Nối thành công cổ bàn tay đứt lìa
Khoa Cấp cứu Bệnh viện tiếp nhận bệnh nhận L.T.T. (ở Tương Dương, Nghệ An) nhập viện với vết thương đứt lìa ngang cổ tay trái do tai nạn, đã được sơ cứu ở Bệnh viện huyện.
Bệnh nhân vào viện 6 giờ sau khi sự việc xảy ra. Thời gian xảy ra tai nạn gây đứt lìa đã khá lâu, các bác sĩ xác định mỗi phút qua đi, cơ hội phục hồi bàn tay bệnh nhân sẽ rút ngắn lại. Vì thế, các bác sĩ nhanh chóng thực hiện các xét nghiệm cần thiết và hội chẩn liên khoa. Ê kíp quyết định tiến hành phẫu thuật vi phẫu cấp cứu nối lại cổ tay đứt rời cho người bệnh. Ca phẫu thuật với diễn biến phức tạp kết thúc vào lúc 2h sáng, cũng là lúc bàn tay bệnh nhân trở nên hồng ấm.
Quá trình hồi sức và chăm sóc hậu phẫu cho bệnh nhân được thực hiện nghiêm ngặt theo đúng phác đồ. Bốn ngày sau phẫu thuật, bàn tay đứt rời đã thực sự được “hồi sinh” trên cổ tay tưởng như tàn phế của anh T. Hiện tại, gần 10 ngày sau phẫu thuật, tay của anh T. đã hồng ấm trở lại và có thể tập vận động. Anh T. vẫn đang được tiếp tục theo dõi và chăm sóc đặc biệt tại khoa. Trong thời gian tới anh T. còn phải trải qua quá trình luyện tập phục hồi chức năng để có thể vận động lại được gần như xưa.
Vi phẫu thuật nối ghép mạch máu, thần kinh, chi thể đứt rời được đánh giá là một kỹ thuật phức tạp, đòi hỏi phẫu thuật viên phải có trình độ chuyên sâu, đôi tay thật khéo léo và sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa các chuyên khoa. Bên cạnh đó, bác sĩ phẫu thuật còn phải am hiểu về quá trình đông máu, huyết động học, cấu trúc mạch máu,… để tránh các biến chứng có thể xảy đến trong quá trình phẫu thuật.
Bác sĩ CKI. Nguyễn Duy Quyết – Trưởng khoa Chi Trên cho biết: “Việc khâu nối lại mạch máu, các dây thần kinh cho bệnh nhân là thao tác khó, ngoài yêu cầu sự khéo léo, tập trung cao độ, ca mổ cũng cần rút ngắn thời gian để tái cấp máu cho bàn tay đứt rời sớm nhất có thể”.
Phẫu thuật nối chi thể đứt lìa với tỉ lệ thành công cao
Là bệnh viện tiên phong thực hiện phẫu thuật vi phẫu nối liền chi thể trên địa bàn tỉnh từ năm 2014; Hàng năm, Bệnh viện CTCH Nghệ An tiếp nhận và phẫu thuật thành công cho rất nhiều trường hợp bị đứt lìa chi thể, trả lại chức năng vận động cho bệnh nhân.
Bác sĩ Quyết cho biết: “Vi phẫu thuật nối ghép mạch máu, thần kinh, chi thể đứt rời được đánh giá là một kỹ thuật phức tạp, đòi hỏi phẫu thuật viên phải có trình độ chuyên sâu, đôi tay khéo léo và sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa các chuyên khoa”. Theo bác sĩ Quyết, thời gian vàng để “cứu sống” phần chi thể bị đứt lìa cho bệnh nhân là trước 6 giờ đồng hồ, nếu để lâu hơn các mô bắt đầu chết, khi đó việc nối liền khó thành công.
Tại Bệnh viện CTCH Nghệ An, với hệ thống phòng mổ quy chuẩn, trang thiết bị y tế hiện đại đáp ứng đầy đủ cho những ca mổ vô khuẩn và đòi hỏi kỹ thuật cao, cùng với đội ngũ chuyên môn được đào tạo bài bản, giàu kinh nghiệm cho phép khâu nối chính xác được các mạch máu nhỏ và các bó sợi thần kinh. Do vậy, việc nối lại các chi thể bị đứt rời có tỉ lệ thành công rất cao.
“Khi xảy ra những sự việc không may gây đứt lìa chi thể, cần sơ cứu cầm máu ngay tại chỗ, đưa bệnh nhân và phần chi bị đứt đến cơ sở y tế gần nhất để được sơ cứu; sau đó nhanh chóng tiến hành vận chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện chuyên khoa để được xử lý và can thiệp kịp thời.”, bác sĩ Quyết khuyến cáo.
Đậu Huyền