“TỐT NƯỚC SƠN” NHƯNG KHÔNG “TỐT GỖ”
“Ngoại binh ở Việt Nam không có chất lượng như ý. Giải đấu bắt đầu và các cầu thủ ngoại vẫn cần thời gian thích nghi. Có rất nhiều vấn đề với họ như lối chơi, thời tiết, văn hóa… Mỗi CLB có một trang để kiểm tra các cầu thủ, nhưng có nhiều yếu tố khiến họ thi đấu không được như trên video”.
Đó là phát biểu có phần chua chát của HLV Lê Đức Tuấn khi được hỏi về màn trình diễn thất vọng của ngoại binh Keziah Veendorp ở vòng 2 V.League 2024/25, nơi CLB Hà Nội để thua Thể Công với tỉ số 1-2.
Cầu thủ được biết đến với tư cách cựu đội trưởng U18 Hà Lan, trưởng thành từ lò đào tạo trẻ của Groningen, từng là đồng đội của Frenkie de Jong, Donny van de Beek, Steven Bergwijn… nhưng đã có 18 phút thi đấu “thảm họa” khi ra mắt ở V.League.
Keziah Veendorp vào sân ở phút 72 nhưng gây thất vọng bởi thân hình nặng nề, tốc độ chậm chạp, xứ lý vụng về. Và rồi ngay sau trận đấu đó, Keziah Veendorp bị gạch tên khỏi kế hoạch của CLB Hà Nội.
Câu chuyện về Keziah Veendorp được nhắc lại khi vào hôm qua (8/11), sau khi đội bóng Thủ đô thông báo chia tay tiền vệ này. Trước đó, ngay sau vòng 2, CLB Hà Nội đã phải vội chiêu mộ tiền vệ Jaha để đăng ký thay thế ngoại binh, chấp nhận loại Keziah Veendorp.
Và tới hôm qua, người hâm mộ còn mỉa mai lời tạm biệt “Cảm ơn những đóng góp của Keziah Veendorp” từ CLB Hà Nội, bởi với họ, cầu thủ sinh năm 1997 gần như không đóng góp được gì cho đội bóng.
Veendorp là cầu thủ được chuyên trang Transfermakrt định giá cao thứ hai Hà Nội FC với trị giá 450.000 euro (khoảng hơn 12 tỷ đồng). Dù vậy, những đóng góp của cựu đội trưởng U17 Hà Lan không khác con số 0 là mấy.
VÒNG LUẨN QUẨN VỚI NGOẠI BINH
Keziah Veendorp chỉ là cái tên tiếp theo minh chứng cho việc tuyển chọn ngoại binh đầy hỗn loạn của CLB Hà Nội trong thời gian qua. Chỉ trong vòng đúng 1 năm, đội bóng này đã đưa về tới hơn 10 ngoại binh, một con số khó tin với một CLB ở V.League.
Ngày 23/9/2023, CLB Hà Nội ra quân mùa giải mới, gặp CLB Pohang (Hàn Quốc) ở AFC Champions League với đội hình gồm 6 ngoại binh, bao gồm: Le Tallec, Marcao, Jevtovic, Wilson, Caion, Tagueu. Trận thua 2-4 này cũng mở ra giai đoạn thất vọng của đội bóng vì dàn ngoại binh không được như kỳ vọng, dẫn đến việc HLV Bandovic bị sa thải.
Tới giữa mùa, CLB Hà Nội thay thế ngoại binh, đưa về những cái tên mới gồm Ewerton, Denilson. Nhưng rồi đến hết mùa giải 2023/24, không cái tên nào trong toàn bộ số ngoại binh nói trên được giữ lại. CLB Hà Nội lại mua ngoại binh mới cho V.League 2024/25, nhưng trớ trêu thay, cả 3 cái tên hiện tại ở đội bóng là Jaha, Joao Pedro và Augustine Chidi đều chưa đáp ứng được kỳ vọng.
Thậm chí trong trận gần nhất gặp CLB Thanh Hóa ở vòng 6 hôm 3/11 vừa qua, CLB Hà Nội ra sân mà đội hình xuất phát không có bất kỳ ngoại binh nào, chỉ sử dụng duy nhất cầu thủ theo suất Việt kiều là Kyle Colonna.
NGOẠI BINH, NGOẠI TỆ VÀ NGOẠI HẠNG
Chuyện mua ngoại binh bị hớ ở V.League không phải vấn đề mới. Nhà vô địch World Cup 2002 Denilson chỉ đá được 52 phút cho CLB Hải Phòng rồi lập tức khăn gói ra đi, HAGL từng mùa nào cũng đều đặn thay 2-3 ngoại binh ở giữa mùa, và nhiều câu chuyện khác đã khiến người hâm mộ dần dần không còn đánh giá cao chất lượng cầu thủ ngoại ở V.League như trước.
Các ngoại binh đều có mức đãi ngộ cao vượt trội so với cầu thủ nội, với mức lương hàng chục nghìn USD mỗi tháng. Họ luôn được ưu tiên cho những vị trí chủ chốt trong đội hình, đặc biệt là tiền đạo bởi những tố chất ngoại hạng so với nội binh (thể hình, thể lực, kỹ thuật). Tuy nhiên, bóng đá Việt Nam có đặc thù riêng, và chuyện tuyển chọn ngoại binh đôi khi còn có những yếu tố khác đi kèm với vấn đề chuyên môn.
Chỉ có đều nếu cứ để những câu chuyện như trên tái diễn, việc chất lượng đội bóng đi xuống (giống như trường hợp của CLB Hà Nội gần đây) và sau đó là chất lượng của cả giải đấu cũng bị ảnh hưởng là điều khó tránh khỏi.
Linh Đan