Với những ai từng đắm chìm trong thế giới phép thuật thơ ngây của bộ truyện tranh Nhật Bản Doraemon chắc hẳn sẽ vô cùng ấn tượng với nhân vật Nobita. Trái ngược với một Doraemon thông minh, nhanh nhẹn, chăm chỉ thì cậu bạn thân Nobita lại hậu đậu, lười biếng và hay dựa dẫm vào những bảo bối đến từ tương lai mỗi khi gặp khó khăn.
Không chỉ vậy, nhân vật này còn có một năng lực mà ai cũng phải công nhận đó là...thường xuyên bị điểm 0. Tần suất Nobita bị điểm 0 nhiều đến mức không chỉ người ngoài, gia đình, bạn bè, thầy cô mà ngay bản thân Nobita cũng nhận thức được cậu không tài giỏi như người khác. Chi tiết này khiến nhiều độc giả thắc mắc: Vì sao Nobita thường xuyên bị điểm kém như vậy mà vẫn được lên lớp?
Trên thực tế, việc Nobita thường xuyên bị điểm 0 chỉ là một chi tiết nhỏ trong truyện thiếu nhi nhưng cũng một phần khắc hoạ được một 1 đặc điểm khác biệt của hệ thống giáo dục ở Nhật Bản. Theo đó, nếu như hệ thống giáo dục của Việt Nam hay nhiều quốc gia khác có chế độ học lại do các nguyên nhân khác nhau thì Nhật Bản lại không như vậy.
Ở xứ sở Phù Tang, điểm thi chỉ mang tính chất quyết định khi học sinh thi tuyển sinh cấp 3 và tuyển sinh đại học. Còn ở các cấp khác, dù học sinh có bị điểm kém hay nghỉ học nhiều lần cũng sẽ không bị ở lại và vẫn được học lên các cấp cao hơn.
Không chỉ không có chế độ “lưu ban”, hệ thống giáo dục của Nhật còn có điểm khác biệt với hệ thống giáo dục của các nước khác. Cụ thể:
1. Khai giảng vào tháng 4
Ở Nhật, các trường học đều khai giảng năm học mới vào đầu tháng 4 thay vì tháng 9 hay tháng 10 như các quốc gia khác. Người Nhật cho rằng đây là thời điểm hoa anh đào bắt đầu nở rộ, rất thích hợp để các học sinh có một hành trình mới với một khởi đầu tốt đẹp.
2. Không thi cử trong 3 năm đầu đi học
Người Nhật cho rằng việc giáo dục nhân cách cho học sinh từ nhỏ rất quan trọng. Do đó, ở 3 năm học đầu, họ tập trung giáo dục nhân cách cho trẻ hơn là dạy kiến thức. Trong 3 năm này, học sinh chỉ cần hoàn thành các bài tập nhỏ trên lớp và không cần phải tham gia kỳ thi nào cho tới khi học lớp 4 (10 tuổi). Điều này sẽ giúp các học sinh sẽ cảm thấy thoải mái hơn khi đến trường học, tránh được áp lực thi cử.
3. Luôn phải đi học đúng giờ
Trường học ở Nhật thường bắt đầu lúc 8h và học sinh phải có mặt đúng giờ. Người Nhật rất quan trọng giờ giấc nên việc đi học đúng giờ là một điều được rèn luyện từ nhỏ. Đây là những quy định “bất thành văn” nên tất cả học sinh phải nghiêm túc chấp hành.
4. Trường học không có nhân viên vệ sinh
Ở Nhật, các trường học hầu như không có nhân viên vệ sinh. Thay vào đó, công việc vệ sinh trường lớp sẽ do chính tay các học sinh làm. Thời gian để các học sinh dọn dẹp lau chùi mỗi ngày được gọi là “souji”. Việc để cho học sinh tự dọn dẹp trường lớp được xem là một phương pháp giáo dục thực tiễn, để các em rèn luyện và tự ý thức được trách nhiệm của mình đối với xã hội.
Hơn nữa, không chỉ học sinh mà ngay cả giáo viên, nhân viên nhà trường và cả cấp lãnh đạo như hiệu phó, hiệu trưởng cũng phải làm công việc này, mỗi người sẽ phải dọn dẹp khu vực của riêng mình.
Ánh Lê (Tổng hợp)