Hệ thống PACS (Picture Archiving and Communication System) được triển khai tại Việt Nam theo quy định tại Quyết định số 4868/QĐ-BYT ngày 16/11/2015 và Thông tư 46/2018/TT-BYT ngày 28/12/2018 của Bộ Y tế, mang lại rất nhiều lợi ích cho các bệnh viện và hàng triệu bệnh nhân trên cả nước.
Theo đó, tất cả các phim chụp hình ảnh của bệnh nhân sẽ không cần phải in ra. Sau khi chụp, phim sẽ được đẩy lên hệ thống liên thông với tất cả các bệnh viện.
Giảm ô nhiễm môi trường
PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý môi trường, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế chỉ ra: “Việc áp dụng Hệ thống PACS là bước tiến nhảy vọt của ngành y tế. PACS giúp bệnh viện loại bỏ phim X-quang truyền thống, giảm lượng rác thải nhựa và hóa chất độc hại từ việc in phim”.
Quá trình in phim phải dùng hóa chất có thể ảnh hưởng tới sức khoẻ của người làm công việc tráng, in phim. Một số hoá chất dùng tráng, in phim như: Hydroquinone & Metol chất khử trong dung dịch tráng phim, có thể gây kích ứng da, mắt và hệ hô hấp; Glutaraldehyde có trong dung dịch cố định ảnh, có thể gây dị ứng và ảnh hưởng đến hệ hô hấp; Acetic Acid (Axit axetic) thành phần trong dung dịch tráng phim, gây kích ứng mũi và cổ họng khi hít phải; Sulfur Dioxide (SO₂) sinh ra từ dung dịch xử lý phim cũ, có thể gây kích ứng mắt, da và hệ hô hấp…

Trong nước tráng phim còn chứa các kim loại, hoá chất độc gây ô nhiễm môi trường nước và đất. “Nếu không rửa phim nữa thì quá tốt”, PGS Huy Nga nói.
PGS Huy Nga cho biết phim X-quang được làm từ nhựa polyester, không phân hủy sinh học và gây ô nhiễm môi trường nếu bị đốt cháy, sinh ra khí độc, phát thải các loại khí gây ô nhiễm môi trường.
Ngoài ra, không cần giấy in kết quả chẩn đoán, giúp giảm tiêu thụ giấy và bảo vệ rừng, giảm phát thải carbon nhờ việc chia sẻ hình ảnh trực tuyến.
Tiết kiệm chi phí cho người bệnh
Theo PGS Huy Nga, việc không in phim X-quang sẽ giảm được chi phí cho người bệnh, giảm giá thành khi thăm khám. Bệnh nhân có thể dùng phim trực tuyến này khi đến khám tại các bệnh viện khác (do đã có sự liên thông giữa các bệnh viện).
Bệnh nhân sau khi chụp X-quang sẽ không cần chờ đợi kết quả, tiết kiệm được thời gian. Kết quả chụp sẽ được gửi về máy điện thoại cá nhân của người bệnh thông qua các nền tảng, ứng dụng.
Việc không in phim sẽ giảm chi phí điều trị cho bệnh nhân, nhất là những người có bệnh mãn tính cần chụp ảnh y khoa nhiều lần, PGS Huy Nga cho hay.
Giảm chi phí cho bệnh viện
Theo PGS Huy Nga, việc áp dụng PACS giúp tối ưu hóa không gian và chi phí: Không cần kho lưu trữ phim lớn, bệnh viện tiết kiệm được chi phí lưu trữ và bảo quản.
Bệnh Viện Hữu Nghị là một trong những đơn vị đầu tiên áp dụng PACS thông tin đã tiết kiệm được hơn 1 tỷ đồng do không phải in phim, hạn chế được rác thải gây ô nhiễm môi trường.
Đối với đội ngũ y bác sĩ, PACS cho phép họ truy cập hình ảnh ngay lập tức, giảm thời gian chờ đợi kết quả và điều trị nhanh hơn. Hình ảnh số hóa sắc nét, không bị mờ hay hỏng như phim X-quang, giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác hơn, giảm nguy cơ sai sót.
Đặc biệt, các bác sĩ sẽ thuận tiện trong lưu trữ và theo dõi bệnh án: Bệnh nhân có thể dễ dàng truy cập và gửi kết quả đến các cơ sở y tế khác khi cần tái khám hoặc điều trị.
Là một trong những đơn vị sử dụng PACS, ThS. Trần Văn Đức, Trưởng phòng Công nghệ Thông tin, Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh cho hay, nhờ hệ thống này, các phim chụp MRI, CT-Scan, X-quang được lưu trữ trực tuyến, giúp bệnh nhân không cần mang theo phim vật lý. PACS giúp cho bệnh nhân tiết kiệm thời gian, chi phí. Đặc biệt, việc không rửa phim còn giúp giảm rác thải y tế, bảo vệ môi trường.
“Nhờ hệ thống PACS mà chúng tôi có thể hội chẩn trực tuyến được với bất cứ chuyên gia, bác sĩ nào ở nước ngoài”, ông Đức nói.
Ngọc Minh
Bình luận tiêu biểu (0)