Nhắc tới những thứ bẩn nhất, nhiều vi khuẩn nhất trong nhà hầu hết mọi người thường nghĩ ngay đến bồn cầu. Tuy nhiên, có nhiều vật dụng khác trong nhà, đặc biệt là trong phòng tắm cũng bẩn chẳng hề kém nếu không được vệ sinh đúng cách. Trong đó có 3 thứ ngày nào chúng ta cũng dùng mà không biết chúng bẩn đến thế nào như:
1. Đầu vòi hoa sen
Đầu vòi hoa sen là vật dụng quen thuộc, gắn liền với việc tắm rửa mỗi ngày. Nhiều người cho rằng đầu vòi hoa sen hay vòi nước không bẩn do ngày nào cũng có nước chảy qua, nhưng sự thật không phải vậy. Trong khi đây là vị trí luôn ẩm ướt, dễ tích tụ cặn bẩn và khó làm sạch nhưng lại rất ít khi được chú trọng khi dọn dẹp vệ sinh.
Một nghiên cứu của Đại học Colorado (Mỹ) cho thấy, đầu vòi hoa sen có thể chứa tới 100.000 vi khuẩn/cm², cao hơn gấp nhiều lần so với bệ ngồi bồn cầu (khoảng 50 vi khuẩn/cm²). Gồm các loại vi khuẩn nguy hiểm như Mycobacterium avium gây viêm phổi, Pseudomonas aeruginosa gây nhiễm trùng da và tai) hay Legionella pneumophila gây viêm phổi nặng). Những vi khuẩn này phát triển trong môi trường ẩm ướt và dễ lây lan qua hơi nước. Chúng đặc biệt nguy hiểm cho người có hệ miễn dịch yếu. Ngoài ra, nước từ vòi sen bị nhiễm khuẩn cũng dễ gây kích ứng da, nổi mẩn ngứa và viêm nhiễm.
2. Lồng máy giặt
Ngày nay, phần lớn các gia đình để máy giặt trong hoặc gần phòng tắm. Thiết bị này giúp bạn giặt quần áo sạch sẽ nhưng thực tế, lồng máy giặt lại là nơi tích tụ vi khuẩn do môi trường ẩm ướt và cặn bẩn từ quần áo. Trong khi mọi người thường cho rằng lồng máy giặt có thể tự làm sạch khi giặt giũ và ít chú trọng vệ sinh.
Theo nghiên cứu của Viện Sức khỏe và Môi trường Quốc gia Mỹ, số lượng vi khuẩn trong lồng máy giặt không được vệ sinh định kỳ có thể lên tới 1 triệu con/cm², cao gấp hàng chục lần so với bồn cầu. Vi khuẩn như E. coli hay Salmonella từ lồng máy giặt có thể bám lên quần áo, gây nguy cơ nhiễm trùng da, bệnh tiêu hóa hoặc hô hấp. Nhiều loại nấm mốc khác cũng ảnh hưởng tới sức khỏe, gây viêm nhiễm vùng kín và da thông qua quần áo hoặc tiếp xúc trực tiếp. Còn khiến càng giặt càng bẩn.
Do đó, hãy vệ sinh lồng giặt ít nhất là 2 tuần 1 lần. Ngoài chế độ làm sạch sẵn có từ thiết bị, hãy chú ý lau dọn sau mỗi lần giặt để tránh nước đọng. Cũng không nên đóng kín lồng giặt ngay sau khi lấy quần áo đã giặt ra ngoài, chờ khoảng 15 phút.
3. Khăn tắm
Khăn tắm là vật dụng tiếp xúc trực tiếp với cơ thể, cũng là nơi tích tụ lượng lớn vi khuẩn và có thể bẩn hơn bồn cầu nếu để qua đêm, nhiều ngày không giặt. Theo báo cáo của Viện Vệ sinh Anh quốc, một chiếc khăn tắm sử dụng lâu ngày có thể chứa hơn 500.000 vi khuẩn.
Bao gồm Staphylococcus aureus gây nhiễm trùng da, Escherichia coli (E. coli) gây tiêu chảy, nhiễm trùng đường ruột và nấm mốc gây dị ứng, bệnh hô hấp. Môi trường ẩm ướt và không phơi khô đúng cách càng làm tăng nguy cơ vi khuẩn sinh sôi. Các vi khuẩn này có thể gây bệnh nghiêm trọng nếu tiếp xúc lâu dài, gồm cả các bệnh viêm nhiễm vùng kín.
Để phòng tránh, tốt nhất là giặt khăn tắm sau mỗi lần sử dụng, không nên để qua đêm, nhất là trong môi trường nhà tắm ẩm ướt. Nếu không được, cũng cần giặt sau tối đa 2 - 3 ngày. Giặt khăn tắm bằng nước nóng giúp tăng hiệu quả tiêu diệt vi khuẩn và nấm mốc, sau đó cần phơi dưới ánh nắng hoặc sấy khô hoàn toàn. Thay khăn mới sau 3 - 6 tháng hoặc khi có nấm mốc, hư hại, mùi lạ.
Nguồn và ảnh: Aboluowang, Family Doctor
Ngọc Ái