Việt Nam xác lập cột mốc mới với tàu hàng "lớn nhất lịch sử"
Theo truyền thông Mỹ và Hà Lan, Việt Nam gần đây đã xác lập thêm 2 cột mốc quan trọng trong ngành công nghiệp đóng tàu.
Cụ thể, theo tạp chí tin tức The Maritime Executive (Mỹ), vào ngày 26/12/2024, tại Hải Phòng, công ty đóng tàu Nam Triệu thuộc Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) đã tổ chức lễ bàn giao tàu chở hàng "lớn nhất lịch sử" mang tên Truong Minh Dream 01, đánh dấu bước tiến quan trọng của Việt Nam nhằm mở rộng ngành công nghiệp đóng tàu và vận tải tàu biển.
Tàu có chiều dài 199,99 mét, rộng 32,26m, tổng dung tích 35.823GT, do Liên doanh Công ty cổ phần kỹ thuật đóng tàu Việt Nam (Visec) liên danh với công ty Blutech – Phần Lan thiết kế, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế rộng rãi.
Đáng lưu ý, con tàu này được cơ quan đăng kiểm NK-Nhật Bản phân cấp để có thể hoạt động trên tất cả các vùng biển quốc tế.
Theo tạp chí hàng hải Baird Maritime (Australia), với trọng tải 65.000 DWT (tương đương 65.000 tấn), tàu Truong Minh Dream 01 đã trở thành một trong những tàu chở hàng rời lớn nhất từ trước đến nay được đóng tại Việt Nam.
"Với việc hoàn thiện tàu Trường Minh Dream 01, Việt Nam đã giới thiệu một giải pháp thay thế có chi phí thấp hơn cho các thị trường nước ngoài" - Baird Maritime nhận định.
Trước đó, theo Windpowernl – tạp chí trực tuyến về ngành công nghiệp gió của Hà Lan, vào ngày 18/12/2024, công ty đóng tàu Hạ Long của Việt Nam đã hạ thủy thành công tàu dịch vụ điện gió hiện đại bậc nhất mang tên Windcat Amsterdam.
Đây là chiếc thứ 2 trong tổng số 14 tàu mà công ty Hạ Long đóng cho chủ tàu Hà Lan, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong ngành công nghiệp đóng tàu Việt Nam.
Tàu Windcat Amsterdam (CSOV 8720 - YN552206) có chiều dài hơn 88m, rộng 19,7m, tải trọng gần 6.700 GT và được trang bị những công nghệ hiện đại nhất như động cơ hydrogen và hệ thống định vi tiên tiến.
"CSOV đại diện cho những tiến bộ về hiệu quả, hiệu suất và sự thoải mái. Tàu có sức chứa tối đa 120 người, đặc biệt chú trọng vào việc cung cấp cho các nhân viên làm việc ngoài khơi những điều kiện thoải mái nhất để sống và làm việc trong thời gian sinh hoạt trên tàu" – Windpowernl nhận định.
Đặc biệt, Windpowernl đánh giá cao việc tàu CSOV sử dụng động cơ hydrogen, đảm bảo yếu tố "xanh" và thân thiện với môi trường.
Cùng đưa tin về tàu Windcat Amsterdam, hãng tin Sputnik (Nga) nhận định, việc hạ thủy tàu CSOV số 2 không chỉ là mốc son trong hợp tác giữa Việt Nam – Hà Lan, mà còn là niềm tự hào của ngành công nghiệp đóng tàu Việt Nam.
Với 2 bước tiến trên, Việt Nam đang ngày càng khẳng định vị thế của mình trên thị trường đóng tàu thế giới.
Ngành công nghiệp tỷ đô trỗi dậy, thách thức "các cường quốc thống trị"
Theo báo cáo vào cuối tháng 12/2024 của công ty nghiên cứu thị trường Straits Research (Ấn Độ), quy mô thị trường đóng tàu toàn cầu ước đạt 150,42 tỷ USD trong năm 2024 và dự kiến sẽ tăng lên 203,76 tỷ USD vào năm 2033, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 3,43% trong giai đoạn dự báo (2025-2033).
Trong giai đoạn 2023-2024, châu Á- Thái Bình Dương là khu vực có tốc độ phát triển nhanh nhất trên thị trường đóng tàu toàn cầu, và dự kiến sẽ tăng trưởng với CAGR đạt 4,93% trong giai đoạn dự báo.
Virtue Marine – công ty cung cấp các dịch vụ tư vấn hàng hải tại Hà Lan, Bỉ và Đức cho hay, top 3 cường quốc đóng tàu trên thế giới và tại châu Á hiện nay là Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Tuy nhiên, những "gã khổng lồ" truyền thống này đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ "những thế lực mới" trong ngành công nghiệp đóng tàu, đó là Philippines và Việt Nam.
Theo Báo cáo nghiên cứu ngành đóng tàu Việt Nam giai đoạn 2023-2032, ngành đóng tàu của Việt Nam dự kiến sẽ ghi nhận tốc độ CAGR là 6% từ năm 2023 đến năm 2032.
Trong phiên thảo luận ngày 29/5/2024 về tình hình kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước tại Hội trường Quốc hội, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH thành phố Hải Phòng Lã Thanh Tân dẫn số liệu nghiên cứu cho biết, tiềm năng của ngành đóng tàu Việt Nam có thể tạo ra giá trị ước tính lên tới 200 tỷ USD/năm.
"Các quốc gia như Philippines và Việt Nam đang nổi lên. Họ sử dụng vị trí chiến lược, công nhân lành nghề và chi phí thấp hơn để thu hút khách hàng. Điều này khiến cả 2 nước trở thành những 'người chơi' then chốt trong ngành công nghiệp đóng tàu toàn cầu" - Virtue Marine bình luận.
Công ty này lưu ý, ngành đóng tàu của Việt Nam đang mở rộng nhanh chóng nhờ đầu tư tăng cường năng lực và chuyên môn đóng tàu.
Các nhà máy đóng tàu như Hyundai Vietnam Shipbuilding tập trung vào các tàu thương mại cỡ trung và tàu chuyên dụng. Bên cạnh đó, sự hỗ trợ của chính phủ và đầu tư nước ngoài đóng vai trò quan trọng.
"Tất cả những yếu tố này đã giúp Việt Nam trở thành một nhân tố quan trọng trên thị trường đóng tàu toàn cầu" - Virtue Marine nhận định.
Đáng lưu ý, theo Virtue Marine, Philippines và Việt Nam đều đang đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng, công nghệ và nguồn nhân lực, hứa hẹn sẽ "thách thức sự thống trị của các cường quốc đóng tàu truyền thống".
"Thành công của họ làm nổi bật sự thay đổi của ngành công nghiệp đóng tàu và nhu cầu về khả năng thích ứng, cũng như đổi mới" – Virtue Marine.
Cùng đề cập tới ngành đóng tàu Việt Nam trong bài viết đăng ngày 2/1 năm nay, hãng tin Sputnik (Nga) cho rằng, Việt Nam đang tự tin ghi dấu trên bản đồ đóng tàu toàn cầu.
Nhận định mới này được đưa ra chưa đầy 1 năm sau khi hãng tin Nga đánh giá "ngành công nghiệp tàu thủy Việt Nam đang một lần nữa trỗi dậy, dù mất nhiều năm vượt qua các tác động nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới giai đoạn 2008-2012".
Theo Sputnik, Việt Nam đang nằm trong top 10 quốc gia có ngành đóng tàu phát triển hàng đầu thế giới. Những năm qua, chính sách ưu đãi đầu tư nước ngoài của chính phủ, kết hợp với chi phí nhân công hấp dẫn, đã đưa ngành công nghiệp đóng tàu Việt Nam "trở nên rất cạnh tranh trong thị trường đóng tàu, đặc biệt là tàu thương mại cỡ trung".
Tính đến ngày 30/6/024, Việt Nam có 88 doanh nghiệp đóng tàu biển, 411 cơ sở đóng phương tiện thủy nội địa (trong đó có khoảng 120 doanh nghiệp đóng và sữa chữa các tàu có trọng tải trên 1.000 tấn).
Nhà máy đóng tàu tại TP.HCM đã giành được những đơn đóng hàng chục tàu đánh cá và tàu vận chuyển cá cho các khách hàng Pháp, nhà máy Damen Sông Cấm chế tạo thành công và xuất khẩu hàng loạt tàu hiện đại cho hải quân các nước.
Trong khi đó, nhà máy Hyundai Việt Nam đã chuyển từ sữa chữa sang đóng mới tàu. Nhờ tốc độ tăng trưởng nhanh chóng, Huyndai Việt Nam đã trở thành nhà máy đóng tàu lớn nhất Đông Nam Á.
Nhật Minh