Quyết định được đưa ra sau khi đoàn kiểm tra của Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) thực hiện kiểm tra, xác minh việc chấp hành quy định chống cuộc gọi rác dịch vụ điện thoại cố định đối với các nhà mạng trong nước.
Đoàn kiểm tra đã tập trung xác minh các nội dung bao gồm: Hướng dẫn người dùng về cách thức chống cuộc gọi rác; cung cấp các công cụ, ứng dụng về phản ánh cuộc gọi rác; thực hiện triệt để biện pháp ngăn chặn cuộc gọi quảng cáo đến danh sách không nhận quảng cáo; ngăn chặn thu hồi địa chỉ địa tử được dùng để phát tán cuộc gọi rác…
Đoàn kiểm tra kết luận, Viettel chưa thực hiện triệt để các biện pháp ngăn chặn cuộc gọi quảng cáo đến danh sách không nhận quảng cáo. Có 1.165 cuộc gọi sử dụng tên định danh gọi đến 921 thuê bao đã đăng ký trong danh sách không nhận quảng cáo. Điều này đã vi phạm quy định tại Khoản 3, Điều 9, Nghị định số 91/2020/NĐ-CP ngày 14/8/2020 của Chính phủ về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác.
Cùng với Viettel, CMC Telecom và FPT Telecom cũng bị xử phạt vì lỗi tương tự. Mỗi doanh nghiệp đều bị đề nghị phạt 140 triệu đồng, nâng tổng số bị phạt lên tới 420 triệu đồng.
Việc xử phạt của Bộ Thông tin và Truyền thông đang gây sự chú ý của người dân, bởi thời gian gần đây, Bộ đang siết chặt việc quản lý thông tin thuê bao, bao gồm ngăn chặn SIM rác, tin nhắn rác và cuộc gọi rác. Đặc biệt, theo "tối hậu thư" mà Bộ đưa ra hồi tháng 3, sau ngày 15/4/2024, nếu để lọt các SIM kích hoạt sẵn ra thị trường (SIM rác), sẽ xử phạt nặng các nhà mạng, hình thức kỷ luật cao nhất bao gồm cấm phát triển thuê bao mới, đề nghị xem xét kỷ luật người đứng đầu. Để đáp ứng yêu cầu kể trên, các nhà mạng bao gồm Viettel cũng đã cố gắng "chạy đua" để thu hồi các SIM kích hoạt sẵn trên thị trường trước thời hạn kể trên.
Tuy nhiên, thực tế việc kiểm soát SIM rác, cuộc gọi rác, tin nhắn rác ra sao vẫn cần thời gian để kiểm chứng. Đối với Viettel, trước đó đơn vị này cũng từng nhiều lần bị xử phạt vì các sai phạm trong quản lý sản phẩm dịch vụ của mình.
Chỉ riêng vấn đề SIM rác, gần đây nhất, tháng 12/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã đưa quyết định xử phạt đối với các nhà mạng, bao gồm Viettel trong lĩnh vực quản lý thông tin thuê bao, bán SIM đã được nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước (SIM rác), chấp nhận đăng ký thông tin thuê bao bên ngoài điểm cung cấp dịch vụ viễn thông, quản lý chưa chặt chẽ dẫn đến vẫn còn tình trạng thông tin thuê bao không chính xác, không đầy đủ theo quy định; để tình trạng một cá nhân đăng ký rất nhiều SIM, thậm chí lên tới hàng nghìn SIM làm nghiêm trọng hơn tình trạng SIM không chính chủ.
Trước đó nữa, tháng 2/2019, Viettel cũng bị xử phạt tới 109 triệu đồng vì vẫn để tình trạng SIM kích hoạt sẵn trên thị trường. Viettel các tỉnh thành đã ký tới gần 30 nghìn điểm cung cấp dịch vụ viễn thông lưu động với cá nhân bên ngoài. Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông phát hiện nhiều trường hợp tự ý kích hoạt SIM trả trước, có những trường hợp đã kích hoạt cho tới hàng trăm SIM điện thoại cho một giấy tờ cá nhân. Bên cạnh đó, Viettel vẫn còn tình trạng cung cấp dịch vụ viễn thông di động cho thuê bao có chứng minh nhân dân, căn cước công dân không đúng quy định (là ảnh chụp thẻ mẫu), họ và tên trong chứng minh nhân dân khác với họ và tên trong cơ sở dữ liệu. Những năm trước đó, Viettel cũng từng bị xử phạt một số lần vì các lỗi tương tự.
Đối với các sản phẩm, dịch vụ khác, ngày 7/11/2022, Tổng Cục Thuế đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế đối với Viettel Post do lỗi khai sai dẫn đến thiếu số thuế phải nộp. Tổng số tiền bị xử phạt và truy thu thuế của doanh nghiệp lên tới gần 1,7 tỷ đồng.
Trước đó nữa, tháng 10/2022, Viettel cũng bị phạt tới 40 triệu đồng vì cung cấp tới 21 kênh chương trình không có trong Giấy chứng nhận danh mục kênh trên dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền của doanh nghiệp.
Thậm chí, Viettel cũng từng bị xử phạt tới 90 triệu đồng vì hành vi “kinh doanh hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên”, đồng thời tịch thu toàn bị tang vật vi phạm bao gồm 83.000 chiếc đầu nối Fast Connecter, 200 điện thoại di động Viettel V6216, 120 chiếc USB Wifi 4G-D6606 và 10 thiết bị phát wifi TP Link - W8151N. Vụ việc diễn ra cuối năm 2017, Viettel sau đó đã lên tiếng thanh minh "Chúng tôi không nhập lậu, việc xử phạt là do tại thời điểm kiểm tra, đơn vị chưa cung cấp đủ chứng từ".
Nguyên Đỗ