Hoan nghênh tập đoàn hàng đầu thế giới phát triển hệ thống cảng biển tại Việt Nam
Chiều 23/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp ông Robert Maersk Uggla – Chủ tịch Tập đoàn A.P.Moller Holding (APM Holding) kiêm Chủ tịch Maersk – thành viên của APM Holding.
APM Holding là tập đoàn kinh doanh và đầu tư toàn cầu đến từ Đan Mạch, hoạt động trong nhiều ngành nghề bao gồm logistics, năng lượng tái tạo, tài chính, ngân hàng và sản phẩm tiêu dùng. Với lịch sử hình thành 120 năm, tập đoàn hiện có mặt tại trên 130 quốc gia với hơn 100.000 nhân viên.
Trong các đơn vị thành viên của APM Holding có APM Terminals là đơn vị chuyên kinh doanh vận hành cảng biển, vận hành một trong những mạng lưới cảng toàn diện nhất thế giới với 62 bến cảng container.
Tại buổi tiếp, Thủ tướng đánh giá cao tiềm lực về vốn, công nghệ và trình độ quản lý tiên tiến cũng như hoạt động đầu tư của A.P. Moller và Maersk vào Việt Nam (từ những năm 1990), góp phần vào sự phát triển của ngành hàng hải và nền kinh tế Việt Nam. Đồng thời cho biết Việt Nam sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài để thúc đẩy các dự án logistics.
Người đứng đầu Chính phủ chia sẻ Việt Nam có hơn 3.200 km bờ biển, nằm trong nhóm 20 nền kinh tế có quy mô thương mại quốc tế lớn nhất. Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông, trong đó có hạ tầng vận tải biển và đội tàu biển để giảm chi phí logistics đang còn cao, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa và nền kinh tế.
Trên cơ sở lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, Thủ tướng đề nghị tập đoàn nghiên cứu, tham gia một số dự án cụ thể mà Việt Nam đang kêu gọi đầu tư như cảng Liên Chiểu (vốn đầu tư khoảng 55.685 tỷ đồng), cảng quốc tế Cần Giờ (vốn đầu tư khoảng 113.531,7 tỷ đồng), một số cảng biển ở miền Bắc, miền Trung, Tây Nam Bộ.
Về phần mình, ông Robert Maersk Uggla cho biết tập đoàn nhìn thấy nhiều tiềm năng, cơ hội lớn tại Việt Nam và mong muốn đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển của Việt Nam. Ông cũng bày tỏ mong muốn tìm hiểu các cơ hội đầu tư để xây dựng các cảng biển container nước sâu lớn, hiện đại cũng như các dự án logistics chiến lược tại Việt Nam.
Dự án cảng Liên Chiểu có gì?
UBND thành phố Đà Nẵng đã đệ trình hai phương án đầu tư cho cảng Liên Chiểu lên các bộ, ngành cùng Chính phủ hồi đầu năm nay. Phương án thứ nhất là tiến hành các thủ tục cần thiết để thu hút đầu tư vào hai bến container ban đầu, có chiều dài tổng cộng là 750 mét, và các bến tiếp theo sẽ được xây dựng ở giai đoạn sau. Phương án thứ hai là thực hiện đầu tư đồng thời cho toàn bộ khu vực bến cảng.
Theo ước tính của UBND TP. Đà Nẵng, cảng Liên Chiểu khi đi vào hoạt động sẽ mang lại lợi ích kinh tế "khủng" từ thuế VAT và thuế xuất nhập khẩu như thu 4,8 nghìn tỷ đồng vào năm 2030 17,1 nghìn tỷ đồng vào năm 2040, và 25,8 nghìn tỷ đồng vào năm 2050.
Quy hoạch tổng thể của cảng Liên Chiểu có diện tích 288,33 hecta, bao gồm cả khu vực xây dựng các công trình logistic và khu vực bến nước ngoài cảng dành cho việc neo đậu tàu. Khi hoàn thành, dự án đảm bảo công suất cho việc vận chuyển hàng tổng hợp khoảng 17 đến 19 triệu tấn/năm và hàng container từ 5,2 đến 5,8 triệu tấn/năm.
Dự án đầu tư sẽ được chia làm hai phần. Phần thứ nhất (A) gồm việc xây dựng cơ sở hạ tầng 920 mét đê chắn sóng tiếp nối 1.070 mét đê chắn sóng đang trong quá trình xây dựng; xây dựng luồng tàu, vũng quay, và khu nước kết nối cho tàu trọng tải tới 200 nghìn tấn; đầu tư vào hệ thống giao thông nối các khu bến và một bến hàng lỏng cho tàu có thể cập hai bên để phục vụ công tác di dời các bến xăng dầu tại vịnh Liên Chiểu.
Phần thứ hai (B) bao gồm việc xây dựng bến cảng và cơ sở hạ tầng cảng biển, với 8 bến container tổng chiều dài 2.750 mét cho tàu có trọng tải từ 50 đến 200 nghìn tấn; 6 bến tổng hợp cho hàng rời với chiều dài 1.550 mét cho tàu trọng tải từ 50 đến 100 nghìn tấn; và bến cho tàu thủy nội địa với chiều dài 1.230 mét tiếp nhận tàu tới 5 nghìn tấn.
Khu vực hậu cần cảng sẽ được đầu tư đồng bộ với các kho, bãi chứa hàng, cùng các hạng mục công trình phụ trợ khác như văn phòng điều hành, nhà dịch vụ, xưởng sửa chữa, và cơ sở hạ tầng kỹ thuật cũng như trang thiết bị cần thiết cho hoạt động khai thác cảng.
Tổng vốn đầu tư dự kiến cho cảng Liên Chiểu lên tới khoảng 55.685 tỷ đồng, trong đó phần A sử dụng vốn ngân sách nhà nước khoảng 6.955 tỷ đồng, và phần B sử dụng vốn từ nhà đầu tư khoảng 48.729 tỷ đồng.
Về lộ trình đầu tư, Đà Nẵng đề xuất được chia làm ba giai đoạn: giai đoạn 1 từ năm 2023 đến năm 2030 với việc đưa vào sử dụng 4 bến container; giai đoạn 2 từ năm 2030 đến năm 2040 với việc xây dựng thêm 3 bến tổng hợp và 4 bến container, cùng 5 bến cho tàu SB; và giai đoạn 3 đến năm 2045 với việc hoàn thiện theo quy hoạch.
Bên cạnh đó, cảng còn có lợi ích từ việc thu phí hàng hải và lệ phí ra vào cảng với con số khoảng 230 tỷ đồng hàng năm.
Dự án cảng quốc tế Cần Giờ có gì?
Về vị trí, Cảng quốc tế Cần Giờ dự kiến nằm ở cù lao Con Chó, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ, thuộc vùng đệm khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, không ảnh hưởng đến vùng lõi khu dự trữ. Nơi đây nằm biệt lập với các khu vực lân cận, hiện nay có kết nối thuận lợi với luồng hàng hải và luồng đường thủy.
Trong Hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án, liên danh Cảng Sài Gòn - TIL đề xuất thực hiện Dự án với tổng mức đầu tư (không tính lãi vay trong thời gian xây dựng) là 113.531,7 tỷ đồng, tương đương 4,8 tỷ USD.
Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Thủ tướng phê duyệt nội dung vốn đầu tư là tối thiểu 50.000 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư đảm bảo không thấp hơn 15% tổng vốn đầu tư dự án.
Tổng chiều dài cầu cảng chính dự kiến khoảng 7 km và bến sà lan dự kiến khoảng 2 km. Tổng diện tích ước tính khoảng 571 ha. Bao gồm cầu cảng, kho bãi, giao thông nội bộ, khu văn phòng, nhà ở công nhân viên điều hành, khai thác cảng, hạ tầng.
Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ có thể tiếp nhận tàu container lớn nhất thế giới hiện nay là 250.000 DWT, tương đương 24.000 TEU (một TEU tương đương container loại 20 feet), tàu trung chuyển có tải trọng từ 10.000 - 65.000 tấn và sà lan tải trọng 8.000 tấn.
Ước tính với sản lượng hàng hóa năm đầu tiên qua cảng đạt khoảng 2,1 triệu TEU (1 TEU bằng 1 container 20 feet). Sau 7 giai đoạn đầu tư, lượng hàng qua Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ có thể đạt 16,9 triệu TEU vào năm 2047 - bằng một nửa sản lượng Singapore hiện nay.
Khu cảng dự kiến đóng góp vào ngân sách 34.000 - 40.000 tỷ đồng mỗi năm khi khai thác hết công suất. Đối với Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, giới chuyên gia kỳ vọng “mỏ vàng” mang về 40.000 tỷ đồng mỗi năm này sẽ giúp hệ thống Cảng Sài Gòn tiến ra biển lớn, góp phần giúp TP.HCM - đô thị giàu top đầu Việt Nam tiếp tục giữ vững vai trò là trung tâm logistics của khu vực và châu Á như Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore.
Trước đó, tại hai cuộc họp vào tháng 6 và tháng 8/2024 do Bộ Giao thông Vận tải tổ chức, tất cả thành viên hội đồng thẩm định đều thống nhất về sự cần thiết lập đề án và bỏ phiếu thông qua đề án. Cuối tháng 8 vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải đã trình Thủ tướng Chính phủ kết quả thẩm định đề án nghiên cứu xây dựng cảng Cần Giờ. Đây là bước quan trọng để cấp thẩm quyền xem xét thông qua chủ trương xây dựng dự án cảng biển trung chuyển lớn nhất Việt Nam tại TP.HCM này.
Thái Hà