Nội dung chính
- Tác dụng của quả chanh.
- Bài thuốc từ quả chanh.
Chanh là loại quả không xa lạ với người Việt. Nếu như ở Việt Nam, chanh có giá rất rẻ thì khi ra nước ngoài, chanh lại rất đắt đỏ.
Năm 2023, Đại sứ New Zealand tại Việt Nam Tredene Dobson cho biết giá chanh Việt Nam tại New Zealand rất đắt, do đó, chanh từng được ví như "vàng xanh" ở quốc gia này, VnExpress đưa tin. Do không thể trồng được, 1 kg chanh tại đây thường có giá hơn 50 NZD (khoảng hơn 700.000 đồng).
Tại Việt Nam, người dân sử dụng chanh bằng nhiều cách như uống nước chanh tươi, sinh tố chanh, kết hợp chanh vào các đồ uống khác để tăng hương vị, dùng chanh làm gia vị trong các món ăn, nước chấm.
Dù chanh được sử dụng khá nhiều trong cuộc sống nhưng rất ít người biết được những lợi ích làm thuốc từ loại quả này.
Chanh ta có tên khoa học là Citrus aurantifolia (Christm.et Panger) Swingle, thuộc họ Cam (Rutaceae). Thông thường, chanh được trồng bằng cách chiết cành vào mùa xuân.
Theo bác sĩ, Lương y Nguyễn Hữu Trọng, Ủy viên Hội thường trực Hội Nam y Việt Nam, trong y học cổ truyền, rất nhiều bộ phận của cây chanh được dùng làm thuốc, ví dụ như lá, quả, rễ.
Lá chanh có vị đắng the, mùi thơm, tính bình, có tác dụng giải nhiệt giải độc, hoạt huyết tiêu thũng. Lá chanh được dùng làm gia vị, dùng làm thuốc trị sốt rét dai dẳng, trị cảm cúm, trẻ em bụng đầy chướng, ho gà.
Quả chanh có vị chua, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, tiêu thực, sát khuẩn, chỉ nôn, sáng mắt. Quả được dùng làm thuốc giải nhiệt, giải khát, ho long đờm, kích thích tiêu hóa, chống bệnh chảy máu chân răng, viêm cổ chân răng.
Rễ chanh có thể dùng để chữa ho gà, ho có nhiều đờm dãi.
Bài thuốc từ chanh
Dưới đây, bác sĩ Trọng giới thiệu một số bài thuốc sử dụng chanh:
- Chữa ho, viêm họng sốt: Dùng quả chanh ngâm muối, mật ong ngậm nhiều lần trong ngày và uống nước ngâm chanh 3-4 lần trong ngày, mỗi ngày uống 3-4ml.
- Chữa bí tiểu tiện, giải nhiệt, giải cảm, giải sốc nhiệt: Chanh 1-2 quả; đường, nước đun sôi để nguội đủ dùng. Vắt nước quả chanh vào 400ml nước thêm đường đủ ngọt, uống 1-2 lần trong ngày.
- Chữa trẻ em bí đái, bụng đầy chướng: Hái lấy 10-15 lá chanh tươi, rửa sạch giã nát đắp lên rốn trẻ, băng lại, trẻ sẽ đi tiểu, hết đầy chướng.
- Chữa ho suyễn, có nhiều đờm dãi, trẻ em ho gà, hen phế quản: Rễ chanh sao vàng thơm 12g, Vỏ rễ dâu tằm tẩm mật sao 12g, vỏ bưởi (cạo bỏ cùi trắng) sao thơm 12g. Tất cả các vị cho vào 200ml nước sắc lấy 100ml nước thuốc, chia uống trong ngày (trẻ em cho thêm chút đường hay mật ong cho dễ uống).
Ông Trọng lưu ý do chanh có chứa nhiều acid citric nên ăn hoặc uống trực tiếp quá nhiều có thể khiến men răng bị bào mòn và tăng độ nhạy cảm. Chanh cũng có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bệnh lý dạ dày, trào ngược thực quản. Do đó, người có bệnh lý dạ dày tuyệt đối không nên ăn chanh hoặc uống nước chanh khi bụng đói vì có thể gây bào mòn niêm mạc dạ dày khiến tình trạng đau trầm trọng hơn. Thời điểm tốt nhất dùng nước chanh là sau khi ăn no khoảng 30 phút.
Ngọc Minh