Có những loại vạch kẻ đường nào?
Phụ lục G, Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 41:2019/BGTVT đã quy định ý nghĩa và cách sử dụng từng loại vạch kẻ đường như dưới đây:
Nhóm vạch phân chia 2 chiều xe chạy ngược chiều (dải vạch có màu vàng):
Dạng vạch đơn, nét đứt: Sử dụng để phân chia hai chiều xe chạy. Các xe được phép cắt qua để sử dụng làn ngược chiều từ cả hai phía.
Dạng vạch đơn, nét liền: Sử dụng để phân chia hai chiều xe chạy ngược chiều, các xe không được lấn làn, không được đè lên vạch.
Vạch đôi song song, liền nét: Sử dụng để phân chia hai chiều xe chạy ngược chiều, các xe không được đè lên vạch, không được lấn làn. Đây là loại vạch dành cho các đường có nhiều hơn 4 làn xe cơ giới.
Vạch đôi song song, một vạch liền nét, một vạch đứt nét: Loại vạch này được sử dụng trên đường có nhiều hơn 2 làn xe nhằm phân chia 2 chiều xe chạy ngược chiều. Các xe di chuyển trên làn đường tiếp giáp với vạch đứt nét sẽ được phép cắt qua khi cần thiết. Tuy nhiên, xe ở trên đường tiếp giáp với vạch liền nét không được đè lên vạch, không được lấn làn.
Nhóm vạch phân chia các làn xe chạy cùng chiều (dải vạch có màu trắng):
Dạng vạch đơn, đứt nét: Sử dụng để phân chia các làn xe cùng chiều. Các xe được phép chuyển làn đường qua vạch.
Dạng vạch đơn, liền nét: Sử dụng để phân chia các làn xe cùng chiều ở trong trường hợp không cho phép xe chuyển làn hoặc là sử dụng làn khác. Các xe không được lấn làn và không được đè lên vạch.
Dạng một vạch liền, một vạch đứt nét: Trong trường hợp cần thiết, xe trên làn đường tiếp giáp được phép cắt qua vạch. Các trên làn đường tiếp giáp với vạch liền nét thì không được đè vạch hoặc là lấn làn.
Nhóm vạch giới hạn mép phần đường xe chạy:
Vạch giới hạn mép ngoài phần đường xe chạy hoặc là vạch phân cách làn xe cơ giới và làn xe thô sơ (liền nét, màu trắng): Sử dụng để xác định mép ngoài phần đường xe chạy; hoặc là phân cách làn xe cơ giới và xe thô sơ. Các xe được phép đè lên vạch khi cần thiết, lưu ý là phải nhường đường cho xe thô sơ.
Các xe có bị xử phạt khi đè vạch liền không?
Lỗi đè vạch được xác định khi mà người điều khiển phương tiện tham gia giao thông để bánh xe đè lên hoặc là lấn sang các loại vạch kẻ đường mà không được phép cắt qua.
Trong quá trình điều khiển phương tiện tham gia gia giao thông, không ít tài xế mắc những lỗi đè vạch như đè vạch liền đường hai chiều, đè vạch xương cá, đè vạch liền trên cầu, đè vạch khi dừng đèn đỏ…
Với những lỗi trên, theo như Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP thì sẽ thuộc hành vi vi phạm "Không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường" với các mức xử phạt cụ thể như dưới đây:
Loại phương tiện | Mức phạt tiền | Hình phạt bổ sung |
Xe đạp, xe đạp máy |
Theo Điểm c Khoản 1 Điều 8 80.000 - 100.000 đồng |
Không có |
Xe máy |
Theo Điểm a Khoản 1 Điều 6 100.000 - 200.000 đồng |
Đè vạch gây tai nạn: Tước Giấy phép lái xe từ 2 - 4 tháng theo quy định tại Điểm c Khoản 10 Điều 6. |
Ô tô |
Theo Điểm a Khoản 1 Điều 5 300.000 - 400.000 đồng |
Đè vạch gây tai nạn: Tước Giấy phép lái xe từ 2 - 4 tháng theo quy định tại Điểm c Khoản 11 Điều 5. |
Máy kéo, xe máy chuyên dùng |
Theo Điểm a Khoản 1 Điều 7 100.000 - 200.000 đồng |
Đè vạch gây tai nạn: Tước Giấy phép lái xe (máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (xe máy chuyên dùng) từ 2 - 4 tháng theo quy định tại Điểm b Khoản 10 Điều 7. |