Bản ghi nhớ hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực GTVT
Trong khuôn khổ chuyến công tác của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tham dự Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19 và thăm chính thức nước CH Pháp từ ngày 3-7/10, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng và Giám đốc Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) Philippe Orliange đã ký Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực GTVT.
Phát biểu tại Lễ ký, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng bày tỏ vui mừng về việc ký kết Bản ghi nhớ hợp tác giữa hai bên, đặc biệt là tập trung vào các vấn đề chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải carbon và ứng phó với biến đổi khí hậu trong lĩnh vực GTVT.
Về hợp tác Việt - Pháp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, Việt Nam và Pháp đã thiết lập mối quan hệ ngoại giao từ năm 1973 và tới năm 2013, hai nước ký kết Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp. Trong suốt chặng đường hơn 50 năm qua, hai bên đã thúc đẩy hợp tác toàn diện và duy trì cơ chế đối thoại thường xuyên trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa và quốc phòng.
Pháp hiện là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam tại Liên minh Châu Âu (EU) và là thị trường chiếm tỷ trọng lớn trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Châu Âu. Trong đó, lĩnh vực GTVT là một trong những ưu tiên mà Việt Nam và Pháp cùng thúc đẩy hợp tác trong nhiều năm qua ở các lĩnh vực hàng không, đường sắt, hàng hải và đường bộ.
Cũng nhân dịp này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cảm ơn AFD đã cung cấp vốn vay cho các dự án phát triển hạ tầng đường sắt của Việt Nam và hy vọng với sự hỗ trợ, phối hợp tích cực của AFD, Dự án tuyến đường sắt đô thị đoạn Nhổn - ga Hà Nội sẽ sớm đưa vào vận hành chính thức đoạn trên cao theo như kế hoạch đề ra vào cuối năm 2024.
“Về các dự án, chương trình đang xúc tiến hợp tác, Bộ GTVT đã đề nghị Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam và AFD nghiên cứu cung cấp “Hỗ trợ kỹ thuật lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án cải tạo, hiện đại hóa tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng”.
Dự án nhằm nâng cao năng lực khai thác, phương án chuyển đổi năng lượng và thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo phát huy hiệu quả của tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng hiện hữu, có xét đến tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng được xây dựng mới trong tương lai”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói.
Đại diện Bộ GTVT Việt Nam cam kết sẽ giao các đơn vị phụ trách làm việc với công ty tư vấn Pháp được AFD lựa chọn để trao đổi chi tiết về phạm vi và kế hoạch thực hiện dự án nghiên cứu trong thời gian tới. Việt Nam mong tiếp tục nhận được hỗ trợ của ông Philippe Orliange, cũng như AFD với vai trò là nhà tài trợ song phương lớn nhất khu vực Châu Âu của Việt Nam để thực hiện hiệu quả các dự án hiện tại và tiếp tục trao đổi, tìm kiếm cơ hội hợp tác trong các dự án đường sắt tại Việt Nam thời gian tới.
Nhấn mạnh sự hợp tác tốt đẹp giữa hai bên trong thời gian qua, Giám đốc Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) Philippe Orliange đánh giá cao việc ký kết Bản ghi nhớ hợp tác giữa AFD và Bộ GTVT Việt Nam, coi đây là một bước tiến mới góp phần củng cố thêm mối quan hệ năng động và tích cực giữa Pháp và Việt Nam nói chung và giữa hai cơ quan nói riêng.
Ông Philippe Orliange cam kết sẵn sàng thúc đẩy để bản ghi nhớ nhanh chóng được triển khai, cụ thể là sẽ sớm làm việc với văn phòng AFD tại Hà Nội về các nội dung cần thực hiện. Ngoài ra cũng khẳng định AFD sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ vốn vay cho Việt Nam trong việc xây dựng và phát triển đường sắt cao tốc, lĩnh vực mà Pháp có thế mạnh và Việt Nam đang đặc biệt quan tâm, mong muốn thực hiện trong thời gian tới.
Tuyến đường sắt nào đang được Việt Nam và Pháp xem xét hợp tác?
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, trong llĩnh vực đường sắt, hai nước đã phối hợp hoàn thành một số dự án như: Hệ thống thông tin tín hiệu đường sắt đoạn Hà Nội - Vinh do Tập đoàn Alstom và đối tác Việt Nam triển khai; dự án Cải tạo và nâng cấp tuyến đường sắt Yên Viên - Lào Cai do Ngân hàng Phát triển Châu Á và Pháp đồng tài trợ. Hiện hai bên đang phối hợp triển khai Dự án tuyến đường sắt đô thị đoạn Nhổn - ga Hà Nội, sử dụng vốn vay của AFD.
Một trong những dự án trọng điểm đang được hai nước xem xét hợp tác là dự án cải tạo, hiện đại hóa tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng.
Việc cải tạo tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng là cần thiết để nâng cao năng lực vận tải, đảm bảo an toàn, hiện đại hóa hạ tầng giao thông, và thúc đẩy phát triển kinh tế, thương mại, cũng như du lịch trong khu vực.
Cụ thể, tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng được xây dựng từ thời Pháp thuộc và đã qua hàng trăm năm sử dụng. Hạ tầng cũ kỹ, bao gồm hệ thống đường ray, cầu cống và các nhà ga cần được nâng cấp để đảm bảo hiệu suất vận hành và an toàn cho hành khách cũng như hàng hóa. Việc cải tạo giúp giảm nguy cơ tai nạn và duy trì sự an toàn của tuyến đường.
Hiện tại, tốc độ trung bình của các tàu trên tuyến này còn khá thấp, khoảng 50-60 km/h, dẫn đến thời gian di chuyển dài và không hiệu quả so với các phương thức vận tải khác như ô tô hoặc xe tải. Cải tạo tuyến đường sắt sẽ giúp tăng tốc độ di chuyển, giảm thời gian hành trình, từ đó thu hút thêm hành khách và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ đường sắt.
Hơn nữa, Hải Phòng sở hữu một trong những cảng biển lớn nhất ở miền Bắc Việt Nam, tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối hàng hóa từ cảng với các khu công nghiệp và trung tâm kinh tế lớn. Tuy nhiên, khả năng vận tải của tuyến hiện tại còn hạn chế. Cải tạo sẽ giúp tăng cường năng lực chuyên chở hàng hóa, giảm áp lực cho các tuyến đường bộ, đặc biệt là trên Quốc lộ 5.
Việc chuyển bớt lưu lượng hàng hóa và hành khách từ các phương tiện giao thông đường bộ (như xe tải và ô tô) sang đường sắt sẽ giúp giảm khí thải và tác động tiêu cực đến môi trường. Đường sắt là phương tiện vận tải có lượng khí thải thấp hơn và tiết kiệm nhiên liệu hơn so với giao thông đường bộ.
Hà Nội và Hải Phòng lại là hai trung tâm kinh tế, văn hóa lớn của miền Bắc, đồng thời cũng là điểm đến du lịch hấp dẫn. Việc cải tạo tuyến đường sắt không chỉ hỗ trợ phát triển kinh tế mà còn khuyến khích du lịch, giúp hành khách dễ dàng di chuyển giữa hai thành phố, tạo động lực cho phát triển dịch vụ và ngành công nghiệp không khói.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trong cuộc gặp với doanh nghiệp Trung Quốc từng khẳng định rằng lĩnh vực đường sắt là lĩnh vực mà Việt Nam có nhu cầu quan trọng và cấp bách trong giai đoạn hiện nay.
Lĩnh vực cấp bách này ở Việt Nam dự kiến trị giá đến hàng trăm tỷ USD. Theo Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng thì nhu cầu vốn cho phát triển giao thông đường sắt của Việt Nam từ nay đến năm 2045 rất lớn.
Cụ thể, mạng lưới đường sắt quốc gia và đường sắt đô thị của Hà Nội và TPHCM được quy hoạch theo tổng nhu cầu vốn xấp xỉ 4,8 triệu tỷ đồng (khoảng 188 tỷ USD), trong đó nguồn vốn xã hội hóa của doanh nghiệp xấp xỉ 1 triệu tỷ đồng.
Thái Hà