Gần đây, có thời gian rảnh rỗi nên tôi quyết định "cày" bộ phim Sex Education trên Netflix. Khi xem đến những phân cảnh về nhân vật ông Hiệu trưởng cực đoan Michael Groff, tôi có rất nhiều cảm xúc và suy nghĩ.
Michael là một người thầy, người cha cực đoan, bắt nạt học sinh và chính con trai của mình bằng những suy nghĩ, tư tưởng cổ hủ, khắt khe quá mức. Sau này, sau biến cố mất việc, vợ bỏ, con cái xa cách, rất may là Michael đã dần nhận ra sai lầm và sửa đổi.
Sự sửa đổi của ông ta có đóng góp rất lớn từ Jean Milburn - mẹ của nam chính Otis. Jean đã đưa ra rất nhiều lời khuyên cho Michael, trong đó có 1 câu nói đầy sâu sắc.
"Very often, Michael, when children are bullied by a parent, they falsely learn that emotions are a sign of vulnerability, and so they shut them off" - (Tạm dịch: "Có rất nhiều trường hợp, Michael, khi một đứa trẻ bị cha mẹ bắt nạt, chúng sẽ hiểu sai rằng cảm xúc là dấu hiệu của sự yếu đuối, và vì thế, chúng kìm nén chúng lại").

Jean là một nhà trị liệu tình dục, nhưng bà cũng có hiểu biết sâu sắc về tâm lý con người. Xuyên suốt phim có thể thấy việc bị bố bắt nạt đã khiến Adam gặp nhiều vấn đề về tự tin, cảm xúc và các mối quan hệ như nào.
Jean đã giải thích giúp Michael hiểu rằng những tổn thương mà Adam phải chịu không chỉ là về mặt hành vi mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến cách Adam nhìn nhận cảm xúc và cách cậu thể hiện bản thân trong cuộc sống.
Câu nói của Jean không chỉ dành riêng cho Michael và Adam mà còn phản ánh một vấn đề lớn hơn trong xã hội. Đó là những đứa trẻ lớn lên trong môi trường độc hại thường gặp khó khăn trong việc kết nối với cảm xúc của chính mình. Khi bị cha mẹ áp đặt, chúng dễ hình thành cơ chế phòng vệ bằng cách kìm nén cảm xúc thay vì học cách xử lý chúng một cách lành mạnh.
Câu nói này cũng khiến tôi nhớ đến một đứa trẻ học cùng lớp với con mình, tên là T. Cháu T. học giỏi, mặt mũi khôi ngô, sáng sủa nhưng lúc nào cũng rụt rè, nhút nhát. Trong một lần cháu sang nhà tôi học nhóm cùng con tôi và các bạn khác, tôi đã quan sát thấy điều đó. Lúc đầu, tôi nghĩ có thể điều kiện kinh tế gia đình cháu không tốt, khiến cháu tự ti. Nhưng hóa ra, nhà cháu rất có điều kiện.
Mãi cho đến một hôm đi đón con tan học, tôi tình cờ gặp mẹ T. đến đón cháu thì tôi mới biết lý do. Giữa cổng trường, có bao nhiêu bạn bè qua lại nhưng mẹ T. oang oang mắng con vì một chuyện nhỏ là sáng cháu đi học có cầm nhầm chùm chìa khóa của mẹ, khiến mẹ có việc cần về nhà nhưng không mở được cửa.
Lúc đó, tôi đã có suy nghĩ rằng: Ở nơi công cộng mà còn mắng con như thế, vậy ở nhà còn mắng mỏ cỡ nào? Chẳng trách đứa trẻ lúc nào cũng tự ti, rụt rè, luôn nhìn mọi người bằng ánh mắt lo lắng.
Nhìn người mẹ đó, tôi càng tự nhủ lòng mình không bao giờ dạy dỗ con cái theo kiểu độc hại như vậy.
Tôi thực sự khuyên các bậc cha mẹ, cần tránh bắt nạt con hoặc sử dụng sự nghiêm khắc quá mức để kiểm soát con. Nhiều người thường áp đặt quyền lực bằng cách quát mắng, chỉ trích, khiến con sợ hãi và mất tự tin.
Những câu như "Nếu con không đạt điểm cao, đừng có nhìn mặt bố mẹ nữa!" hay "Có chuyện nhỏ mà cũng không làm nên hồn!" có thể để lại vết thương tâm lý sâu sắc, khiến trẻ cảm thấy bản thân không đủ tốt và ngày càng thu mình lại.
Thay vì chỉ trích, hãy hướng dẫn con cách sửa sai một cách nhẹ nhàng, chẳng hạn như hỏi: "Con thấy mình có thể làm gì khác vào lần sau?" hoặc "Con có cần mẹ giúp gì không?". Điều này giúp con học cách tự đánh giá bản thân mà không cảm thấy bị áp lực hay sợ hãi.
Một điều quan trọng khác mà cha mẹ cần ghi nhớ là làm gương trong cách kiểm soát và bày tỏ cảm xúc. Nếu cha mẹ thường xuyên cáu giận, quát tháo hoặc trút giận lên con, trẻ sẽ học theo cách xử lý cảm xúc tiêu cực này.
Thay vì tức giận và quát lên, cha mẹ có thể nói: "Bố đang hơi căng thẳng, bố cần vài phút để bình tĩnh lại." hoặc "Mẹ rất buồn vì chuyện này, mẹ cần suy nghĩ thêm". Khi thấy cha mẹ kiểm soát cảm xúc một cách lành mạnh, trẻ cũng sẽ học theo và biết cách xử lý tình huống tương tự trong cuộc sống.
Sau cùng, cha mẹ cần giúp con xây dựng sự tự tin và khả năng xử lý cảm xúc. Tránh so sánh con với người khác, như nói "Nhìn bạn A kìa, nó giỏi hơn con biết bao nhiêu!", vì điều này chỉ khiến trẻ cảm thấy bản thân không đủ tốt. Thay vào đó, hãy công nhận nỗ lực của con, như "Mọi người ai cũng có lúc mắc sai lầm, quan trọng là con học được gì từ nó" hoặc "Con không cần phải hoàn hảo, chỉ cần cố gắng hết sức là đủ rồi".
Khi trẻ cảm thấy được cha mẹ chấp nhận và ủng hộ, chúng sẽ tự tin hơn trong việc thể hiện cảm xúc và đối diện với những thử thách trong cuộc sống.
Nếu chúng ta cứ vô tư cậy lớn mà bắt nạt con cái thì sẽ có ngày mối quan hệ cha mẹ - con cái sẽ chẳng thể nào cứu vãn được. Đó chính là điều mà tôi đã chiêm nghiệm được, từ rất nhiều trường hợp thực tế!
Thanh Hương
Bình luận tiêu biểu (0)