Nhà tâm lý học Hồ Thận Chí (Trung Quốc) từng kể về tuổi thơ của mình. Trong trí nhớ của anh, cha giống như một "kẻ độc tài", luôn kiểm soát mọi thành viên trong gia đình. Còn mẹ thì quá mức hiền lành, chỉ biết im lặng nín nhịn mọi việc.
Sinh ra trong một gia đình như vậy, từ nhỏ anh đã ngoan ngoãn, nhạy cảm và có lòng tự trọng thấp, thậm chí khi lớn lên còn mắc chứng trầm cảm.
Vì chứng bệnh tâm lý, anh phải học ngành tâm lý học để chữa lành vết thương lòng thời thơ ấu.
Trong cuốn sách Recovering from Emotionally Immature Parents (bản Việt: Cha Mẹ Non, Con Lớn Dại) của nhà tâm lý học Lindsay C. Gibson từng viết: "Gia đình bất hạnh nào cũng có một thành viên mang tính cách cưỡng ép. Họ coi mình là trung tâm, đặt nhu cầu của bản thân lên hàng đầu. Họ chỉ biết bảo vệ cảm xúc và nhu cầu của bản thân nhưng không bao giờ quan tâm đến cảm xúc của người khác".
Gia đình nào có người thân mang tính cách "cưỡng ép" như vậy quả là tai họa.
01
Trong một bộ phim Trung Quốc từng có một cảnh như sau:
Trương Xuân Mai là một bà mẹ. Cô từng tự hào vì con trai mình đỗ vào trường đại học trọng điểm.
Không lâu sau khi vào đại học, con trai bị giảng viên phàn nàn vì thường xuyên nghỉ học, thi trượt quá nhiều môn và có nguy cơ bị đuổi học. Nghe tin này, Trương Xuân Mai tức giận đến mức chạy đến mắng con nhưng chỉ đổi lại một câu "Đủ rồi" từ đối phương. Sau đó, cậu con trai bỏ nhà ra đi.
Trương Xuân Mai rất đau lòng. Cô thực sự không hiểu tại sao con trai bỗng nhiên học hành sa sút, còn coi mẹ như kẻ thù. Câu trả lời nằm ở cách Trương Xuân Mai dạy con.
Trong 18 năm, Trương Xuân Mai kiểm soát con trong mọi việc như đăng ký vào trường luyện thi, chọn chuyên ngành và trường đại học,... đều do một mình cô làm chủ. Bởi sự quản lý mù quáng này mà tuổi thơ của cậu trai chỉ toàn màu xám xịt. Cậu không có bạn chơi chung và chưa từng thấy hạnh phúc.
Vì vậy, khi mới bước chân vào cánh cổng đại học, rời xa tầm kiểm soát của mẹ, con trai lập tức muốn sống đời tự do. Cậu tham gia vào ban nhạc, trốn học, trượt môn và buông thả cuộc đời mình.
Nguyên nhân khiến nhiều gia đình xảy ra mâu thuẫn trong mối quan hệ cha mẹ - con cái thường là do phụ huynh thiếu ý thức về ranh giới. Họ áp đặt mong muốn của bản thân lên con và can thiệp quá mức vào cuộc sống của đứa trẻ.
Khi đó, đứa trẻ chỉ cảm thấy trên vai mang áp lực nặng nề. Chúng chỉ mong sống đời tự do và một ngày được thoát khỏi chiếc lồng giam giữ mình.
Sự sắp xếp từ A-Z của cha mẹ với cuộc đời đứa trẻ chừng như muốn tốt cho con, nhưng thực tế sẽ khiến chúng bị kiệt sức cả về thể chất và tinh thần.
Có một chủ đề từng được quan tâm trên mạng xã hội với nội dung: "Bạn nghĩ bạn là gì đối với bố mẹ?".
Một người dùng đã để lại câu trả lời đau lòng dưới phần bình luận.
"Khi lớn lên, tôi nhận ra bản thân chỉ là công cụ để người khác thực hiện lý tưởng của họ.
Ở trường mẫu giáo, họ thấy những đứa trẻ khác hát rất hay nên cho tôi đi học hát dù tôi bị tai điếc.
Khi tôi học lớp 5, con của bạn họ đạt Huy chương vàng Olympic Toán học nên họ đăng ký cho tôi vào lớp ôn luyện Olympic. Mặc dù tôi nghe giảng không hiểu một chữ.
Khi tôi học năm 2 Trung học, người ta nghe nói học khối Khoa học sẽ dễ xin việc hơn nên ép tôi học chuyên ngành này. Mặc dù điểm số của tôi ở khối Nghệ thuật tốt hơn.
Khi tôi điền đơn đăng ký thi đại học, họ yêu cầu tôi nộp đơn vào trường mà họ từng thi trượt. Vì ngôi trường này là điều họ tiếc nuối, mặc kệ tôi đã có một ngôi trường mục tiêu mà tôi rất muốn vào học…
Vì vậy, sau khi tốt nghiệp đại học, tôi lập tức rời đi, trốn khỏi ngôi nhà mà tôi ghét bỏ".
Trong cuộc sống, luôn có rất nhiều bậc cha mẹ như vậy. Họ không hài lòng với hoàn cảnh cuộc sống hiện tại nên áp đặt mong muốn của bản thân lên con cái.
Nhưng họ quên rằng đứa trẻ không phải là tập đính kèm của cha mẹ. Con là một cá thể có bản lĩnh và tư duy độc lập.
Nếu cha mẹ luôn muốn kiểm soát cuộc sống của con thì điều chờ đợi họ chắc chắn là một bi kịch.
02
Trong một gia đình, điều duy nhất một người có thể yêu cầu thay đổi là chính mình, chứ không phải bất kỳ thành viên nào khác.
Thạc sĩ tâm lý học tên Hellinger từng nói: "Những gia đình hạnh phúc đều có một điểm chung, đó là trong nhà không có người kiểm soát người khác".
Dù là cha mẹ, người yêu hay con cái thì chúng ta đều phải hiểu rằng tình yêu đích thực không bao giờ đi cùng sự thống trị và áp đặt lên đối phương. Đúng hơn là hãy để người khác sống theo cách của họ và là chính họ.
Nữ ca sĩ Y Năng Tịnh cho hay, cô từng muốn can thiệp cuộc sống của con trai khi cậu ở tuổi vị thanh niên. Con trai muốn học biên tập, nhưng Y Năng Tịnh chỉ cho con học viết kịch bản. Con trai không đồng ý, nên hai mẹ con xảy ra cãi vã.
Trong lúc mâu thuẫn lên đỉnh điểm, cậu con trai lớn tiếng nói: "Sao mẹ cho rằng điều mẹ làm là tất cả? Mẹ chưa bao giờ hiểu rõ về tương lai của con?".
Y Năng Tịnh bị sốc trước câu nói này của con. Kể từ đó, nữ ca sĩ hoàn toàn tôn trọng lựa chọn của con, dành cho con sự bao dung và hỗ trợ lớn nhất khi cậu cảm thấy lạc lõng với môi trường xung quanh. Cậu con trai giờ đã sống đúng với mong đợi của Y Năng Tịnh, đó là trở thành người độc lập, tự do, tốt bụng, ấm áp và tỏa sáng theo cách riêng. Mối quan hệ của hai mẹ con cũng trở nên hoà hợp.
Mối quan hệ thoải mái nhất giữa con người với nhau là cho phép đối phương được là chính họ và cho phép bạn được là chính mình.
Và các thành viên trong gia đình lại càng cần điều này hơn.
Khi bạn chấp nhận mọi thành viên trong gia đình mình bằng cả trái tim, mối quan hệ sẽ trở nên thoải mái. Gia đình sẽ hòa thuận, hạnh phúc và mỗi thành viên đều tìm thấy cách mà họ muốn sống.
Nhà tâm lý học Carl Jung từng nói: "Khi tình yêu thống trị thì quyền lực không tồn tại. Khi quyền lực thống trị thì tình yêu biến mất".
Gia đình là điểm khởi đầu và đích đến của con người.
Không chỉ từ bỏ sự ép buộc cho chính mình mà bạn nên tháo bỏ cả xiềng xích đang trói buộc gia đình bạn.
Chỉ khi các thành viên học được cách tôn trọng, bao dung và yêu thương nhau lẫn nhau thì con thuyền nhỏ của gia đình mới vững vàng tiến về phía trước, bất chấp gió mưa hay bão bùng.
Dương