5 năm tổ chức Solve for Tomorrow là 5 lần Samsung và Tổ chức Tuổi trẻ Thành đạt (JA Vietnam) mang đến sân chơi sáng tạo thú vị, thực tiễn để các bạn học sinh khắp 3 miền có dịp thỏa sức hiện thực hóa những ý tưởng mà trước đây có lẽ chỉ là những giấc mơ khó đạt tới.
Tại Solve for Tomorrow 2023 vừa qua, số lượng bài dự thi vòng sơ tuyển đã tăng khoảng 2 lần so với năm ngoái, chứng tỏ sức hút của cuộc thi cũng như sự hứng thú của các bạn học sinh, các thầy cô và các trường học tại Việt Nam trong việc tìm ra những giải pháp cho các vấn đề của xã hội và địa phương.
Trong số 2266 bài dự thi, có 10 ý tưởng xuất sắc nhất lọt vào vòng chung khảo. Và trong 10 ý tưởng này, 4 dự án nổi bật nhất, được đánh giá cao nhất đã được gọi tên, đạt giải Nhất và Nhì hai bảng A, B trong vòng Chung kết diễn ra vào ngày 25/11 vừa qua.
Cụ thể, 2 dự án đạt giải Nhất và Nhì của bảng A (các đội THCS) là Robot theo dõi, giám sát sức khỏe đất của đội Khóm Cầu Khúc đến từ Hậu Giang và Robot AI giám sát cây trồng của đội ICSAD đến từ Hòa Bình. Trong khi đó, ở bảng B (các đội THPT), dự án Hộp y tế thông minh MedIQ của đội Mindful Medical Brand từ Hà Nội và Robot chăm sóc sức khỏe của đội TechCare từ Tp. Hồ Chí Minh đều vô cùng xứng đáng khi nằm ở 2 vị trí cao nhất trong cuộc thi.
Đội Khóm Cầu Đúc chỉ gồm 2 bạn nhỏ đang học lớp 9 trường Trung học cơ sở Thuận An - Hậu Giang nhưng lại xuất sắc ghi dấu ấn trong lòng khán giả và hội đồng ban giám khảo tại vòng Chung kết. Mai Nguyễn Gia Mỹ chia sẻ, vì ông bà bạn từ trước đến nay vẫn bón phân trên ruộng theo kinh nghiệm, không có sự đo đạc chất lượng của đất nên ảnh hưởng nhiều đến đất cũng như sản lượng lúa. Đây là vấn đề mà rất nhiều bà con tại Hậu Giang gặp phải và cũng là lý do mà 2 bạn quyết tâm tạo ra giải pháp - chính là AgroRobot với khả năng thăm dò, giám sát và đánh giá tình trạng sức khỏe của đất chuyên trồng lúa.
Theo kết quả mà nhóm công bố, trên một diện tích ruộng 1000m2 thì khi sử AgroRobot thì thời gian thăm đồng giảm từ 15 - 20 phút chỉ còn 3 - 5 phút, lượng phân bón sử dụng giảm đi 5kg nhưng năng suất lúa lại tăng từ 100 - 200kg.
Vũ Trần Gia Huy chia sẻ, nhờ được giáo viên hướng dẫn tận tình cũng như quyết tâm tự tìm hiểu, nhóm bạn cũng đã tạo ra ứng dụng lập trình tự động hóa cho robot. “Nó vẫn chưa hoàn hảo, đôi khi còn lỗi vặt nhưng em sẽ tiếp tục học thêm để làm ra những sản phẩm tốt hơn nữa” - Huy nói về dự án của Khóm Cầu Đúc.
Chỉ nhỏ gọn như 1 chiếc vali nhưng chiếc hộp này chứa bên trong hàng loạt cảm biến, công nghệ giúp người bệnh nhanh chóng đo được những chỉ số sức khỏe quan trọng như nhiệt độ trên da, nhịp tim, SpO2, huyết áp và đặc biệt là khả năng đếm giọt cho những bệnh nhân đang trong quá trình truyền dịch. Dữ liệu sau đó sẽ được cập nhật nhanh chóng lên phần mềm quản lý trên nền web, chia sẻ trực tiếp cho người nhà bệnh nhân và chuyên gia y tế.
Đây là sản phẩm được đánh giá rất cao về tính thực tiễn, kết hợp khả năng theo dõi sức khỏe tốt và giao diện phần mềm trực quan. Với phần trình diễn tính năng trực tiếp tại vòng Chung kết, nhóm đã vượt qua 4 đối thủ khác để nhận về giải Nhất của bảng B.
Ý tưởng về chiếc hộp đa năng không tự nhiên mà đến. Thành viên Tô Hữu Phát của Mindful Medical Brand chia sẻ vì bạn có người bác mắc bệnh cao huyết áp nhưng không được phát hiện và điều trị từ sớm nên không may đã bị đột quỵ.
Là đội đạt giải Nhất nhưng các bạn cũng thành thật chia sẻ 1 trong số những khó khăn trong quá trình phát triển sản phẩm là “làm việc nhóm”: “Nhóm có 4 người nên chắc chắn sẽ có những lúc bất đồng quan điểm”. Dù vậy, cuối cùng tất cả đều hiểu rằng mọi bất đồng đó đều đến từ mong muốn giúp sản phẩm trở nên thật tốt, mang đến giá trị thực tiễn cho mọi người.
Ý tưởng này xuất phát từ 1 buổi đến thăm vườn rau thủy canh của bạn Ngân Hà và niềm yêu thích của bạn về cây trồng nông nghiệp. Bác của Ngân Hà - chủ vườn rau chia sẻ vì phải đi công tác dài ngày, không theo dõi được thường xuyên nên đôi khi cây bị sâu bệnh, thiếu dinh dưỡng. Từ đó, nhóm bạn đã cùng nhau ứng dụng công nghệ Robotic AIoT đã được chứng minh hiệu quả trong nông nghiệp để tạo ra phiên bản robot giám sát cây trồng sử dụng trí tuệ nhân tạo của riêng mình.
Sau 1 tháng thử nghiệm, các thành viên trong nhóm đã hoàn thiện mô hình 3D, robot AI và sa hình mô phỏng. Các thành phần điện - nước, nhóm có thêm sự hỗ trợ của thầy giáo nhưng Ngân Hà lại đảm nhận riêng phần quan trọng và được coi là khó khăn nhất đối với 1 bạn học sinh THCS, chính là lập trình và vận hành hệ thống, giúp robot AI kết hợp nhuần nhuyễn với hệ thống AIoT.
Ưu điểm vượt trội của robot AI này là sẽ tự động gửi các thông báo cần thiết về cho chủ vườn cây rau hàng ngày. Ngoài ra có cả máy chủ điều khiển, hiển thị đầy đủ các thông tin như nhiệt độ, độ ẩm, độ PH, độ sạch của nước cũng như hình ảnh ghi lại từ camera AI trên robot và các nút bấm điều khiển bằng tay.
Khoảng cuối năm 2022, Tp. Hồ Chí Minh gặp tình trạng thiếu hụt điều dưỡng trầm trọng tại nhiều bệnh viện, chưa kể đây là công việc với đặc thù vất vả, cường độ cao, áp lực ngày càng tăng mà môi trường lại dễ lây nhiễm bệnh. Điều này ảnh hưởng đến cả thể chất và tinh thần các cán bộ điều dưỡng, y tá nhưng mức lương lại cực kì thấp.
Chính vì thế, đội TechCare đã kì vọng tạo ra giải pháp để hỗ trợ tình trạng này, giảm bớt tình trạng thiếu hụt nhân lực điều dưỡng cũng như giúp công việc của họ trở nên đơn giản hơn. Robot của TechCare có thể đo huyết áp, nhiệt độ và nhịp tim, thậm chí là hỏi thăm các bệnh nhân rồi lưu lại câu trả lời vào hệ thống. Đây đều là các công việc lặp lại mà điều dưỡng, y tá thường xuyên phải thực hiện mất rất nhiều thời gian trong ngày.
Robot có thể di chuyển dựa vào các vạch từ vẽ sẵn trên sàn, có thể né vật thể và tìm kiếm đường đi ngắn nhất đến các phòng bệnh. Bên cạnh đó, robot trang bị thùng chứa đến 24 lít, có cánh tay để gắp các vật thể, kết hợp với màn hình cảm ứng nhập thông tin cũng như hiển thị biểu cảm khi giao tiếp với bệnh nhân.