Có một thực tế ở nhiều gia đình, đó là tuy cùng một cha mẹ sinh ra những không phải mọi đứa con đều sở hữu trí thông minh giống nhau. Bạn sẽ thấy có những trường hợp anh chị lớn thông minh hơn hẳn em út và ngược lại.
Tuy nhiên, một bộ dữ liệu khảo sát gần đây khiến các bậc cha mẹ đang có ý định sinh con thứ hai phải bất ngờ: Trong số các CEO toàn cầu, con cả trong gia đình chiếm tỷ lệ cao nhất, tiếp đó là con giữa và cuối cùng là con út, tỷ lệ đảm nhận vị trí này giảm dần, và nhìn chung con cả chiếm ưu thế vượt trội.
Trên thực tế, đã có nhiều nghiên cứu về "thứ tự sinh và trí thông minh". Nhà tâm lý học người Áo Alfred Adler đã thực hiện một nghiên cứu vào năm 1907 cho thấy rằng: Con út thường có ưu thế vượt trội về nguồn lực, được cha mẹ yêu thương nhiều hơn, nên thường thông minh nhất.
Trong khi đó, con thứ thường ở vị trí trung gian trong gia đình, không giống con cả – đứa con đầu tiên đầy ý nghĩa với cha mẹ, cũng không phải là con út được cưng chiều, nên thường nhận được ít sự quan tâm và nguồn lực nhất, dẫn đến việc bị coi là "ít thông minh" nhất. Con cả, mặc dù vẫn được yêu thương nhưng sự quan tâm này sẽ dần bị chia sẻ khi các em nhỏ ra đời.
Mặc dù có nhiều ý kiến trái chiều, lý thuyết này vẫn được nhiều người công nhận. Tuy nhiên, một thí nghiệm với 350.000 người vào năm 1937 đã bác bỏ lý thuyết này, khẳng định rằng trí thông minh của trẻ giảm dần theo thứ tự sinh.
Trong một gia đình, nếu trẻ nhận được nhiều tình yêu thương, giáo dục và nguồn lực dinh dưỡng hơn, thì trí tuệ của trẻ cũng sẽ có lợi thế hơn. Con cả là đứa trẻ đầu tiên của cha mẹ, vì lần đầu làm cha mẹ, họ luôn muốn làm tốt nhất và dành toàn bộ tình yêu thương cho con cả, do đó, trẻ nhận được nhiều sự đồng hành hơn. Khi những đứa trẻ sau lần lượt ra đời, con cả cũng sẽ được hướng dẫn để lãnh đạo các em, nhờ đó, trí thông minh của trẻ được thúc đẩy một cách tích cực. Tóm lại, sự thông minh của con cả có thể được xem là "bị ép" mà thành. Vì vậy, khi xử lý mối quan hệ giữa con cả, con thứ và con út, cha mẹ cần đặc biệt chú ý.
Vì nguồn lực ảnh hưởng đến trí thông minh của trẻ, vậy cha mẹ nên xử lý thái độ đối với các con thế nào?
1. Chăm sóc chất lượng cao:
Sự phát triển trí thông minh của trẻ không thể tách rời khỏi tình yêu thương của cha mẹ. Tình yêu chân thành của cha mẹ có thể phần nào nâng cao IQ của trẻ. Do đó, sự đồng hành chất lượng cao là điều vô cùng quan trọng. Trong các gia đình khác nhau, mức thu nhập có thể quyết định chất lượng nguồn lực mà trẻ nhận được, nhưng ngoài các nguồn lực vật chất, tình yêu thương mà cha mẹ dành cho con là vô hạn.
Vì vậy, cha mẹ cần truyền tải nhiều tình yêu thương hơn, để trẻ cảm nhận rằng mình đang lớn lên trong một gia đình tràn đầy yêu thương. Trẻ được bao bọc bởi tình yêu thương sẽ hạnh phúc, tự tin và thông minh hơn so với những trẻ thiếu thốn tình cảm.
2. Đối xử khác biệt tùy theo từng đứa trẻ:
Thứ tự sinh khác nhau sẽ mang lại vị trí khác nhau trong gia đình. Con cả là đứa trẻ đầu tiên của cha mẹ, khi lần đầu làm cha mẹ, họ không có kinh nghiệm, nhưng họ dành tất cả tình yêu và sự bảo vệ đầu tiên cho con cả. Ngược lại, con út thường nhận được sự quan tâm đặc biệt bởi cha mẹ luôn cảm thấy con út đáng thương và cần được chăm sóc hơn.
Tuy nhiên, cha mẹ cần đối xử tùy theo tính cách của từng đứa trẻ và áp dụng phương pháp giáo dục phù hợp. Với con cả, mặc dù đã dành nhiều sự quan tâm ban đầu, nhưng khi các em ra đời, cha mẹ không được lơ là sự quan tâm dành cho con cả. Đồng thời, cần dạy con cả cách lãnh đạo em, giúp trẻ cảm nhận thành tựu và trở nên thông minh hơn.
Với con út, cha mẹ có thể cưng chiều nhưng không được nuông chiều quá mức. Hãy hiểu rằng, sự giàu có về vật chất không bằng sự đầy đủ về tinh thần. Hãy để con út lớn lên trong một môi trường đầy yêu thương, để trẻ trở nên thông minh và tự tin hơn. Tóm lại, dù là con cả hay con út, cha mẹ cần đối xử công bằng, không thiên vị, dành cho con tình yêu thương tốt nhất, để chúng không chỉ được đầy đủ về vật chất mà còn giàu có về tinh thần.
Thanh Hương