Ăn thịt lợn có tốt không? Câu trả lời là có. Thịt lợn giàu protein, chất béo, vi chất như canxi, sắt, kẽm, các loại vitamin cần thiết cho nhiều hoạt động của cơ thể. Tuy nhiên, ăn nhiều thịt lợn đặc biệt là một số bộ phận của lợn không nên ăn nhiều bởi ăn càng nhiều thì rủi ro "đầu độc" cơ thể càng lớn với nguy cơ bệnh tật cao hơn. Bao gồm:
1. Thịt cổ lợn
Thịt cổ lợn là phần thịt ngon mềm, mọng nước, thường được dùng trong các món nướng, áp chảo hay rang nhờ tỷ lệ mỡ - thịt hợp lý. Tuy nhiên, phần thịt cổ lợn có thể có các hạch bạch huyết của lợn.
Chuỗi hạch bạch huyết là một phần quan trọng trong hệ miễn dịch của động vật và các mô xung quanh hạch bạch huyết có thể chứa một lượng lớn vi khuẩn và virus gây bệnh và rất cũng rất khó để loại bỏ toàn bộ trong khi sơ chế. Trong điều kiện bình thường, hàm lượng các vi khuẩn, virus này không cao nhưng khi tích tụ với số lượng lớn có thể gây bệnh và đe dọa sức khỏe.
Ngoài ra, thịt cổ lợn cũng chứa nhiều mỡ, khi ăn với lượng nhiều dễ dàng gây tăng cân dẫn tới béo phì, rủi ro mắc các bệnh tim mạch và mạch máu do xơ vữa động mạch.
2. Lòng lợn
Lòng lợn chứa lượng lớn protein, chất béo, canxi, phốt pho, sắt, vitamin B1, vitamin B12, axit nicotinic cùng nhiều vitamin và khoáng chất khác nên có thể nói giá trị dinh dưỡng của lòng lợn vượt xa nhiều cơ quan nội tạng khác của lợn. Theo Y học cổ truyền Trung Quốc, lòng lợn có vị ngọt, tính bình, vào tỳ, vị, thận nên có tác dụng ôn kiện tỳ vị, ích thận bổ hư.
Tuy nhiên, ăn nội tạng động vật quá nhiều, chẳng hạn như lòng lợn, đều không tốt cho sức khỏe bởi lượng chất đạm cao, nhiều mỡ động vật và cholesterol xấu dễ làm tăng mỡ máu, tăng nguy cơ xơ vữa động mạch. Đặc biệt là người bị bệnh tim mạch, tiểu đường, gan nhiễm mỡ, bệnh viêm tụy, bệnh gout, bệnh thận cần thận trọng khi ăn, dễ khiến tình trạng bệnh chuyển xấu.
Ngoài ra, lòng lợn còn là nơi chứa một lượng lớn vi khuẩn và ký sinh trùng như giun sán, E.Coli, liên cầu khuẩn Streptococcus. Ăn lòng lợn không được sơ chế sạch sẽ và nấu chín là tăng nguy cơ mắc bệnh tiêu hóa như viêm dạ dày ruột, viêm túi mật và nhiễm ký sinh trùng hay nguy cơ viêm màng não do liên cầu khuẩn, nhiễm trùng huyết, tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn,...
3. Đuôi lợn
Đuôi lợn thường được dùng để nấu canh hoặc hầm để lấy nước nhờ giàu protein, canxi, sắt, collagen. Ăn đuôi lợn có thể giúp bổ khí huyết, tăng cường cơ bắp và xương khớp. Tuy nhiên, ăn quá nhiều đuôi lợn, nhất là người bị cao huyết áp, bệnh tim mạch vành, béo phì, bệnh gout - bởi lớp mỡ trong đuôi lợn là chất béo bão hòa dễ khiến bệnh nghiêm trọng hơn.
Nhiều người ví đuôi lợn như "thuốc bổ thận" nhờ giàu kẽm, tốt cho sinh lực, hỗ trợ chữa chứng thận hư, liệt dương, xuất tinh sớm. Tuy vậy thì cũng không nên ăn quá 2 lần một tuần, ăn nhiều sẽ dễ tác dụng ngược lại.
4. Phổi lợn
Phổi lợn là cơ quan hô hấp của lợn, là nơi thải ra khí thải và dịch tiết chính. Do vậy phổi lợn có thể chứa một lượng lớn chất nhầy, vi khuẩn và ký sinh trùng nếu điều kiện nuôi nhốt lợn kém vệ sinh, bẩn thỉu. Hơn nữa, phổi lợn còn nhiều phế nang để không khí lưu thông nên rất khó làm sạch.
Phổi lợn cũng chứa hàm lượng cholesterol cao, dễ làm tăng cholesterol nếu tiêu thụ nhiều và lâu dài, tăng gánh nặng cho cơ thể dẫn tới các bất lợi sức khỏe. Đặc biệt là người bị bệnh liên quan tới mức cholesterol cao.
Người trưởng thành khỏe mạnh có thể ăn phổi lợn một lần một tuần nhưng với điều kiện sơ chế phổi lợn sạch sẽ bằng cách rửa phổi lợn dưới vòi nước sạch để nước có thể chảy vào các khí phế nang sau đó dốc sạch máu đọng, giảm mùi hôi. Khi mua phổi lợn, nên chọn mua phổi lợn có độ tươi, sạch, phổi màu hồng, không mua phổi thâm đen và có mùi tanh, hôi.
Kim Phụng
Nguồn: Sohu