Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 đang đến rất gần. Dịp này, những người trồng đào, quất cảnh tại xã Hợp Lý, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) đang tất bật không ngơi nghỉ trên những cánh đồng quất để hoàn thành nốt những công đoạn cuối cùng như tuốt lá, tỉa cành, gò thế, làm đẹp cho cây trước khi đưa ra thị trường.
Hiện, toàn xã Hợp Lý có hơn 700 hộ trồng hoa, trồng cây cảnh với diện tích khoảng 80ha, trong đó quất chiếm diện tích hơn 37ha. Chỉ tính riêng 2 loại cây truyền thống là đào, quất, bình quân mỗi năm toàn xã Hợp Lý cung cấp cho thị trường lên tới hơn 50.000 cây.
Nghề trồng cây cảnh, trồng đào, quất cảnh đã mang lại cuộc sống khá giả hơn cho người dân xã Hợp Lý, nhiều gia đình kinh tế phất lên sau một vài năm trúng vụ. Tuy nhiên, theo người dân địa phương, từ vụ Tết năm ngoái, khi đại dịch COVID-19 bùng phát, số lượng cây cảnh, cây quất, cây đào Tết bán ra đã giảm đáng kể. Họ đang kỳ vọng, năm nay kinh tế đã hồi phục sau dịch COVID-19, nhu cầu mua quất cảnh trưng Tết sẽ lớn hơn năm ngoái.
Có kinh nghiệm nhiều năm trong nghề trồng quất cảnh, ông Nguyễn Duy Trí (thôn Đông Thành, xã Hợp Lý) cho biết, nghề trồng quất rất vất vả, tốn nhiều công chăm bón nên người trồng phải tâm huyết mới có được cây quất đẹp.
Bên cạnh đó, người chơi quất cảnh ngày càng khắt khe trong việc đòi hỏi cây quất phải xanh tươi, dù quất tạo thế hay tạo dáng hình tháp thông thường cũng phải đẹp toàn diện: Lá xanh, chồi non, hoa, quả xanh và quả chín. Bởi thế mà những người trồng quất như ông Trí ngoài đầu tư công sức cũng phải có những phương pháp riêng để hợp gu người tiêu dùng.
Nhìn 3 sào quất quả đã bắt đầu chín vàng, ông Trí đầy hy vọng: "Vất vả cả năm chỉ trông chờ vào vụ Tết. Năm nay, giá quất cảnh cũng không khác so với năm trước, giá từ 200.000 – 300.000 đồng/cây tại ruộng. Còn với những cây quất để lâu năm, uốn bonsai có giá bán cao hơn".
Còn với gia đình ông Nguyễn Bá Hùng (thôn Đông Thành, xã Hợp Lý), vụ quất năm nay ông đầu tư trồng 5 sào quất với gần 1.000 gốc. Thời tiết năm nay ông đánh giá thuận lợi cho cây quất phát triển nên cây nào cây nấy đều trĩu quả.
Đối với quất thế, mọi năm ông Hùng bán cất với giá từ 300.000 – 500.000 đồng/cây tại ruộng. Còn với những cây quất để lâu năm, uốn bonsai, giá bán có thể gấp 5, gấp 10 lần. Mỗi sào quất cho thu nhập khoảng 150 - 250 triệu đồng, sau khi trừ chi phí mua giống, phân bón, thuê công nhân... ông thu lãi khoảng 60%.
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 trong 2 năm qua, để thích ứng với tình hình chung, nhiều hộ gia đình ở đây cũng đã chủ động giảm số lượng diện tích trồng xuống, chuyển đổi sang trồng loại cây khác như đào cảnh.
Hiện nay, toàn xã Hợp Tiến có hơn 225ha diện tích đất nông nghiệp, xã đã chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây quất cảnh, đào cảnh với diện tích đến nay là gần 60ha.
Ông Phạm Đình Nam, Chủ tịch UBND xã Hợp Lý cho biết, diện tích đất nông nghiệp của xã Hợp Lý hiện đang triển khai thành 2 khu vực chính, một điểm trồng cây cảnh là trồng cây đào, cây quất, cây hoa giấy… và một điểm trồng cây bóng mát, cây công trình.
Theo định hướng của UBND huyện Triệu Sơn thì xã Hợp Lý sẽ được quy hoạch thành vùng chuyên canh trồng cây cảnh nổi bật của huyện và tỉnh.
Lương Diễn