giảm xuống còn khoảng 110.000 ha trong thời gian tới. Nguyên nhân chủ yếu là vì ảnh hưởng thời tiết, sâu bệnh hại và giá của một số mặt hàng nông sản khác như sầu riêng, cà phê tăng mạnh trong thời gian vừa qua.
Hiện nay, nhiều nông dân tại nhiều địa phương có thế mạnh về hồ tiêu đã chuyển đổi sang cây trồng khác. Trên thực tế, 3 tỉnh Tây Nguyên là Đắk Nông, Đắk Lắk và Gia Lai vẫn là vùng nguyên liệu chính, chiếm khoảng 63,5% về diện tích.
Bài tham khảo nguồn: Mard, VPSA, Customs