Xe máy phân khối đi vào cao tốc, ai mạo hiểm 'đánh cược' mạng sống?

Xe máy phân khối đi vào cao tốc, ai mạo hiểm 'đánh cược' mạng sống?

Thứ 6, 18/11/2016 23:16
Th.S Vũ Đình Hiền cho biết, đề xuất cho xe máy phân khối lớn đi vào đường cao tốc cần phải nghiên cứu kỹ, nếu hạ tầng giao thông kém liệu xe máy phân khối lớn có mạo hiểm đi vào cao tốc không?.

Mới đây, tại Hội thảo do Tổng cục Đường bộ Việt Nam tổ chức, nhiều ý kiến đề xuất sửa Luật Giao thông đường bộ cho xe máy phân khối lớn lưu thông vào cao tốc. Ý tưởng trên đã ngay lập tức gây nhiều tranh cãi, bởi, nhiều ý kiến đưa ra, việc này chẳng khác gì mạo hiểm với tính mạng người tham gia giao thông.

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, Anh Vũ Anh Tuân (biệt danh Tuấn Ken, thành viên một CLB Phượt) cho rằng: “Các cơ quan quản lý cho xe motor phân khối lớn vào đường cao tốc là một phương án hợp lý. Tuy nhiên, hệ thống hạ tầng giao thông của chúng ta hiện nay, vẫn chưa đủ các điều kiện để cho xe motor phân khối lớn vào đường cao tốc.

Các cơ quan quản lý cần phải xem xét rất kỹ và hết sức thận trọng, bởi đường cao tốc của Việt Nam chưa đạt chuẩn, khiến việc đi lại rất khó khăn. Tôi thấy, với điều kiện như hiện nay thì không ai dám mạo hiểm đi xe phân khối lớn vào cao tốc cả, cần phải chú trọng đến hệ thống hạ tầng giao thông cho tốt trước rồi mới cho xe phân khối lớn đi vào cao tốc như vậy sẽ hợp lý hơn”.

 Tai nạn do xe mô tô phân khối lớn gây ra Ảnh: Internet

Anh Tuân cho hay: “Ngoài mặt đường chất lượng chưa được tốt, đường hẹp, hệ thống biển báo giao thông trên các đường cao tốc còn nhiều hạn chế, nhiều tuyến đường còn không được quy định rõ ràng bao nhiêu km. Tôi đã đi trên nhiều tuyến đường cao tốc, nhận thấy nhiều đoạn giao cắt nhau, ngã ba, ngã tư các đường để cho các làn xe hợp lại với nhau rất nguy hiểm. Tai nạn giao thông hoàn toàn có thể xảy ra nếu không kiểm soát được tốc độ”.

Liên quan tới vấn đề trên, trao đổi với, Th.S Vũ Đình Hiền – Phó trưởng Bộ môn Đường bộ, trường ĐH Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết: “Đường cao tốc là đường được thiết kế theo tiêu chuẩn dành các loại phương tiện có phân khối lớn lưu thông, nhằm đảm bảo rút ngắn thời gian đi lại và an toàn. Tôi cho rằng, đề xuất cho xe máy phân khối lớn đi vào đường cao tốc cần phải nghiên cứu kỹ về hạ tầng giao thông. Nếu hạ tầng giao thông kém liệu xe máy phân khối lớn có mạo hiểm đi vào cao tốc không?.

Để thực hiện được việc này, đầu tiên chúng ta cần phải mở rộng hệ thống hạ tầng giao thông, tạo độ nhám cho mặt đường, các điểm giao cắt, hợp làn cần phải có các thiết bị biển báo giao thông vì hiện nay hệ thống biển báo còn quá sơ xài. Đồng thời, phải phân loại, phân biệt, quản lý được các loại xe vì trên cả nước có rất nhiều các loại phương tiện phân khối khác nhau”.

“Hiện nay, nhiều tuyến đường cao tốc của chúng ta vẫn có những điểm chưa đạt chuẩn nên tiềm ẩn vấn đề tai nạn giao thông là rất cao. Đặc biệt, cũng phải tuyên truyền và bổ sung một số điều luật khi loại xe này đi vào đường cao tốc”, Th.S Hiền nêu quan điểm.

Thực tế, đã có nhiều vụ tai nạn xảy ra trên cao tốc liên quan tới xe máy phân khối lớn, vào vgày 28/6/2016, tại đoạn cuối cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, chiều đi Hà Nội, đã xảy ra một vụ tai nạn mô tô phân khối lớn. Do một người đàn cầm lái chiếc mô tô phân khối lớn mang nhãn hiệu BMW màu bạc đã gặp tai nạn tại khúc cua trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên. Hậu quả, người đàn ông tử vong, chiếc xe bị văng ra giữa đường.

Trước đó, ngày 1/3/2015, ngay trước giờ xuất phát chặng 2 Giải Đua xe đạp nữ quốc tế - Cúp Biwase lần 5, trong lúc cùng đoàn mô tô thể thao dẫn các VĐV và đoàn đua đến khu vực xuất phát tại La Ngà, Định Quán, một số thành viên của Đội mô tô TP HCM (Liên đoàn Mô tô Xe đạp TP TP HCM) đã va chạm với một số thanh niên đi mô tô phân khối lớn không thuộc đoàn đua, gây tai nạn nghiêm trọng khiến cho 1 VĐV mô tô thể thao tử vong, 1 VĐV khác bị thương nặng.

 
   

Thế Anh

xe.nguoiduatin.vn