Chiều 9/11, đại diện Viện Vật lý địa cầu cho biết, vào hồi 16h18 tại vị trí khu vực Thanh Thủy (Phú Thọ) đã xảy ra một trận động đất mạnh 3,3 độ richter.
Theo Viện Vật lý địa cầu, vị trí xảy ra động đất có tọa độ (22.226 độ vĩ Bắc, 105.344 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 15,6km.
"Viện Vật lý địa cầu đánh giá, cấp độ rủi ro thiên tai của trận động đất này là cấp 0", đại diện Viện Vật lý địa cầu cho biết, theo Vietnamnet.
Khi trận động đất xảy ra, nhiều người dân ở huyện Thanh Thủy, Tam Nông (Phú Thọ) và huyện Ba Vì (Hà Nội) cảm nhận được rung lắc từ trận động đất này.
Báo Sức khỏe & Đời sống dẫn lời TS. Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu cho biết, động đất ở Phú Thọ là động đất tự nhiên phát sinh trên hệ thống đứt gãy sông Hồng. Theo thống kê 100 năm qua, trong phạm vi bán kính 50km từ khu vực chấn tâm này đã ghi nhận 43 trận động đất có độ lớn từ 2,5 đến 5,3. Trong đó, trận động đất có độ lớn M = 5,3 ghi nhận vào năm 1958 tại huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. Động đất xảy ra trên đứt gãy là chuyện bình thường.
Theo Viện Vật lý địa cầu, động đất xảy ra trên đới đứt gãy sông Hồng. Đứt gãy dài khoảng 1.560 km, bắt đầu từ Vân Nam (Trung Quốc) kéo đến vịnh Bắc Bộ. Kết quả nghiên cứu cho thấy khu vực này có thể xảy ra động đất dưới 5,3 độ.
Theo thang độ lớn mô men, động đất 2,5-5,4 người dân cảm nhận được và chỉ gây hư hại nhỏ. Độ lớn 5,5-6 gây thiệt hại cho các tòa nhà; 6,1-6,9 có thể gây thiệt hại đáng kể cho khu đông dân cư; từ 7 trở lên gây thiệt hại nghiêm trọng.
Viện Vật lý Địa cầu cũng cho biết, trong 10 tháng năm 2024, cả nước đã xảy ra hơn 400 trận động đất nhỏ tại các tỉnh Kon Tum, Hòa Bình, Tuyên Quang, Phú Yên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Điện Biên, Hà Nội..., trong đó chủ yếu là động đất kích thích xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông của tỉnh Kon Tum.