NIS: Quân Triều Tiên gia nhập đơn vị tinh nhuệ Nga
Tờ Wall Street Journal (Mỹ) và hãng tin Reuters (Anh) ngày 20/11 dẫn nguồn từ Cơ quan tình báo quốc gia Hàn Quốc (NIS) cho hay, khoảng 10.900 binh sĩ Triều Tiên đã được triển khai tới tỉnh Kursk (Nga) nhằm hỗ trợ Moscow chống lại lực lượng vũ trang Ukraine tại đây.
Số binh sĩ này đã gia nhập vào các đơn vị không quân, lính thủy đánh bộ tinh nhuệ của Nga và “tham gia vào các cuộc giao tranh với lực lượng Ukraine”.
Ngoài ra, theo tình báo Hàn Quốc, Bình Nhưỡng đã cung cấp thêm vũ khí cho Nga, trong đó có gần 50 hệ thống pháo tự hành Koksan thuộc hàng lớn nhất của Triều Tiên (mệnh danh “vua chiến trường” (King of battle), tầm bắn 60km) và 20 hệ thống pháo phản lực phóng loạt 220mm có thể bắn đạn chùm, được phát triển dựa trên phiên bản BM-27 Uragan của Liên Xô.
Theo Trung úy Andriy Kovalenko, người đứng đầu Trung tâm Chống thông tin sai lệch tại Hội đồng An ninh và Quốc phòng Quốc gia Ukraine, Kiev đã ghi nhận một bức ảnh mà trong đó các hệ thống Koksan được vận chuyển bằng tàu hỏa qua thành phố Krasnoyarsk, miền trung nước Nga. Ông Kovalenko cho biết, các hệ thống này được chuyển tới Kursk để đối đầu lực lượng Ukraine.
Thông tin được đưa ra trong bối cảnh Ukraine vừa tiến hành 2 cuộc tấn công bằng tên lửa ATACMS và Storm Shadow do Mỹ và Anh cung cấp nhằm vào các tỉnh Bryansk và Kursk của Nga.
Trước đó, thông tin về các cuộc giao tranh đầu tiên với lực lượng Triều Tiên đã được phía Ukraine đưa ra từ ngày 4/11 và 7/11. Tới ngày 12/11, Phó phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel xác nhận quân Triều Tiên tại Kursk đã bắt đầu giao chiến chống lại lực lượng Ukraine.
"Hôm nay, chúng tôi có thể xác nhận rằng, hơn 10.000 binh sĩ Triều Tiên đã được đưa tới miền đông nước Nga, sau đó phần lớn di chuyển tới tỉnh Kursk ở phía tây và tại đây, họ đã bắt đầu tham gia vào các hoạt động chiến đấu cùng lực lượng Nga" – Ông Patel nói.
Mặc dù không trực tiếp đề cập việc điều quân tới Nga nhưng trong chuyến thăm tới Moscow đầu tháng 11, Ngoại trưởng Triều Tiên Choe Son Hui nhấn mạnh, Triều Tiên sẽ sát cánh cùng Nga "cho tới ngày chiến thắng" ở Ukraine.
Bà cho biết, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un đã chỉ đạo ngay từ đầu chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga rằng "chúng tôi, không cần nhìn lại bất kỳ ai, phải luôn kiên định và mạnh mẽ hỗ trợ, giúp đỡ quân đội và nhân dân Nga".
Ngày 11/11, Chủ tịch Kim Jong Un đã hoàn tất thủ tục phê chuẩn hiệp ước quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Nga.
Hiệp ước này bao gồm một điều khoản phòng thủ chung đề cập rằng nếu một trong hai bên rơi vào tình trạng chiến tranh do bị một hoặc nhiều phía tấn công vũ trang, thì bên còn lại trong Hiệp ước sẽ ngay lập tức "cung cấp hỗ trợ quân sự bằng mọi cách có thể theo Điều 51 Hiến chương Liên Hợp Quốc và tuân thủ luật pháp Nga, Triều Tiên".
Mỹ thông tin về nhân vật thống lĩnh gần 11.000 quân Triều Tiên ở Kursk
WSJ dẫn nguồn tin từ chính phủ Mỹ cho biết, Bình Nhưỡng đã bổ nhiệm Thượng tướng Kim Yong Bok là người được ủy quyền ra quyết định, thống lĩnh 11.000 quân Triều Tiên tại Nga.
Trước đó, trong bài phát biểu được chuẩn bị trước tại Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc hôm 30/10, phái đoàn Ukraine cho biết, ông Kim, cùng 2 tướng khác nằm trong số ít nhất 500 sĩ quan Triều Tiên được cử tới Nga. Tuy nhiên, ở thời điểm đó, vai trò của ông Kim chưa được hé lộ.
Theo WSJ, Thượng tướng Kim là Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Triều Tiên sẽ không trực tiếp tham gia chiến đấu, mà có trách nhiệm phối hợp hoạt động của lực lượng Triều Tiên với quân đội Nga, tiếp thu các kinh nghiệm trên chiến trường để áp dụng trong nước và thiết lập kênh liên lạc cho các đợt triển khai trong tương lai.
Theo WSJ, kinh nghiệm chiến trường sẽ giúp Triều Tiên cập nhật chiến thuật quân sự trong nước bằng cách tiến hành chiến tranh hiện đại. Trong tuần trước, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo, lực lượng Nga đã huấn luyện cho quân đội Triều Tiên các kỹ năng quan trọng như pháo binh, tác chiến chiến hào và sử dụng máy bay không người lái.
Đáng lưu ý, trước khi được điều tới Nga, Thượng tướng Kim Yong Bok hiếm khi được nhìn thấy hoặc nhắc tới trước công chúng. Vai trò lãnh đạo lực lượng đặc nhiệm đòi hỏi ông phải giữ kín danh tính.
Ông Kim được thăng chức lãnh đạo lực lượng đặc nhiệm Triều Tiên năm 2015. Một năm sau, ông được bầu vào Ủy ban Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên.
Nhà nghiên cứu Jeon Kyung-joo tại Viện phân tích quốc phòng Hàn Quốc nhận định, việc thông tin về ông Kim được công bố nhiều hơn cho thấy Triều Tiên muốn Nga cảm thấy an tâm rằng, “một nhân vật đáng tin cậy sẽ được cử đến chỉ huy việc triển khai quân, trong đó có cả lực lượng đặc biệt”.
Các thông tin về ông Kim Yong Bok tăng dần sau chuyến thăm Bình Nhưỡng của Tổng thống Nga Vladimir Putin tháng 6 năm nay.
Cùng thời gian này, ông Kim xuất hiện nhiều hơn trong các chuyến tháp tùng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tới thăm các khu vực bị lũ lụt, quan sát lực lượng đặc nhiệm huấn luyện và tập trận pháo binh. Trong các cuộc “vi hành”, tướng Kim thường cầm bút và sổ tay đứng cạnh Chủ tịch Triều Tiên.
Thành viên cấp cao tại tổ chức tư vấn Hội đồng Đại Tây Dương (trụ sở ở Washington) Ryo Hinata-Yamaguchi nhận định, việc cử một tướng lĩnh cấp cao như ông Kim Yong Bok tới Nga cho thấy Triều Tiên nghiêm túc trong cam kết của mình với Moscow.
Tùng Chi