Chỉ số trí tuệ cảm xúc (EQ) giúp chúng ta đánh giá về khả năng kiểm soát cảm xúc và kỹ năng giao tiếp của một người. Khác với IQ là chỉ số bẩm sinh và không thay đổi theo thời gian chỉ số EQ có thể được cải thiện và trau dồi. Đặc biệt với trẻ nhỏ, chỉ số trí tuệ cảm xúc của con có thể gia tăng nếu cha mẹ nhận biết và hỗ trợ con từ sớm.
Giáo sư Lý Mai Cẩn - một giáo sư nổi tiếng tại Trung Quốc từng chia sẻ: "Đừng bao giờ đánh giá thấp sức ảnh hưởng của cha mẹ đối với con cái. Mỗi lời nói, hành động của cha mẹ sẽ tác động lâu dài đến đặc điểm tính cách sau này của con".
Vị giáo sư này nói thêm, một đứa trẻ có EQ cao không phải từ yếu tố bẩm sinh, mà do cách cha mẹ giáo dục trong quá trình nuôi dưỡng con cái mà thành. Ngược lại, một số trẻ có EQ thấp là do chúng đã bắt chước những hành vi và lời nói xấu của phụ huynh.
Dưới đây là 3 kiểu phụ huynh sẽ nuôi dạy ra những đứa trẻ có EQ thấp, phụ huynh cần lưu ý điều chỉnh để không tác động xấu đến trẻ.
1. Cha mẹ không thể kiềm chế cảm xúc trước mặt con
Học cách kiểm soát cảm xúc là kỹ năng cần thiết không chỉ với trẻ nhỏ mà còn là người trưởng thành. Cha mẹ biết kiềm chế cảm xúc trước mặt con là cha mẹ tốt. Một khảo sát xã hội cho thấy những đứa trẻ có tính cách cáu kỉnh từ khi còn nhỏ thì khi lớn lên, chúng thường nghĩ đến cách giải quyết mọi việc theo phương thức cực đoan và thậm chí sẵn sàng làm hành vi vi phạm pháp luật. Nguyên nhân hình thành nên tính cách này là ví đứa trẻ lớn lên với cha mẹ là những người lớn không thể kiểm soát tốt được cảm xúc của mình.
Là cha mẹ, bạn nên là tấm gương tốt nhất cho con mình noi theo. Điều cha mẹ nên làm là hành xử nhẹ nhàng, hạn chế cáu giận, đánh mắng hay dùng những lời nói tiêu cực với con. Một cặp cha mẹ tệ nhất là cha mẹ hành xử bạo lực, dùng đứa trẻ để xả cơn giận của mình. Bạn hãy kiên nhẫn và ân cần với con hơn, quan tâm và thấu hiểu cảm xúc của trẻ. Như thế khi lớn lên, con không chỉ có EQ cao mà còn muốn gần gũi hơn với cha mẹ.
2. Cha mẹ nói xấu người khác trước mặt con cái
Người có EQ thấp không biết nói đúng lúc đúng chỗ, cũng như quan sát, thấu hiểu cảm xúc của đối phương. Một đứa trẻ như vậy có lẽ bị ảnh hưởng từ cha mẹ, những người liên tục nói xấu người khác trước mặt con. Họ không biết rằng đứa trẻ còn nhỏ, chưa hiểu được sự phức tạp của thế giới người lớn. Thế nên, khi bạn nói xấu người khác trước mặt con, trẻ sẽ chỉ biết bắt chước và lặp lại hành động tương tự.
Ví dụ, nếu cha mẹ có vấn đề với người hàng xóm ở tầng dưới, sau đó nói xấu họ với con. Rồi lần sau khi đứa trẻ nhìn thấy người hàng xóm này, con sẽ kể hết những điều mà cha mẹ đã nói với đối phương. Điều này có thể mang lại tình huống khó xử cho cả cha mẹ, con và hàng xóm. Tệ hơn là về lâu dài, khi nhìn thấy cha mẹ nói xấu hết người này đến người khác, con cũng sẽ có suy nghĩ xấu về những người xung quanh. Lớn lên, con dễ hình thành tính cách đa nghi, khó tin tưởng với người khác vì từ khi còn bé, con đã nghĩ rằng những người xung quanh ai cũng đều là người xấu.
3. Cha mẹ phàn nàn hằng ngày
Một số cha mẹ không bao giờ biết cách tạo ra một môi trường giáo dục tốt hơn cho con mình. Họ chỉ thể hiện sự bất mãn với cuộc sống cũng như áp lực mà họ phải gánh chịu trước mặt con cái. Những đứa trẻ này khi lớn lên chắc chắn không chỉ có EQ thấp mà còn thường xuyên buồn bã, bi quan về thế giới xung quanh. Bởi từ cách giáo dục của cha mẹ, trẻ đã không thể nhìn thấy được khía cạnh tích cực của cuộc sống.
Nhìn chung, cha mẹ phải là người dẫn đường cho sự trưởng thành của con, chứ đừng kìm hãm đứa trẻ. Đừng để hành động và lời nói của mình khiến đứa trẻ đánh mất tấm lòng tốt đẹp ban đầu, từ đó biến chất thành người ích kỷ, không biết quan tâm đến cảm xúc của người khác và bi quan khi lớn lên. Vì vậy, nếu cha mẹ thấy mình có những dấu hiệu trên thì hãy cân nhắc dừng lại. Điều này không chỉ ngăn chặn con trở thành một người lớn EQ thấp, mà còn giúp con con có cơ hội phát triển các kỹ năng xã hội quan trọng khác.
Dương