Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) vừa xác nhận tình trạng kể trên trong thông báo được phát đi trưa cùng ngày. Theo Vietnam Post, sự cố bắt đầu diễn ra từ khoảng 3 giờ sáng, gây ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện các hoạt động liên quan dịch vụ bưu chính chuyển phát.
Tổng công ty khẳng định, các dịch vụ tài chính bưu chính, hành chính công và phân phối hàng hóa đến thời điểm này vẫn hoạt động bình thường. Ngay khi phát hiện sự cố, đơn vị đã kích hoạt kịch bản hành động, bám sát hướng dẫn của Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), trong đó có việc ngắt kết nối các hệ thống công nghệ thông tin để cô lập sự cố và bảo vệ dữ liệu. Do vậy, các website (có chứa vnpost.vn trong tên miền) và các ứng dụng liên quan sẽ tạm thời bị gián đoạn trong thời gian khắc phục sự cố.
Tổng công ty Bưu điện Việt Nam xin lỗi khách hàng và đối tác vì sự gián đoạn không mong muốn vì sự cố này. Đơn vị đang tích cực làm việc với các bên liên quan và cơ quan chức năng, Cục An toàn thông tin để khắc phục trong thời gian sớm nhất, đưa hoạt động của hệ thống trở lại bình thường.
Trước Vietnam Post, nhiều doanh nghiệp lớn tại Việt Nam như VnDirec, PVOIL cũng đã trở thành nạn nhân của ransomeware, gây ra không ít thiệt hại cho cả daonh nghiệp lẫn khách hàng của họ.
Theo các chuyên gia an ninh mạng, năm 2024, tại Việt Nam sẽ chứng kiến xu hướng tấn công mạng bằng mã độc tống tiền, đặc biệt tập trung vào các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức lớn. Chỉ tính riêng trong quý 1-2024, đã có hơn 150 triệu cảnh báo về nguy cơ bảo mật, phân tích và phát hiện 13.000 sự kiện liên quan đến mã độc ransomware trên các hệ thống thông tin.
Để giảm thiếu tấn công mạng, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã tăng cường rà soát, đánh giá, phát hiện lỗ hổng bảo mật trên hệ thống thông tin của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; đồng thời yêu cầu các đơn vị thực hiện "vá lỗi" nhằm đảm bảo an toàn thông tin cho hệ thống theo đúng quy phạm pháp luật.
Nguyên Đỗ