Cá là nguồn dinh dưỡng phong phú, chứa protein chất lượng cao, vitamin D, E, canxi, i ốt, photpho, DHA và đặc biệt là axit béo omega-3. Những dưỡng chất này mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe và làm đẹp. Từ bảo vệ tim mạch, tăng cường thị giác và chức năng não bộ đến hỗ trợ hệ miễn dịch, xương chắc khỏe và giúp da tóc đẹp. Chính vì vậy, các chuyên gia khuyến nghị ăn ít nhất 2 bữa cá mỗi tuần, tương đương 340g cá.
Tuy nhiên, dinh dưỡng và lợi ích từ cá phụ thuộc vào loại cá và cách chế biến. Nếu chế biến không đúng, cá có thể mang lại tác hại cho sức khỏe. Dưới đây là 4 cách chế biến cá cần tránh:
1. Cá sống hoặc chưa chín kỹ
Nhiều người cho rằng ăn cá sống hay mật cá sống giữ được nhiều dưỡng chất, là món “đại bổ”. Tuy nhiên, kiểu ăn cá này tiềm ẩn nhiều nguy cơ sức khỏe. Do cá sống dễ nhiễm độc tố và vi sinh vật gây bệnh như sán, giun, và vi khuẩn listeria. Nếu không được chế biến kỹ, cá có thể gây ngộ độc hoặc tích lũy chất độc, vi sinh vật gây bệnh lâu dài. Các món như gỏi cá, sashimi, lẩu cá chưa chín đều dễ khiến bạn mắc bệnh tật. Tốt nhất không nên ăn hoặc hạn chế ăn hết mức và chỉ ăn từ khi có nguồn gốc rõ ràng, bảo đảm vệ sinh.
2. Cá nướng, hun khói
Nướng cá ở nhiệt độ cao hoặc hun khói có thể tạo ra benzopyrene, chất gây ung thư loại 1 theo cảnh báo từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Nếu bạn ăn các phần cá bị cháy hay khét thì lượng chất độc này càng tăng lên đáng kể. Ngoài ra, quá trình nướng làm giảm hàm lượng dinh dưỡng, khiến protein và axit béo trong cá bị biến chất, sinh ra các chất độc hại cho cơ thể, đặc biệt là với những con cá được hun khói bằng dầu đốt.
3. Cá ướp muối rồi làm khô
Cá khô hay cá ướp muối có thể chứa methyl nitrite và dimethylnitrosamine, những chất gây ung thư. WHO xếp cá ướp muối rồi phơi/sấy khô vào loại chất gây ung thư loại 1. Ngoài ra, lượng natri cao trong cá ướp muối dưới mọi hình thức - dù phơi khô hay không làm tăng huyết áp và có thể gây tắc nghẽn động mạch, ảnh hưởng đến tim mạch. Việc bảo quản cá khô không đúng cách có thể dẫn đến sự phát triển của vi sinh vật gây hại và histamine gây dị ứng hoặc nấm mốc chứa chất aflatoxin gây ung thư.
4. Cá chiên rán quá kỹ hoặc chiên lại nhiều lần
Quá trình chiên rán làm giảm dinh dưỡng của cá và tạo ra các chất béo chuyển hóa không tốt cho sức khỏe. Đặc biệt, chiên cá ở nhiệt độ quá cao hoặc chiên nhiều lần có thể tạo ra benzopyrene. Theo WHO đây là một chất gây ung thư, làm thay đổi cấu trúc DNA và tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày, gan, phổi và suy tim. Ngoài ra, việc chiên cá làm giảm hàm lượng vitamin và khoáng chất, đồng thời gây tăng purin, không tốt cho người bị gút. Do đó, không nên ưu tiên chế biến cá nhiều dầu mỡ, không chiên rán quá kỹ hoặc lặp lại nhiều lần
Nguồn và ảnh: QQ, Family Doctor
Ngọc Ái