Theo Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF), trong năm 2023, thương mại điện tử ở Việt Nam đã sử dụng 332 nghìn tấn bao bì. Trong đó, khối lượng bao bì nhựa các loại là 171 nghìn tấn. Thống kê từ Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, chỉ có khoảng 10% rác thải nhựa được tái chế. Phần lớn rác thải được chôn, lấp, đốt và thả trôi ra sông, biển gây ô nhiễm nguồn nước, đe dọa sự sống của nhiều loài sinh vật quý hiếm.
Bên cạnh đó, thói quen sử dụng bao bì nhựa thay cho hộp carton trong khâu đóng gói hàng hóa thương mại điện tử nhằm tiết kiệm chi phí bao bì và vận chuyển đang diễn ra khá phổ biến. Nhiều người bán hàng lạm dụng bao bì quá mức cần thiết, chèn thêm màng xốp hoặc túi ni lông cũng khiến cho lượng rác thải dễ gây ô nhiễm nhựa ngày một gia tăng.
Thực tế, không phải người bán hàng nào cũng chuyên nghiệp trong khâu đóng gói. Điều đó không chỉ gây hoang phí trong khâu sử dụng bao bì không cần thiết mà còn thải ra môi trường rác thải nhựa khó xử lý. Một số chuyên gia còn chỉ ra, việc chọn chất liệu đóng gói không thân thiện với môi trường cũng khiến cho lo toan "ô nhiễm trắng" thêm gia tăng.
Để "hóa xanh ô nhiễm trắng", nhiều giải pháp cần phải sớm đặt ra. Nhất là khi bình quân mỗi tháng, một gia đình sử dụng khoảng 1kg túi ni lông. Trong đó, không thể thiếu sự hợp tác từ người bán hàng đến các trợ lực giải pháp từ đơn vị giao hàng, chuyển phát.
Trước thực trạng "ô nhiễm trắng" ngành thương mại điện tử tác động tiêu cực đến môi trường, theo các chuyên gia, cần thúc đẩy nhanh tiến trình "xanh hóa", trong đó, cần chú ý, tuyên truyền đến các nhóm đối tượng tham gia trực tiếp vào quá trình giảm thiểu rác thải nhựa. Đó là các doanh nghiệp thương mại điện tử, các hiệp hội ngành hàng và tổ chức xã hội nghề nghiệp, người tiêu dùng và đặc biệt là các đơn vị chuyển phát, đóng gói đơn hàng.
Để góp phần hạn chế tình trạng "ô nhiễm trắng", ông Phan Bình - Giám đốc thương hiệu J&T Express lấy ví dụ từ thực tiễn triển khai: "Chúng tôi đang có những sáng kiến kêu gọi người tiêu dùng - chủ shop và các shipper chung tay thực hành bảo vệ môi trường sống, hạn chế tối đa những tác động không mong muốn đến màu xanh của tương lai". Sáng kiến "Xanh trong khâu vận hành" với việc sử dụng các túi sinh thái (eco bag) tại các trung tâm trung chuyển trên toàn quốc thay cho túi nhựa thông thường. Quyết định này đã giúp hạn chế lượng rác thải nhựa gây ô nhiễm môi trường bởi túi sinh thái có thể tái sử dụng nhiều lần, có khả năng tự phân hủy và đặc biệt giúp giảm được 169g khí thải carbon so với việc sử dụng túi dệt thông thường.
Bên cạnh đó là các chương trình đào tạo, giới thiệu các giải pháp tiết kiệm năng lượng, lái xe an toàn dành cho shipper, đồng thời áp dụng công nghệ vào các khâu vận hành để rút ngắn lộ trình giao hàng giúp giảm thiểu lượng phát thải CO2 ra môi trường. Chiến dịch "Kiến tạo tương lai xanh" trong năm 2023 đã thu gom được 1,5 tấn rác thải nhựa và tái chế thành những bộ bàn ghế đầy màu sắc để trao tặng đến các trường học.
Tuy nhiên các chuyên gia đều cho rằng, quá trình giảm thiểu "ô nhiễm trắng" là một bài toán cần có sự chung tay. Trong đó, sự chủ động của các shipper và các khách hàng tiêu dùng cũng rất quan trọng. Người mua hàng nếu có thể, hãy tạo thói quen phân loại rác, sắp xếp các thùng, giấy, túi chống sốc... lại và hoàn trả hoặc chuyển cho những người đang cần sử dụng thay vì bỏ đi.