Theo báo cáo tài chính, trong quý 3, GAB ghi nhận hơn 7 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 94% so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, doanh nghiệp chỉ lãi gộp hơn 300 triệu đồng, giảm mạnh so với con số 2,5 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.
Doanh thu tài chính giảm 21% xuống còn hơn 523 triệu đồng. Chi phí tài chính hơn 440 triệu đồng. Chi phí bán hàng và chi phí QLDN lần lượt giảm 31% xuống 719 triệu đồng và 923 triệu đồng. Khấu trừ đi các khoản chi, GAB báo lỗ sau thuế 1,26 tỷ đồng trong khi quý 3/2021 vẫn lãi hơn 200 triệu.
GAB giải trình, nguyên nhân tình hình kinh doanh kém sắc là do ảnh hưởng khách quan của sự việc nguyên Chủ tịch FLC- ông Trịnh Văn Quyết dẫn đến các đối tác, tổ chức tín dụng dùng hoặc hạn chế giao dịch với Công ty CP đầu tư khai khoáng & quản lý tài sản FLC do lo ngại là bên liên quan.
Bên cạnh đó, giá cả thị trường có sự biến động mạnh ảnh hưởng đến nền kinh tế cả nước, cũng như giá cả hàng hóa, nguyên vật liệu đầu vào tăng cao. Đồng thời, thị trường tiêu thụ hàng hóa các mặt hàng nông sản trong kỳ giảm.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2022, doanh thu thuần giảm 41% xuống 174 tỷ đồng. Tuy nhiên chi phí giá vốn triệt tiêu phần lớn doanh thu, kết quả GAB lỗ gần 1,3 tỷ đồng sau 3 quý.
Tại thời điểm cuối quý 3/2022, tổng tài sản của GAB đạt 242 tỷ đồng, giảm 48 tỷ đồng so với đầu năm. Nợ phải trả giảm gần 50 tỷ xuống còn hơn 80 tỷ đồng, chủ yếu là nợ ngắn hạn. Vốn chủ sở hữu ghi nhận hơn 162 tỷ đồng, LNST chưa phân phối tại thời điểm 30/9 đạt hơn 13 tỷ đồng.
Trên thị trường, cổ phiếu GAB đang thuộc diện hạn chế giao dịch, chỉ được giao dịch phiên chiều của ngày giao dịch theo phương thức khớp lệnh tập trung và phương thức giao dịch thoả thuận kể từ ngày 7/10/2022. Lý do bởi GAB chậm nộp BCTC soát xét bán niên năm 2022 quá 45 ngày so với thời hạn quy định.
Ngoài ra, một doanh nghiệp khác cùng "họ FLC" cũng công bố BCTC quý 3/2022 với doanh thu giảm đến 94% so với cùng kỳ.
Cụ thể, trong quý 3, doanh thu của CTCP Đầu tư Thương mại và Xuất nhập khẩu CFS (HNX: KLF) chỉ đạt 33.5 tỷ đồng, thua cùng kỳ tới 16.7 lần. Dẫu vậy, nhờ giá vốn hàng bán cũng giảm 95%, còn 28 tỷ đồng, Công ty có lãi gộp 5.5 tỷ đồng, tăng trưởng 53%.
Doanh thu từ hoạt động tài chính trong kỳ tăng tương đối mạnh lên 8 tỷ đồng (43%). Tuy nhiên, hầu hết chi phí đều bật tăng mạnh, như chi phí tài chính (61%, lên 8.4 tỷ đồng), chi phí bán hàng (gấp 3 lần cùng kỳ, lên 1.8 tỷ đồng)… khiến lợi nhuận của doanh nghiệp hao hụt. Kết quả, KLF chỉ lãi sau thuế hơn 1 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ.
Lũy kế 9 tháng, KLF có tổng doanh thu 448 tỷ đồng, giảm mạnh 65% so với cùng kỳ; và lỗ sau thuế 15.2 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 5.2 tỷ đồng). Với việc chỉ còn 3 tháng là kết thúc năm tài chính 2022 và tình hình kinh doanh đầy ảm đạm, mục tiêu 1,500 tỷ đồng doanh thu và 9.6 tỷ đồng lãi sau thuế đặt ra tại ĐHĐCĐ thường niên của KLF đang như một giấc mơ khó chạm tới.
Thời điểm cuối tháng 9/2022, tổng tài sản của KLF giảm nhẹ còn 2.37 ngàn tỷ đồng. Nhưng đáng chú ý, tài sản ngắn hạn bật tăng mạnh lên gần 2.1 ngàn tỷ đồng, gấp 2.2 lần đầu năm và chiếm tỷ trọng 88% trong cơ cấu tổng tài sản. Mức tăng chủ yếu đến từ các khoản phải thu ngắn hạn, gấp gần 3 lần đầu năm, lên 1.8 ngàn tỷ đồng, đa phần là khoản thu ngắn hạn từ Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Sip (454 tỷ đồng) và Công ty TNHH Newand Holdings Việt Nam (595.5 tỷ đồng). Các khoản nợ dài hạn (hơn 529 tỷ đồng) với 2 công ty trên đều đã được tất toán.
Ở bên kia bảng cân đối, nợ phải trả của doanh nghiệp gần như không biến động, với hầu hết là nợ ngắn hạn (647 tỷ đồng). Thời điểm cuối tháng 9/2022, Công ty còn hơn 474 tỷ đồng vay nợ thuê tài chính ngắn hạn, trong đó phát sinh thêm khoản vay gần 150 tỷ đồng với FLC.
CTCP Đầu tư thương mại và Xuất nhập khẩu CFS được đổi tên từ CTCP Liên doanh Đầu tư Quốc tế KLF, với tiền thân là CTCP Dịch vụ, Thương mại và Đầu tư Tân Mỹ Đình. Doanh nghiệp hoạt động từ tháng 9/2009 với mảng kinh doanh chính là thương mại, bất động sản và du lịch. Vốn điều lệ tính đến cuối tháng 09/2022 là 1.65 ngàn tỷ đồng.
Bảo Khánh (T/h)
Bình luận tiêu biểu (0)